Đề thi vượt khỏi khuôn mẫu, lan tỏa giá trị tích cực
“Bởi chúng ta ai cũng chỉ được sống một lần...”. Đây là một câu trong đề thi vào lớp 10 trường chuyên của tỉnh Hải Dương năm nay. Đề thi gây bất ngờ khi chỉ có một câu ngắn gọn, không có câu hỏi, cũng chẳng có yêu cầu cho học sinh. Độ mở của đề thi nằm ở dấu ba chấm. Học sinh được tự do viết, trình bày suy nghĩ.
“Em cảm thấy sốc khi đọc đề thi, bởi nó khác hoàn toàn so với cấu trúc và cách ra đề của những năm trước”, “rất bất ngờ khi đọc đề bài”, “đề thi hay quá, cách ra đề sáng tạo, không theo khuôn mẫu”, “em đã sáng tác một bài thơ nối sau dấu ba chấm của đề bài”... Rất nhiều cảm nhận khác nhau của học sinh sau khi được trải nghiệm với một đề văn mở như thế!
Và sẽ còn những tranh cãi, nhưng chắc chắn với đề thi này, học sinh sẽ được sáng tạo, nói lên suy nghĩ của mình. Đặc biệt nhất, mỗi bài văn học sinh làm sẽ là một câu chuyện riêng, với những cá tính được bày tỏ qua từng con chữ.
Cũng nhận được sự quan tâm không kém trong mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm nay là đề thi môn Văn của TPHCM. Đề không chỉ gây ấn tượng về hình thức, bố cục mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Phần đọc hiểu của đề thi không trích dẫn 100% ngữ liệu từ sách giáo khoa mà được dẫn dắt bởi người ra đề, được trình bày dưới dạng một lá thư của giáo viên gửi đến các em học sinh.
Đề thi mở đầu: “Em thương mến! Tuổi trẻ là tuổi giàu nghĩ suy về cuộc sống xung quanh và về những người thân yêu. Thế nhưng đôi khi vì e ngại, em giấu kín những tâm tư của mình; vì sợ hãi, em âm thầm chôn sâu những ước muốn riêng tư; vì chưa đánh giá đúng ý nghĩa của lời nói, em thờ ơ với việc tỏ bày. Để rồi bao nhiêu tình cảm tốt đẹp vụt qua tầm tay. Để rồi nỗi niềm tích tụ ngày một nhiều làm cho tâm hồn nặng trĩu, cuộc sống bớt đi những sắc màu tươi sáng.
Các em biết chăng, có những lúc tâm tư cần được thể hiện, ước muốn cần được thổ lộ, tình cảm cần được bộc bạch. Nhiều khi suy nghĩ cất lên thành lời sẽ mang đến sự chia sẻ, cảm thông, sẽ tạo thành mối dây liên kết giữa người với người; sẽ giúp lan truyền những điều tích cực, đẹp đẽ...”.
Và đề bài yêu cầu học sinh trình bày quan điểm của mình về chủ đề “Để những nghĩ suy cất lên thành lời...”, sự cần thiết phải bày tỏ tình cảm, suy nghĩ với những người xung quanh.
Bước ra khỏi phòng thi, nhiều học sinh xúc động khi kể về bài viết của mình. Có em khóc trong quá trình làm bài vì nhớ đến bố mẹ, người thân, có cả những tiếc nuối vì sự yêu thương chưa kịp tỏ bày... Có em bước ra khỏi trường thi liền chạy đến ôm lấy cha mẹ và nói lời cảm ơn. Đó là những giá trị, bài học mà học sinh nhận lại sau khi làm bài. Không đơn thuần chỉ là một đề thi, mà đó là bài học quý giá được gửi gắm, trao truyền đến học sinh, để các em hiểu văn học chính là cuộc sống, giáo dục và khơi gợi những tình cảm, cảm xúc tốt đẹp trong mỗi con người.
Cũng ấn tượng không kém là đề Văn vào lớp 10 của Đà Nẵng, khi yêu cầu học sinh viết một đoạn văn hoặc bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của việc “biết công nhận những điểm tốt của người khác”. Các đề thi Văn của tỉnh Phú Yên, TP Hải Phòng, Nghệ An... cũng được khen hay khi hướng học sinh đến những người tốt, việc tốt xung quanh mình. Đó là những vận động viên nỗ lực thi đấu để mang về vinh quang cho Tổ quốc, những người lao động đang hăng say, đam mê với công việc của mình.
