Đại dịch lan rộng: Tâm tư của những tiếp viên hàng không

Huyền Anh |

Đại dịch COVID-19 đã khiến ngành Hàng không hỗn loạn. Các tiếp viên hàng không của American Airlines, United Airlines và nhiều hãng khác đang ngày càng lo lắng khi virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh trên toàn cầu và ngày càng nhiều chuyến bay bị hủy.

Thị trường hàng không giảm mạnh

Thống kê sơ bộ của các hãng hàng không Việt Nam cho thấy, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh từ cuối tháng 1.2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là khoảng hơn 30.000 tỉ đồng.

Ông Tạ Thiên Long - Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - cho biết, từ ngày 24.3, Vietnam Airlines dừng toàn bộ tuyến bay quốc tế và nội địa, chỉ hoạt động khoảng 30%-40%. Như vậy, Vietnam Airlines chỉ hoạt động khoảng 10%-20% công suất, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của người lao động.

Các hãng hàng không khác thế giới cũng phải tạm dừng khai thác nhiều tuyến, giảm số lượng chuyến bay, từ bỏ các chính sách về vé và tìm mọi cách để cắt giảm chi phí. 2 tháng qua, các hãng hàng không còn chứng kiến ​​cổ phiếu của họ lao dốc, xuống đến mức thấp nhất trong nhiều năm qua do nhu cầu đi lại giảm mạnh.

Theo kịch bản của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), doanh thu vận tải hành khách của ngành Hàng không thế giới sẽ mất khoảng 113 tỉ USD (19%) vào năm 2020.

Ít lo lắng vì những kinh nghiệm cá nhân

Trong khi nhiều người lo lắng về việc ở cự li gần với những hành khách khác trên máy bay, trong sân bay hay chuyện kiểm dịch nên sẽ không đi đâu xa trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành. Tuy nhiên, có một nhóm người không thể tránh được chuyện phải bay: Đó là các tiếp viên hàng không.

Hầu hết tiếp viên nói rằng, họ không sợ virus SARS-CoV-2 cho dù họ cũng cẩn trọng phòng chống và hy vọng tránh bị lây nhiễm. "Là một tiếp viên hàng không, hàng ngày tôi tiếp xúc với rất nhiều vi trùng" - một tiếp viên (*) của American Airlines cho hay. "Tôi nhận thức nghiêm túc về dịch bệnh hơn là lo lắng. Khi làm nghề như tôi, bạn luôn phải tự ý thức về sức khỏe của bản thân. Rửa tay thường xuyên, ăn uống lành mạnh và cố gắng ngủ đủ giấc luôn là ưu tiên của tôi. Giữa dịch COVID-19, tôi còn cố gắng tuân thủ chặt chẽ những biện pháp phòng ngừa này hơn" - nữ tiếp viên chia sẻ.

Một số tiếp viên khác nói rằng, họ cảm thấy tự tin hơn nhờ kinh nghiệm cá nhân, qua các cuộc trò chuyện với chuyên gia y tế và nhà nghiên cứu. "Tôi tự nghiên cứu rất nhiều về dịch bệnh này. Chị dâu tôi là một bác sĩ, vì vậy tôi đã nói chuyện với cô ấy" - một tiếp viên của American Airlines (có trụ sở tại New York), người có kiến thức về chăm sóc sức khỏe, cho hay.

"Tôi không lo lắng chút nào. Tôi là người tin vào những thống kê và thấy số người chết vì cúm còn nhiều hơn COVID-19. Từ những gì đã biết, tôi nghĩ khả năng tử vong của mình không cao vì tôi không già hay có bất kỳ vấn đề miễn dịch nào" - một nam tiếp viên hàng không tại Chicago khẳng định.

Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát vào giữa tháng 1, các hãng hàng không đã thực hiện những biện pháp bảo vệ cả nhân viên và hành khách. Tiếp viên của American Airlines nhận email hàng ngày cập nhật về tình hình dịch bệnh và nhắc nhở phòng chống COVID-19.

