Đi tìm “góc sân và khoảng trời” cho em

AN LÊ |

Mùa hè là mùa mở cửa thiên đường của trẻ con. Bởi khi tiếng ve và sắc thắm của phượng vĩ bùng lên khắp chốn, đấy là lúc đám trẻ con tạm biệt thầy cô, trường lớp, sách vở để được vui chơi trong góc sân và khoảng trời của mình. Đó là 2 hình ảnh ước lệ cho một mùa hè tràn đầy hạnh phúc và năng lượng của trẻ em. Nhưng bây giờ, biết tìm ở đâu?

Mùa hè của không gian rộng mở

Thế hệ chúng tôi lớn lên là con em của những người công nhân nhà máy dệt của thành phố Nam Định. Ở thời hoàng kim của ngành dệt, thành phố này có khoảng 2 vạn công nhân. Hầu hết gia đình nào cũng có người làm công nhân nhà máy dệt, và rất nhiều trường hợp cả bố mẹ cùng làm ở đây.

Mùa hè của những ngày tháng đó quả thật là một khung trời hoa mộng của đám trẻ con. Bố mẹ cứ đi làm theo tiếng còi tầm, ghé qua nhà vào buổi trưa, rồi lại rời nhà đến khi còi ủ 5 giờ chiều mới tan xưởng. Đám trẻ con chúng tôi được tự quản từ sáng đến tối, miễn là làm đủ các công việc được giao như quét nhà, đun nước, đặt nồi cơm...

Thời gian còn lại được dành cho việc rong chơi quanh nhà, trong ngõ, trên vỉa hè và dọc ngang thành phố. Thuở đó thật thanh bình với nhịp điệu sống chậm rãi. Đường phố thưa thớt xe cộ, chủ yếu là xe đạp và xích lô nên cũng khá an toàn. Những tệ nạn nguy hiểm nhằm vào trẻ em cũng rất ít, nên người lớn cũng yên tâm “thả” con cái tự do.

Biết bao nhiêu trò vui được bầy ra. Nào là những trò chơi hoạt động thể chất như đá bóng, đá cầu, đánh cầu lông, trốn tìm, lia ống bơ, chiếm đồn, hay kéo nhau ra hồ ao để bơi lội. Phải nói là đám trẻ con đã dạy nhau biết bơi là chính, chẳng cần trường lớp hay thầy hướng dẫn gì cả.

Ôi thôi đủ hết các mẹo mực daỵ bơi từ bắt chuồn chuồn ngô cắn rốn đến cách cử động tay chân dưới nước. Rốt cục, chỉ sau một mùa hè, đứa nào cũng biết bơi, đứa nào móng chân cũng vàng khè vì lội bùn dưới ao hồ, và may mắn là không đứa nào bị đuối nước.

Rồi đến những trò chơi đòi hỏi kỹ năng thủ công điêu luyện như vót tre để đan diều. Tôi vẫn nghĩ rằng, cánh diều tuổi thơ là bài học thủ công vĩ đại nhất của đám trẻ ngày xưa. Từ việc chẻ, chuốt thanh tre để làm khung diều thuyền cơ bản, cho đến tạo khung cho diều hộp như diều máy bay.

Ngoài ngón nghề đan lát mây tre, còn phải biết bồi giấy, phết giấy và dán giấy để làm phần thịt cho cánh diều, cũng như cho khâu trang trí. Cao thủ đệ nhất là khoét ống tre thành ống sáo, để rồi hãnh diện với con diều biết hát, biết thổi sáo của mình. Nơi thả diều cũng chẳng cần phải là triền đê hay cánh đồng, mà chỉ cần là mái sân thượng nhà mình.

Còn rất nhiều trò chơi giúp đám trẻ khéo léo chân tay, bay bổng óc tưởng tượng như gọt khăng, đẽo cù, đổ đồng xu đánh đáo, làm súng phốc, uốn vòng te te. Sự gian khó về mặt vật chất khiến mọi thứ đồ chơi của trẻ em thời đó đều thuộc dạng tự chế tạo. Bù lại, nó giúp cho ký ức ấu thơ có nhiều mảng miếng in hằn suốt cuộc đời.

Đám trẻ chúng tôi cứ thế tận hưởng một mùa hè bất tận, mong mỏi mùa hè đến. Đám nhóc con sung sướng với mùa hè, dù là nhi đồng hay thiếu niên hay ương ương sắp dậy thì, dù là con trai hay con gái. Cũng có những trò nghịch dại như trèo cây, di chuyển trên mái nhà hay tắm sông nhưng không có cái gì được gọi là thảm họa.

