Tỷ lệ nợ xấu của phân khúc tín dụng này chiếm 4,2% tổng dư nợ. Điều đáng nói là tín dụng tiêu dùng tăng nhanh chủ yếu đến từ hoạt động cho vay mua, sửa nhà khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ cho vay bất động sản đang núp bóng vay tiêu dùng ngày một lớn.
Theo báo cáo của NHNN chi nhánh TPHCM cho thấy dự nợ tín dụng tiêu dùng đã tăng trưởng mạnh trong những năm qua, trong khi đó, nguồn vốn vào lĩnh vực ưu tiên (sản xuất, kinh doanh) có dấu hiệu giảm.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM - cho hay, giai đoạn 2015 - 2016 trở về trước, có đến 78% tín dụng dành cho sản xuất kinh doanh, nhưng đến nay con số này chỉ còn hơn 70%. Một phần, dòng vốn chuyển sang tín dụng tiêu dùng, từ khoảng 12% năm 2015 lên 19,4% năm 2018.
Trong vòng 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng đã tăng gấp 5 lần. Cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng toàn ngành ngân hàng khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Đến cuối năm 2017, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,1 triệu tỷ đồng (gấp 4,8 lần năm 2012), chiếm khoảng 18% tổng dư nợ của nền kinh tế. So với ngân hàng, lãi suất cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính thường cao hơn rất nhiều, thậm chí lên 60-70%/năm là khó tránh.
Nhưng điều đáng nói là tín dụng tiêu dùng tăng nhanh chủ yếu đến từ hoạt động cho vay mua, sửa nhà khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ cho vay bất động sản đang núp bóng vay tiêu dùng ngày một lớn. Và thực tế, điều đó đang diễn ra ở các ngân hàng.
Cũng theo ông Minh, hoạt động cho vay tiêu dùng trong lĩnh vực bất động sản đang chiếm khá cao, khoảng 38 - 40% tổng dư nợ tín dụng (tương đương khoảng 116.000 - 180.000 tỷ đồng).
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đang tiềm ẩn rủi ro, lãi suất cao đồng thời gây ra nhiều hạn chế. TS Trương Huy Mai – chuyên gia tài chính RMIT phân tích, trong hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng và công ty tài chính có tỷ lệ khá lớn liên quan đến bất động sản. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, những khoản vay của cá nhân liên quan đến mua nhà, sửa chữa nhà… có nguồn trả nợ từ lương được hạch toán vào cho vay tiêu dùng, chiếm khoảng 30-40%. Đến nay, con số cho vay tiêu dùng khoảng 400.000 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng dư nợ trên địa bàn thành phố, có tới 160.000 – 180.000 tỷ đồng liên quan đến tín dụng bất động sản.
Hiện lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn của các ngân hàng đang xoay quanh mức 6,5-8,9%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn 8,5-11%/năm. Đối với các công ty tài chính, lãi suất cho vay tiêu dùng thấp nhất là 20%/năm, phổ biến từ 30-40%/năm, có công ty tài chính đưa lãi suất cho vay lên tới 60-70%/năm, dù rằng đây là khoản cho vay nhỏ, nhiều rủi ro nhưng lãi suất quá cao ảnh hưởng rất lớn đến khả năng trả nợ của người vay, mức lãi suất này cao hơn rất nhiều so với lãi suất của các ngân hàng, TS Mai nhận định.