"Tôi chưa bao giờ có trải nghiệm về việc ngành Hàng không chủ động tham gia như lần dịch bệnh này. Tôi thực sự hoan nghênh hàng hàng không" - ông Nelson, Chủ tịch Công đoàn Tiếp viên hàng không, nói với Business Insider.

"Tôi thấy các hãng hàng không đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp. Họ cũng cung cấp thêm khẩu trang trên các tuyến nhất định như ở trên khu vực sảnh chờ để hành khách có thể sử dụng" - một nữ tiếp viên của United Airlined cho biết. "Xà phòng, khăn lau diệt khuẩn và găng tay được tích trữ thường xuyên trên máy bay như mọi khi. Và tất nhiên, có những thiết bị sơ cứu, dụng cụ bảo vệ như khẩu trang để dùng khi cần" - cô nói.

"Chúng tôi vệ sinh toàn bộ khu vực buồng lái, từ trang thiết bị, ghế ngồi, dây an toàn và mọi thứ. Giờ tôi không ăn bất cứ thực phẩm nào trên máy bay nữa mà mang theo đồ ăn, thức uống từ nhà. Tôi trao đổi với phi hành đoàn nhiều kể từ khi có dịch vì họ đang tiếp xúc trực tiếp với hành khách" - Tarana Saxena, phi công của hãng IndiGo, cho CNN hay. "Bất cứ khi nào tôi tới một điểm đến, điều đầu tiên tôi làm là tắm gội sạch sẽ, bất kể lúc đó là 2, 3 hay 4 giờ sáng... dù muộn đến mấy".

Saxena còn cho biết, trước đây, trong lúc chờ chuyến tiếp theo, cô thường đi lang thang. Song giờ đây, cô chỉ ở trong khách sạn.

Dẫu vậy, nhiều tiếp viên hàng không khác chia sẻ rằng, họ vẫn đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung. "Tôi thì có lo lắng một chút vì virus đã lan rộng trên khắp nước Mỹ. Kể từ khi tôi kết hôn với một đồng nghiệp khác, chúng tôi đang tiến hành một số biện pháp phòng ngừa bổ sung để cố gắng tránh lây lan" - một tiếp viên của Spirit Airlines cho hay.

Theo Rey (*), tiếp viên hàng không của một hãng có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), hãng hàng không mà cô đang làm việc còn cắt giảm dịch vụ để hạn chế tối đa việc tương tác với hành khách.

Nỗi lo thu nhập giảm

Tuy nhiên, mối lo ngại tiềm ẩn được thể hiện rõ ràng: Đó là thu nhập ngày càng giảm vì không có khách bay, hy vọng tránh virus hay mối quan tâm về an toàn lao động của tiếp viên có thể ít được quan tâm. Do đó, tiếp tục bay là cách các tiếp viên hàng không Mỹ đối phó với mối đe dọa của COVID-19.

Lịch trình làm việc của tiếp viên hàng không thường khác so với hầu hết công nhân trong các ngành công nghiệp khác. Nhưng họ thường làm việc 75-100 giờ/tháng trên không, và thêm nhiều giờ làm việc ở mặt đất. Trong suốt thời gian trên máy bay, phi hành đoàn phải tiếp xúc gần với hàng nghìn hành khách từ mọi nơi và mọi tầng lớp. Hành khách có thể bị cảm lạnh, cúm hay mắc các bệnh truyền nhiễm do virus khác đã được biết đến hay chưa.

"Dù virus lây lan, song tôi lại lo sẽ bị cắt giảm giờ bay và các chuyến bay, đặc biệt là các điểm đến quốc tế mà chúng tôi phục vụ. Thật đáng sợ khi có thể mất nhiều chuyến nữa"- một tiếp viên Spirit bộc bạch.

Tiếp viên của nhiều hãng bay tại Mỹ không hề có hợp đồng lao động, gồm cả American Airlines và United Airlines. Họ kỳ vọng, hãng cho nghỉ không lương đến khi thị trường ổn định trở lại. Dù không được trả tiền, họ sẽ tiếp tục tích lũy thâm niên, hưởng nguyên lợi ích chăm sóc sức khỏe và tiếp tục sử dụng các ưu đãi dành cho nhân viên. Ngày 11.3 vừa qua, United Airlines tuyên bố sẽ giảm 10% lịch trình bay trong nước và 20% lịch bay quốc tế vào tháng 4 và tháng 5, cho phép nhân viên nghỉ có lương.

