Trong số 4 ngân hàng quốc doanh, Vietcombank gây chú ý khi công bố tỉ lệ bao phủ nợ xấu cao kỷ lục trong ngành ngân hàng, đạt 424%. Đặc biệt, toàn bộ dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN đã được Vietcombank trích lập đủ 100%, sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỉ lệ nợ xấu của Vietcombank trong năm 2021 vẫn bằng năm 2020. Tỉ lệ nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của ngân hàng này cũng chỉ ở mức 0,34% cho thấy, chất lượng tín dụng được kiểm soát rất tốt và không tiềm ẩn rủi ro đáng kể nào cho năm 2022.
Tính đến cuối năm 2021, nợ xấu của ngân hàng BIDV đã giảm mạnh còn 0,81%. Tuy nhiên, trong năm 2021 BIDV cũng là ngân hàng đưa tỉ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao nhất từ trước đến nay, đạt 235%, trong khi số liệu này tại thời điểm 30.9.2021 ở mức 140% và trước đó, vào cuối năm 2020 chỉ là gần 89%.
Còn tại VietinBank, ông Trần Minh Bình - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng - cho hay, tỉ lệ bao phủ nợ xấu hiện ở mức 171%, tăng mạnh so với con số 132% của cuối năm 2020.
Agribank cũng cho biết, đã tăng cường trích lập dự phòng, nâng tỉ lệ bao phủ nợ xấu từ 120% lên 140% để dự phòng cho năm 2022.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, nhiều ngân hàng cũng cho thấy sự thận trọng trong việc đối phó với nợ xấu khi báo cáo tài chính cho thấy tỉ lệ bao phủ nợ xấu cũng được tăng cao như Techcombank với tỉ lệ là 184%, MBBank tăng từ 134% lên 233%, ACB tăng từ 160% lên 198%…. Chính vì vậy, các chuyên gia đang có một cái nhìn lạc quan về tình hình nợ xấu của các ngân hàng trong năm 2022.
Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, năm 2022, rủi ro cho nợ xấu ngân hàng là Thông tư 14 về cơ cấu nợ không được gia hạn. Song ngay cả khi trường hợp này xảy ra, tình hình cũng không đến mức báo động, vì nền kinh tế đang dần phục hồi, khả năng trả nợ của doanh nghiệp cũng được hồi phục. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã trích lập dự phòng 100% cho nợ cơ cấu.
TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc đầu tư của Quỹ DG Investment - nhận định, còn quá sớm để đưa ra nhận định về bức tranh nợ xấu năm 2022. Dẫu vậy, với việc Luật Xử lý nợ xấu có thể được ban hành trong năm 2022 cùng với đó khả năng cao NHNN sẽ tiếp tục gia hạn Thông tư 14/2021/TT-NHNN và tiếp tục hoãn lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cũng khiến áp lực nợ xấu năm 2022 bớt căng thẳng. Thực tế, tâm lý lo ngại về nợ xấu ngân hàng năm 2022 đã phản ánh khá rõ nét vào diễn biến cổ phiếu ngành ngân hàng trong thời gian gần đây và chỉ được giải tỏa phần nào đó khi báo cáo tài chính năm 2021 được công bố với những con số về kết quả kinh doanh lẫn nợ xấu. Cùng với những nỗ lực bao phủ nợ xấu và kiểm soát chất lượng tín dụng của ngành ngân hàng thời gian qua, chúng ta chưa cần phải quá lo lắng về chất lượng tài sản ngân hàng, TS Nguyễn Duy Phương nhận định.