Chuyện về những công nhân gánh rác trên đỉnh thiêng Yên Tử

Lương Hà |

Để giữ gìn cảnh quan cho danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) luôn sạch sẽ, bước chân của những người công nhân vệ sinh vẫn liên tục lên xuống với vài chục kg rác, gánh trên vai mỗi ngày.

Làm việc nơi độ cao hơn 1.000m 

Theo ghi nhận của phóng viên, các hoạt động du lịch du Xuân tại Khu di tích Yên Tử hiện tại không còn sôi động như thời điểm nửa đầu tháng Giêng, nhưng vẫn thu hút một lượng du khách đáng kể vào các dịp cuối tuần. Với số lượng khách lớn, kèm theo đó là vấn đề về rác thải, vệ sinh môi trường để làm sao vẫn giữ được cảnh quan sạch sẽ.

Theo đó, đội vệ sinh được chia theo khu vực, với những công việc gồm thu gom, quét dọn và gánh rác để vận chuyển về nơi tập kết. Nhưng cực nhọc hơn cả là những công nhân vệ sinh khu vực chùa Đồng - nơi cao nhất của dãy Yên Tử (với độ cao 1.068m so với mực nước biển), xuống khu vực tập kết rác gần chùa Hoa Yên. Để hoàn thành công việc, đội vệ sinh phải di chuyển quãng đường khoảng 3km bậc thang, đèo dốc nguy hiểm.

Chiếc áo xanh công nhân ướt đẫm mồ hôi, cẩn thận đi xuống từng vách đá, nhặt những chiếc túi nilon của du khách vứt ngổn ngang ở các bậc đá trên đỉnh núi Yên Tử, chị Trần Thị Ngát (công nhân vệ sinh khu vực đỉnh chùa Đồng), kể: "Hàng ngày tôi phải dậy từ 5h sáng để đi từ nhà lên đỉnh Yên Tử, thời gian di chuyển khoảng 1 tiếng đồng hồ cho quãng đường từ chân núi lên đến chùa Đồng".

Cũng theo chị Ngát, công việc hàng ngày của chị và mọi người trong tổ vệ sinh là dọn dẹp, thu gom và vận chuyển tại khu vực đỉnh núi Yên Tử, thu gom rác vào các bao nilon to sau đó gom lại một chỗ để gánh rác về nơi tập kết, rồi tời xuống chân núi, đưa ra xe của công ty chở đi xử lý.

Rác nặng, gánh mệt, nhưng cái mệt lại nhân lên, bởi trước khi có rác để gánh, việc thu gom cần phải được thực hiện ngay ở những khu vực khó khăn về cả địa hình lẫn đường di chuyển.

"Chúng tôi thường xuyên phải xuống nhặt vì khách uống nước xong họ vứt xuống vực, thường là chai, lọ, túi bóng đến cả vỏ cam, vỏ quýt rồi bã mía... Nếu không nhặt, để lâu, rác sẽ có mùi rất khó chịu. Ngày nào chúng tôi cũng phải xuống nhặt, để ý từng hốc đá, khe đá, cứ chỗ nào thấy rác là sẽ nhặt" - chị Trương Thị Thư (Công nhân vệ sinh khu vực chùa Hoa Yên), cho biết.

Tương tự, tại khu vực chùa Hoa Yên, trong khi hàng trăm du khách chen lấn để được vào trong chùa làm lễ cũng là lúc các nhân viên liên tục quét dọn, nhặt rác, tăng tốc làm việc.

Đã là năm thứ 4 làm công việc gánh rác từ đỉnh chùa Đồng, chị Bàn Thị Chinh (51 tuổi, ngụ xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí) - chia sẻ: "Nhiều du khách không bỏ rác đúng nơi quy định, nên chỉ sau vài giờ buổi sáng là dọc tuyến đường hành hương đâu đâu cũng thấy vỏ lon nước, vỏ bánh kẹo và chúng tôi phải nhặt cho hết. Có rác chúng tôi mới có việc, nhưng ai cũng mong mọi người không xả rác, hoặc xả đúng nơi quy định để lúc nào nơi đất Phật cũng sạch đẹp, khang trang".

Công nhân thu gom rác về nơi tập kết. Ảnh: Lương Hà
Công nhân thu gom rác về nơi tập kết. Ảnh: Lương Hà

Giữ gìn sức khỏe để "gánh rác"

Theo các công nhân vệ sinh tại Yên Tử, nơi đây có gần 100 người lao động đang thực hiện công việc thu gom, vận chuyển rác tại các địa điểm khác nhau của Khu di tích. Mỗi ngày, tổ gánh rác phải đưa khoảng 8 tấn rác bằng đường bộ xuống điểm tập kết ở chùa Hoa Yên để một tổ khác gom rác vào máy tời và đưa tiếp xuống chân núi. Để đảm bảo vệ sinh khuôn viên, đội vệ sinh đặt ra mục tiêu rõ ràng: "Rác phải xuống chân núi trong ngày".

Do đó, dù mưa hay nắng, cứ có du khách, có rác là những người phụ nữ này lại đều đặn làm việc. Có nhiều người đã gắn bó gần 20 năm với công việc này, họ yêu nghề và họ quan niệm phải giữ gìn sức khỏe để gắn bó với nghề.