Thật sự, những người công nhân là cha mẹ của đám trẻ tự do cả mùa hè đó cũng rất yên tâm, không quá lo lắng xem con mình có gặp chuyện gì không. Xã hội bình yên, thành phố có nhiều không gian dành cho trẻ em nô đùa bởi đô thị chưa bị xâm lấn chung cư, nhà cao ốc... đã khiến mùa hè trở nên an toàn.

Và lúc đó, đám trẻ con có cho mình một góc sân và một khoảng trời đúng nghĩa. Lúc đó đời sống vật chất có thể nghèo nàn, nhưng đời sống tinh thần vô cùng phong phú và nhẹ nhàng, vì không ai trở thành gánh nặng của ai như bây giờ.

Nỗi sợ hãi mùa hè

Chỉ từ tuần này thôi, mùa hè sẽ trở thành nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh chốn thành thị, đặc biệt với những cặp vợ chồng làm công nhân. Tạm biệt thầy cô, trường lớp đồng nghĩa với việc phụ huynh mất người trông con trong suốt 3 hoặc ít nhất 1 tháng hè.

Trẻ con dưới 5 tuổi thì vẫn trông cậy được vào hệ thống trường mẫu giáo, thế nhưng, với các cháu từ 6 tuổi trở lên thì làm sao? Không thể nhốt trẻ em ở nhà với điều hòa, tivi, phương tiện kết nối Internet rồi đi làm được bởi biết bao nguy cơ tiềm ẩn khi thiếu sự giám sát của người lớn.

Rất nhiều biện pháp đã được đưa ra, ví dụ như gửi con cái về quê cho ông bà hoặc vật nài mời ông bà lên trông con mùa hè. Quả thực, nếu như có nhà cửa rộng rãi, hay quê ở gần, ông bà còn mạnh khỏe thì không sao, nhưng đâu phải ai cũng có điều kiện như thế.

Đa phần công nhân hiện nay lao động ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Thái Nguyên... đều là tứ xứ nơi xa đến. Họ phải thuê nhà trọ hoặc may mắn hơn được suất ký túc xá hay chung cư của nhà máy. Song không gian sống đó rất chật chội, không đủ chỗ cho ông bà lên trông cháu.

Công nhân cũng không thể đem con cái đến nơi làm việc như cánh viên chức văn phòng bởi vì không gian làm việc là xưởng máy sản xuất chứ không phải phòng điều hòa mát lạnh, sóng WIFI tràn trề. Mà ngay cả ở văn phòng, chuyện đem con cái đến cũng là bần cùng bất đắc dĩ, ngày một ngày hai, chứ đâu thể biến nơi làm việc thành chỗ trông trẻ cả tháng.

Thành ra, cuối cùng trẻ em chẳng còn lựa chọn nào khả dĩ hơn là an phận với việc bị bắt nhốt trong nhà từ sáng đến tối, dí mặt vào các thể loại màn hình để luyện mắt; hoặc bị đưa về quê để ông bà quản lý, chờ đến khi trường lớp mở cửa học hè, học thêm là lập tức nghỉ hè trong lớp học.

Thật sự, mùa hè đã biến thành "ám ảnh" không chỉ cho trẻ em và phụ huynh bởi vì nó làm thay đổi nề nếp sinh hoạt thường nhật. Các em không biết làm gì, chơi ở đâu vào mùa hè, nhất là con của công nhân lương ba cọc ba đồng. Hoạt động trên mạng và hoạt động học tập vẫn cứ là lựa chọn tối ưu và duy nhất cho trẻ em trong mùa hè.

Rõ ràng, chúng ta thiếu không gian an toàn cho trẻ em sinh hoạt vào mùa hè. Sân chơi, công viên hoàn toàn không an toàn cho trẻ em nếu như không có sự giám sát của người lớn. Không có điều kiện được hướng dẫn và thực hành kỹ năng sinh tồn, khu vực có nước lại trở thành điểm chết chóc với trẻ em.

Ở các khu công nghiệp, tập trung nhiều công nhân, chúng ta không thấy không gian sinh hoạt nào dành cho con cái của công nhân khi vào hè. Cộng với các khó khăn cố hữu như nhà ở, trường lớp cho trẻ nhỏ... đã khiến nhiều công nhân trẻ chọn cách không sinh con, một vấn đề đang trở nên nghiêm trọng với một nền tảng dân số đang già đi như ở Việt Nam.

