Cửu vị thần công - 9 khẩu đại pháo quan trọng nhất dưới thời Nguyễn

Bài và ảnh Nguyễn Hữu Mạnh |

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, vua Gia Long ra lệnh thu thập tất cả các khí cụ bằng đồng tịch thu được để đúc thành 9 khẩu thần công như một biểu tượng trường tồn cho chiến thắng của mình. Công việc này bắt đầu vào ngày 31.1.1803 và hoàn tất vào cuối tháng 1 năm 1804. Mỗi khẩu thần công có kích thước tương tự nhau dài 5,10m, nặng hơn 17.000 kg, được đặt trên các giá súng chạm trổ vô cùng tinh xảo và công phu.

Việc trọng đại của nhà Nguyễn

Trong hàng chục khẩu súng thần công được đúc dưới thời vua, chúa Nguyễn thì 9 khẩu này là lớn và đẹp nhất, là biểu tượng cho các thuộc tính của đất trời và sự luân chuyển của vũ trụ. Trên mỗi khẩu thần công đều có khắc tên ở đuôi súng, từ 1 đến 9, tương ứng với các nguyên tố Tứ thời và Ngũ hành, bao hàm sự thâu tóm kiểm soát và bảo vệ triều đại xuyên suốt không gian và thời gian. 4 khẩu bên trái (phía sau cửa Thể Nhơn) được đặt tên theo thứ tự của Tứ thời là Xuân, Hạ, Thu, Đông. 5 khẩu bên phải (phía sau cửa Quảng Đức) mang tên các nguyên tố Ngũ hành là Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy.

Giữa thân của mỗi khẩu thần công có khắc một bài minh bằng chữ triện, gồm 79 chữ về lý do đúc 9 khẩu thần công. Nội dung bài minh này hoàn toàn giống nhau chỉ khác nhau ở các chữ đánh số thứ tự mỗi khẩu pháo. Theo sách Bảo vật Quốc gia thời Nguyễn tại Huế, toàn văn bài minh khắc ghi trên khẩu đệ nhất như sau: “Năm Giáp Ngọ (1774) đông tuần [Có nghĩa vua đi về phía Đông, có thể đây là biến cố mà vua Gia Long dùng đường biển (phía Đông) để lánh mình vào Nam]. Năm Mậu Thân (1788), đem quân đánh Gia Định. Tháng Năm năm Tân Dậu (1801), lấy lại kinh đô cũ. Tháng Năm năm Nhâm Tuất (1802), theo quân ra Bắc, tháng Bảy báo tin thắng trận. Năm ấy rút quân, cáo miếu, làm lễ hiến phù [lễ dâng tù binh]. Giặc trong nước đã dẹp yên. Mùa Xuân năm Quý Hợi (1803), vua lệnh nấu đồng các loại thâu được để đúc 9 khẩu súng lớn. Đây là khẩu thứ nhất. Tháng Chạp công việc hoàn tất, lệnh làm bài minh để ghi. Gia Long năm thứ ba (1804), tháng 3”.

Theo Đại Nam Thực lục thì việc đúc súng từ tháng 2 năm 1803 cho đến cuối tháng 1 năm 1804. Năm Quý Hợi, niên hiệu 2 Gia Long, ngày 31 tháng 1 năm 1803, triều đình đã cho đúc đại bác lớn bằng đồng. Các vị vua thường chọn con số 9 theo quan niệm triết lý tâm linh Á Đông nên vua Gia Long cho đúc “Cửu vị thần công”.

Năm Gia Long thứ 15 (1816), hoàng đế Gia Long đã sắc phong cho cả 9 khẩu đại pháo danh hiệu "Thần uy vô địch Thượng tướng quân, "khắc tên trên đuôi súng, từ khẩu đệ nhất đến khẩu đệ cửu cùng với niên đại sắc phong được chạm nổi trên phần đai cuối thân súng. Từ đầu triều Nguyễn, các khẩu thần công này được đặt hai bên phía trước Ngọ Môn. Đến năm 1917, Cửu vị thần công được di dời đến vị trí hiện tại, được nhân cách hóa thành các vị tướng thần, biểu trưng cho uy quyền và sức mạnh của triều đại.

5 khẩu thần công phía Cửa Quảng Đức.
5 khẩu thần công phía Cửa Quảng Đức.

Đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng

Mỗi khẩu đều có chiều dài trên 500cm, đặt trên giá súng có bánh xe bằng gỗ rất lớn. Giá súng bằng gỗ, có nhiều bậc từ cao đến thấp, mặt ngoài chạm nổi long vân, rồng 5 móng. Bản thân phần thân giá với hai mảng điêu khắc trên gỗ cũng là những tác phẩm nghệ thuật với hình chạm nổi sinh động, khéo léo. Giá có 4 bánh xe lớn bằng gỗ, có hai vành đai sắt ở hai bên mép bánh xe, giữa có chốt gỗ lớn.

Các khẩu súng đều có cùng hình dáng và kiểu thức trang trí: Miệng súng hơi loe, thân thuôn dài, phình dần về phía đuôi. Giữa thân súng có hai quai đúc nổi, cách điệu hình đầu thú. Trên thân súng có 6 gờ nổi, trong đó có hai gờ ở hai đầu quai được đúc rộng bản như hai vòng đai bao quanh thân súng. Hai bên mỗi đường gờ đều trang trí các dải hoa văn dây lá được chạm nổi với những đường nét mềm mại, sinh động và rất tinh xảo. Dựa vào hình dáng và kiểu thức trang trí, có bốn loại hoa văn được thể hiện trên thân súng: Kiểu các cụm lá chụm thành hình núi, đỉnh tròn, đặt liên tiếp nhau tạo thành dải hoa văn; kiểu các cụm lá cúc đỉnh bằng nối tiếp nhau; kiểu "triền chi" gồm các dây lá cúc và mặt rồng ngang theo đề tài "cúc hóa long"; kiểu hoa văn dấu móc kết hợp với lá xoắn; kiểu hoa văn lá đề chụm ba, đỉnh nhọn. Hình thức trang trí hoa văn, cách bố trí và cả biểu tượng vương miện hình bầu dục được đắp nổi với những đường cong mềm mại được chạm trên các khẩu súng đều cho thấy có sự ảnh hưởng của phong cách trang trí châu Âu.