Đã rất quen với việc gánh rác từ chùa Đồng xuống dưới bằng đường bộ, chị Ngát - tâm sự: "Với chúng tôi khi làm công việc này, điều cần lưu ý đầu tiên là giữ gìn sức khỏe. Vì một ngày ngoài việc trèo lên trèo xuống đỉnh chùa Đồng, chúng tôi còn phải nhặt rác, dọn vệ sinh và gánh rác xuống khu vực tập kết.

Ngay trong buổi sáng đã gánh mỗi người 2 bó mà khu vực đỉnh chùa Đồng có 6 công nhân làm việc, với số rác lên đến 24 gánh/ ngày, không có sức khỏe thì làm sao mà gánh rác được. Nhiều hôm trời nắng thì không sao, hễ mưa gió, thay đổi thời tiết là phải giữ ấm cho cơ thể. Cơ thể khỏe mạnh thì mới làm việc được".

Không chỉ là công việc rất nặng nhọc khi hàng ngày phải leo bộ qua hàng ngàn bậc đá đường rừng, dốc núi, các chị còn phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt khi trên đỉnh chùa Đồng hầu như luôn có sương mù dày đặc và thay đổi từng giờ, lúc nắng, lúc mưa. "Nhiệt độ trên này thay đổi thất thường, nhiều hôm lạnh đến 0 độ C, có hôm thì nắng chói chang, nhiệt độ lên đến 35 - 36 độ C, nên đòi khỏi chúng tôi phải có sức khoẻ tốt" - chị Chinh nói.

Hiện nay, lượng du khách đến với Yên Tử ngày một nhiều, đồng nghĩa với việc lượng rác thải cũng tăng theo. Công việc của người công nhân vệ sinh khu di tích Yên Tử lại trở nên vất vả hơn rất nhiều. Chia sẻ về công việc của mình, nhiều công nhân ở đây nói rằng, đã vào nghề này thì phải chấp nhận và có một tình yêu nghề cao gấp nhiều lần bình thường. Họ chỉ biết cố gắng tận tụy với công việc và giữ sức khoẻ thật tốt.

Nhằm góp phần thực hiện tốt nhất việc đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cảnh quan danh thắng Yên Tử, ông Lê Trọng Thanh - Phó Giám đốc Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm (đơn vị thực hiện thu gom rác tại danh thắng Yên Tử) - cho biết thêm, trung bình ngày thường đội vệ sinh sẽ thu gom khoảng gần 5 - 8 tấn/ngày, đợt cuối tuần, cao điểm có hôm lên đến gần 20 tấn/ngày. Để việc xử lý rác thải được đảm bảo tốt nhất, công ty Tùng Lâm sẽ hoàn tất việc dọn dẹp, thu gom, đưa rác đến chân núi (thuộc khu vực Trung tâm văn hoá Trúc Lâm) để phối hợp với TP.Uông Bí vận chuyển rác đi xử lý.

Lương Hà
TIN LIÊN QUAN

Nhọc nhằn "cõng rác" từ đỉnh Yên Tử xuống núi

Lương Hà |

Quảng Ninh - Từ độ cao hơn 1.000m, hàng ngày, gần 100 công nhân lao động vẫn phải nhọc nhằn thu gom, gánh rác từ đỉnh chùa Đồng xuống chân núi, để non thiêng Yên Tử luôn sạch đẹp.

Giá trị của tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông - Bảo vật quốc gia ở Yên Tử

TS. Nguyễn Hữu Mạnh |

Lễ hội xuân Yên Tử (TP.Uông Bí, Quảng Ninh) 2023 đã khai mạc từ mùng 10 tháng Giêng và sẽ kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Những du khách đến đây dành nhiều sự chú ý đến Bảo vật quốc gia là tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Vườn nhân cây giống Xích Tùng cổ Yên Tử duy nhất của cả nước

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Chứng kiến một số cây Xích Tùng cổ hơn 700 tuổi trên Yên Tử chết hoặc bị thời tiết, sâu bọ gây hại và có nguy cơ chết, trong khi chưa tìm ra giống để trồng thay thế, anh Phạm Văn Sự - nguyên nhân viên của Ban Quản lý rừng quốc gia và di tích Yên Tử - đã tìm tòi, nghiên cứu và nhân giống thành công giống cây này. Anh là người đầu tiên và duy nhất cho đến hiện nay nhân giống được giống cây Xích Tùng cổ trên Yên Tử.

Kê biên khối bất động sản khủng của bà chủ Xuyên Việt Oil

Việt Dũng |

Mai Thị Hồng Hạnh - bà chủ Công ty Xuyên Việt Oil - bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 1.400 tỉ đồng nên cơ quan chức năng đã kê biên hàng chục bất động sản.

Cấp dưới Trương Mỹ Lan khai: Không ngờ hậu quả quá lớn

Tú Tâm |

TPHCM - Tại phiên xử Trương Mỹ Lan giai đoạn 2, trong phần thẩm vấn, nhiều cấp dưới thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố.

Sắp triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương

Xuyên Đông |

Ngày 20.9, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sẽ triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương trong năm 2025.

Lào Cai phạt quán ăn tăng giá bất thường mùa mưa lũ

Đinh Đại |

Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã tiến hành lập biên bản và xử phạt cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại huyện Bảo Thắng.

Trường sạt lở nghiêm trọng, hàng trăm học sinh Thanh Hóa nghỉ học

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Do ảnh hưởng của mưa bão, một trường học đang xây dựng thì bị sạt lở nghiêm trọng. Ngay sau đó, ngành chức năng đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học.