Ở một số tỉnh, dù đề thi có cấu trúc truyền thống, yêu cầu học sinh phân tích các tác phẩm văn học, nhưng câu hỏi lại gợi mở, ẩn chứa, lồng ghép một cách khéo léo những bài học của cuộc sống. Đặc biệt là tính mở của đề cho phép thí sinh có nhiều lựa chọn khi làm câu nghị luận văn học, không còn bị gánh nặng phải học thuộc như trước đây.
Giảm học tủ, học theo văn mẫu
Trong những năm qua, vấn đề xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được xem là một trong những đột phá chiến lược, quyết định quá trình tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội. Và để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục được xem là gốc rễ. Ngành Giáo dục buộc phải có sự đổi mới trong cách dạy và học để gắn học với hành, học thật và thi thật.
Những đổi mới trong cách ra đề thi môn Ngữ văn năm nay là một điểm sáng. Đề thi trước đây chủ yếu dừng lại ở việc kiểm tra học sinh “nhớ gì?” “hiểu gì?” nên giáo viên chỉ cần truyền thụ kiến thức kỹ, học sinh học kỹ, nhớ kỹ là làm bài được. Thế nhưng đề thi hiện nay lại hướng đến việc kiểm tra năng lực. Với cách ra đề ấy, học sinh học tủ, học vẹt, học thuộc lòng sẽ không thể làm được bài.
Từ đổi mới cách ra đề thi, bắt buộc phương pháp dạy học cũng phải thay đổi để kịp thích ứng. Việc dạy Văn sẽ không còn đơn thuần là giáo viên dạy học sinh ghi nhớ về tác giả, tác phẩm hay học thuộc những bài phân tích theo khuôn mẫu. Giáo viên sẽ phải là người dẫn dắt, hướng dẫn học sinh tìm hiểu các vấn đề của đời sống xã hội. Học sinh cũng phải tự học và chăm đọc để lấy kiến thức, ngữ liệu đời sống, biết cách vận dụng những ngữ liệu này để phân tích các tác phẩm văn học.
Còn nhớ thời điểm đầu năm 2021, khi được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2021 - 2026, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã tuyên bố sẽ quyết tâm chống dạy và học theo văn mẫu, hướng tới tinh thần học thật, thi thật. Chỉ khi học thật, thi thật thì mới có nhân tài thật, chất lượng nguồn nhân lực mới được nâng cao.
Bộ trưởng cho rằng, phải ngăn chặn việc giáo viên đọc cho học sinh chép, soạn văn mẫu rồi cho học sinh đọc thuộc. Bởi việc này rất tai hại, ảnh hưởng đến tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc, tình cảm chân thành của học sinh, triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò. Để thực hiện điều này, thời gian qua ngành Giáo dục đã có hàng loạt biện pháp để điều chỉnh mang tính chuyên môn, trong đó có việc ban hành hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Điểm mới của hướng dẫn này là yêu cầu các nhà trường từ năm 2023 sẽ không sử dụng văn bản trong sách giáo khoa để ra đề thi môn Ngữ văn. Giáo viên bắt buộc phải chịu khó tìm tòi câu chuyện ngoài đời sống và thay đổi phương pháp giảng dạy để theo kịp đổi mới của đề thi.
Ủng hộ phong trào chống dạy và học theo văn mẫu mà ngành Giáo dục đang triển khai, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn - khẳng định, đây chính là tinh thần đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông mới đang hướng tới, để gắn việc dạy học với phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Để thực hiện được việc này một cách đồng bộ trên cả nước sẽ không dễ dàng, nhất là khi giáo viên đã quen với cách dạy, cách kiểm tra, đánh giá theo phương pháp cũ. Nhưng PGS. Đỗ Ngọc Thống cho rằng, khó cũng bắt buộc phải thực hiện, vì quyền lợi của học sinh. Chỉ khi bỏ được việc "thầy đọc trò chép" thì học sinh mới được sáng tạo, các em sẽ thấy môn Văn rất gần gũi, văn là cuộc sống, học văn là học để làm người.