Gần quai của mỗi khẩu súng đều có khắc tên những người trong Hội đồng đốc công được giao trách nhiệm đúc thần công. Ngoài ra ở phần trục quay bên phải của súng (theo hướng của người bắn) đều có bảng tròn nhỏ bằng đồng khắc ghi cách sử dụng thuốc súng và đạn.

Dưới thời Nguyễn, những khẩu thần công này chưa bao giờ dùng trong chiến tranh mà được nhân cách hóa thành các vị tướng thần, tượng trưng cho uy quyền và sức mạnh của triều đại. Hàng năm, triều đình thường tiến hành các cuộc lễ cúng cho "thần súng" và nghiêm cấm thường dân không được vào nơi đặt súng để tỏ sự tôn nghiêm. Việc cúng lễ được tiến hành với ngân sách của triều đình và sự sắp xếp tổ chức của viên suất đội trực tiếp trông coi việc bảo vệ súng.

Xét về mặt kỹ thuật chế tác, đây là bộ 9 khẩu thần công đồ sộ nhất và đẹp nhất dưới thời Nguyễn, một tuyệt tác của nghệ thuật đúc súng, nghệ thuật trang trí, chạm khắc trên đồng. Mặc dù không phải là những vũ khí thực dụng trong quân sự, nhưng các khẩu thần công này vẫn luôn được coi trọng bởi yếu tố tinh thần.

Bài và ảnh Nguyễn Hữu Mạnh
TIN LIÊN QUAN

Ngũ Hành Sơn, danh thắng xứ Quảng

Bài và ảnh NGUYỄN Hữu Mạnh |

Ngũ Hành Sơn có từ năm Minh Mạng thứ 18 (năm 1837) khi vua Minh Mạng dựa vào cấu tạo, vị trí tự nhiên của núi và thuyết âm dương ngũ hành đã đặt tên lần lượt cho các ngọn núi là: Kim Sơn - Mộc Sơn - Thủy Sơn - Hỏa Sơn - Thổ Sơn và tên gọi chung cho quần thể là Ngũ Hành Sơn. "Đại Nam dư địa chí ước biên" thời nhà Nguyễn chép: “Năm Minh Mạng thứ mười tám (1837) có sắc chỉ, ban cho ngọn núi phía Đông Bắc (núi Tam Thai) là Thủy Sơn. Ba ngọn núi phía Tây Nam là núi Mộc Sơn, núi Dương Hỏa, núi Âm Hỏa. Hai ngọn phía Tây là Thổ Sơn, Kim Sơn (cho) khắc tên núi lên đá”.

Di tích quốc gia đền thờ Đặng Tất, Đặng Dung - nơi ngân vang bài thơ “Cảm hoài”

Bài và ảnh: đặng viết tường |

Di tích đền thờ hai cha con, danh tướng Đặng Tất, Đặng Dung ở xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1991. Đền thờ hai vị danh tướng, trung thần thời Hậu Trần, ở trong vùng đậm đặc Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Từ đây du khách có thể tham quan các điểm Di tích quốc gia đền Cả, đền thờ Nguyễn Văn Giai, Trần Đức Mậu ở Ích Hậu hoặc bia Sùng Chỉ và đền thờ Hà Tông Mục gần đó.

Khám phá ngôi đền thờ một trong Tứ bất tử ở Việt Nam

Bài và ảnh Việt vĂN |

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Phù Đổng Thiên Vương còn gọi Thánh Gióng là một trong bốn vị thánh bất tử (Tứ bất tử) trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, cùng với Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử và Công chúa Liễu Hạnh.

Chủ tịch Quốc hội kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ ở Thái Nguyên

Lam Thanh |

Ngày 12.9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã thăm, động viên nhân dân vùng ngập lụt và kiểm tra tình hình khắc phục thiệt hại do mưa lũ tại tỉnh Thái Nguyên.

Chuỗi cà phê nổi tiếng gây tranh cãi vì cách ủng hộ bão lũ

Anh Tuấn |

Bài đăng tải ủng hộ bão lũ của thương hiệu đồ uống nổi tiếng bất ngờ tạo ra những phản ứng trái chiều. Trong chưa đầy 24 giờ, đã có hơn 20 nghìn lượt phẫn nộ.

Hòa Bình xin hỗ trợ 616 tỉ đồng để khắc phục sau bão lũ

Lan Anh |

Tỉnh Hòa Bình đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ 616 tỉ đồng để khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Khởi tố Chánh văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh

Vân Trường |

Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cùng thuộc cấp và đồng phạm vừa bị khởi tố.

“Xoay” nguồn tiền bồi thường vụ nứt hàng loạt nhà dân

TRẦN TUẤN |

Hà Tĩnh - Sau khi đồng ý nâng mức bồi thường vì làm nứt nhà dân do thi công nâng cấp Quốc lộ 8A, hiện chủ đầu tư đang lo “xoay” nguồn tiền để chi trả bồi thường.