"Ngành hàng không đang rất khó khăn. Tất cả chuyến bay đều gần như trống rỗng. Gần đây, tôi đã bay đến Kolkata (Ấn Độ). Máy bay có sức chứa 180 hành khách song cả chuyến bay chỉ có 36 hành khách trên khoang. Đây thực sự là một cuộc đấu tranh. Phi công không có lựa chọn nghỉ ốm hay làm việc tại nhà. Tôi cũng không thể nghỉ phép vì đặc thù công việc cần tôi phải ở đó. Gia đình tôi rất lo lắng cho tôi" - Tarana Saxena chia sẻ.

Rey nói rằng, hãng của cô đang khuyến khích nhân viên nghỉ không lương. Vì cô là nhân viên chính thức nên vẫn được trả lương, song tạm thời bị giảm lương.

Theo Business Insider, dự kiến các hãng hàng không của Mỹ còn thiệt hại nặng nề hơn khi Nhà Trắng ban bố lệnh cấm mọi chuyến đi từ 26 quốc gia thuộc khối Schengen đến Mỹ tính từ 23h59 ngày 13.3 (giờ địa phương).

Tiếp viên trưởng Phạm Hải Bằng - Liên đội phó Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines - cũng cho biết, số lượng tiếp viên của Vietnam Airlines là 3.200 người. Hiện khoảng 700 tiếp viên xin không nhận lương chức danh và tạm nghỉ việc không lương đến tháng 5.2020.

(*) Họ và tên không viết đầy đủ theo yêu cầu của hãng hàng không.

Huyền Anh
TIN LIÊN QUAN

Ukraina cạn kiệt tên lửa Storm Shadow

Cao Thảo |

Số lượng tên lửa Storm Shadow trong kho vũ khí của Ukraina đang ở mức tương đối thấp.

Giá rau tăng chóng mặt sau bão, Bộ Tài chính chỉ đạo nóng

Minh Ánh |

Giá rau xanh tăng chóng mặt sau bão, Bộ trưởng Bộ Tài chính có công điện đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp điều hành giá.

23 tàu du lịch vẫn ngâm nước biển vì khó tìm thợ trục vớt

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Bão Yagi nhấn chìm 27 tàu du lịch, trong đó có 25 tàu tham quan, 2 tàu lưu trú. Hầu hết các tàu hiện vẫn ngâm trong nước biển vì khó tìm thợ trục vớt.

Cựu Bí thư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến nhận hối lộ 4 tỉ

Việt Dũng |

Ông Nguyễn Nhân Chiến - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh bị cáo buộc tạo điều kiện cho Công ty AIC và được bà chủ doanh nghiệp này cảm ơn nhiều tỉ đồng.

Tổng LĐLĐ Việt Nam kí kết phối hợp với Tỉnh ủy Hải Dương

Mai Dung |

Sáng 13.9, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kí kết chương trình phối hợp công tác với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương giai đoạn 2024-2028.

Bắt cựu thẩm phán Chánh tòa hành chính Kiên Giang do nhận hối lộ

NGUYÊN ANH |

Bà Nguyễn Thị Cẩm Thu - cựu Thẩm phán, Chánh tòa hành chính TAND tỉnh Kiên Giang bị Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao bắt tạm giam vì nhận hối lộ.

Cựu Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhận 1,5 tỉ của doanh nghiệp

Việt Dũng |

Ngoài cáo buộc lạm dụng chức vụ gây thiệt hại hơn 937 tỉ đồng, ông Hoàng Quốc Vượng - cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng còn nhận 1,5 tỉ đồng.

Công an thông tin về vụ đào trộm mộ tống tiền 5 tỉ đồng

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Liên quan đến vụ đào trộm mộ, lấy đi một phần hài cốt rồi tống tiền 5 tỉ đồng, cơ quan Công an đã bắt giữ đối tượng gây ra vụ việc.