Bởi vì trẻ em không còn được hạnh phúc vào mùa hè, bởi vì cha mẹ của trẻ em thấy con cái là gánh nặng ngay cả khi chúng được nghỉ hè, bởi vì chúng ta không đáp ứng được quyền cơ bản của trẻ em là được vui chơi... bởi vì rất nhiều nguyên do khác nảy sinh từ hoàn cảnh và điều kiện của mỗi cá nhân và cả xã hội.

Con người ở mỗi thời đại một khác. Trẻ em bây giờ có thể hạnh phúc khi là một cao thủ võ lâm trong game, một TikToker nổi tiếng hơn là nằm ngắm nhìn cánh diều do tự tay mình làm bay vi vút trên bầu trời. Tuy nhiên, từ trong sâu thẳm, trẻ em luôn muốn được vui chơi khi hè về vì đó là quyền của trẻ em. Chỉ có điều, với trẻ em ở thành thị, các em sẽ tìm đâu cho được góc sân và khoảng trời cho chính mình?

AN LÊ
TIN LIÊN QUAN

Chủ tịch nước: Dành tất cả tình yêu thương và những gì quý giá nhất cho trẻ em

Vương Trần |

Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã, đang và sẽ luôn dành tất cả tình yêu thương và những gì quý giá nhất cho trẻ em với tinh thần “Trẻ em như búp trên cành”.

3 món quà thú vị cho trẻ nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6

Tuấn Đạt (T/ Hợp) |

Những món quà tặng nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6 không chỉ mang lại sự thú vị, tò mò mà còn khuyến khích trẻ phát triển sự sáng tạo.

Nỗ lực nhiều hơn để mọi trẻ em được uống sữa

Viên An |

Đó là chia sẻ của Vinamilk khi khởi đầu hành trình Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam năm nay với chuyến đi đến với gần 1.500 trẻ em vùng cao tỉnh Điện Biên. Bền bỉ mang sữa đến cho trẻ em suốt 17 năm qua, Vinamilk đã hỗ trợ hơn 500.000 trẻ em trên khắp cả nước, với hơn 42 triệu hộp sữa được trao đi.

Đề xuất phương án chỉ định thầu dự án xây cầu Phong Châu mới

Tô Công |

Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù, sẽ chỉ định thầu rút gọn để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng cầu Phong Châu mới.

Ông Hồ Xuân Trường giữ chức Phó Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Nông

BẢO LÂM |

Ông Hồ Xuân Trường được điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Israel bị bủa vây khắp Trung Đông

Bùi Đức |

Bên cạnh những cuộc giao tranh khốc liệt với Hezbollah, Israel còn phải đối đầu với nhiều nhóm vũ trang phi nhà nước khác ở khu vực Trung Đông.

Nhiều gia đình mang đồ đạc, vật nuôi lên bờ đê chạy lũ

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Nước lũ về nhanh khiến nhiều hộ dân không kịp trở tay, thậm chí chỉ kịp mang ít đồ đạc, vật nuôi lên bờ đê để chạy lũ.

Nhiều hộ dân Đà Nẵng thấp thỏm dưới chung cư nguy hiểm cấp C

Nguyễn Linh |

Nhiều người dân tại Đà Nẵng phải di dời khẩn cấp trong mùa mưa vì sợ chung cư, nhà ở tập thể xuống cấp có thể ngã đổ bất cứ lúc nào.

Chủ tịch nước: Dành tất cả tình yêu thương và những gì quý giá nhất cho trẻ em

Vương Trần |

Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã, đang và sẽ luôn dành tất cả tình yêu thương và những gì quý giá nhất cho trẻ em với tinh thần “Trẻ em như búp trên cành”.

3 món quà thú vị cho trẻ nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6

Tuấn Đạt (T/ Hợp) |

Những món quà tặng nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6 không chỉ mang lại sự thú vị, tò mò mà còn khuyến khích trẻ phát triển sự sáng tạo.

Nỗ lực nhiều hơn để mọi trẻ em được uống sữa

Viên An |

Đó là chia sẻ của Vinamilk khi khởi đầu hành trình Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam năm nay với chuyến đi đến với gần 1.500 trẻ em vùng cao tỉnh Điện Biên. Bền bỉ mang sữa đến cho trẻ em suốt 17 năm qua, Vinamilk đã hỗ trợ hơn 500.000 trẻ em trên khắp cả nước, với hơn 42 triệu hộp sữa được trao đi.