Trẻ quá cũng khó...
Trong số những huấn luyện viên trẻ hàng đầu thế giới hiện nay, cái tên Julian Nagelsmann được nói đến nhiều vào thời gian này. Nhiều là bởi ông bị câu lạc bộ Bayern Munich sa thải chỉ sau gần 2 mùa giải ở sân Allianz-Arena.
Mùa trước, huấn luyện viên 35 tuổi vô địch Bundesliga. Nhưng trong bóng đá, thời gian và quá khứ không đồng hành mãi. Để chỉ với một vài trận đấu không ổn, chiến lược gia người Đức đã nhận trát sa thải. Trớ trêu là, Nagelsmann khi đó đang đi... trượt tuyết.
Nguyên nhân là gì? Bayern vẫn trong cuộc đua ở Bundesliga, vẫn có mặt ở tứ kết Champions League. Họ chỉ mới bị loại ở Cúp Quốc gia Đức sau khi Thomas Tuchel thay thế Nagelsmann... Nên vấn đề hẳn nhiên là mối quan hệ nội tại.
Có những lời phủ nhận, nhưng thật khó để che mắt truyền thông và dư luận. Khi tờ Bild tiết lộ rằng, có tới 14 cầu thủ thuộc đội 1 Bayern không nói lời tạm biệt với Nagelsmann thì không còn là nghi vấn nữa. Các ngôi sao của “Hùm xám” xứ Bavaria bất mãn với những thay đổi chiến thuật và cách hành xử của Nagelsmann, bầu không khí tồi tệ bao trùm lên khắp phòng thay đồ.
14 cầu thủ, đó là một con số “khủng khiếp” để ngay cả một huấn luyện viên lão làng nào đó cũng sẽ không thể quản lí chứ nói gì đến Nagelsmann... Tương tự như vậy, Frank Lampard, Steven Gerrard trước đó đã thất bại khi chọn cách “nhảy cóc” trên chặng đường sự nghiệp còn quá mới mẻ của mình.
... Lớn tuổi cũng không dễ chịu
Bóng đá hiện đại khác ngày xưa nhiều. Ở đây, các cầu thủ nhận thức được vai trò, vị thế của họ để có thể “kết bè, kéo phái”. Sự chống đối hướng đến huấn luyện viên không bùng phát ngay mà diễn ra âm thầm, từ từ. Đương nhiên, tất cả sẽ dẫn đến sự kết luận cuối cùng sau một loạt kết quả tồi tệ là trách nhiệm đổ lên đầu huấn luyện viên.
Với những huấn luyện viên như Brendan Rodgers, Tuchel, Mauricio Pochettino, lứa tuổi cuối 40, đầu 50 chưa phải là quá già trong thế giới của các nhà cầm quân nhưng kinh nghiệm của họ đủ dày. Vấn đề ở chỗ, sau thời gian làm việc - với áp lực từ rất nhiều phía, mối quan hệ sẽ giống như những vết nứt trên tường của ngôi nhà vậy.
Nhỏ thôi, nhưng khi không chăm chút sửa chữa, coi đó là chuyện bình thường, thì một ngày nào đó, sự âm thầm “mục ruỗng” bên trong mới là thứ đã trở nên không thể hàn gắn. Kéo theo sự đổ vỡ...
Có một điều vẫn thường thấy trong giới huấn luyện viên, là phía sau sự ra đi của họ, phần lớn đều trong tâm trạng chẳng mấy vui vẻ. Các huấn luyện viên như Fernando Santos ở đội tuyển Bồ Đào Nha, Tite ở tuyển Brazil, Oscar Tabarez làm việc rất lâu năm, kể cả có thành tích trên hành trình thì điểm kết cũng rất buồn...
Dễ tính cũng... “chết”
Sự nghiệp huấn luyện của Graham Potter bắt đầu từ năm 2008, nhưng có nằm mơ ông cũng không nghĩ rằng, 14 năm sau, ông thực hiện một bước nhảy vọt lên tầm cao khác hẳn các đội mình từng dẫn dắt. Và thực tế là cũng chẳng mấy người nghĩ Chelsea sẽ để mắt đến huấn luyện viên 47 tuổi người Anh.
Bảng thành tích của Potter chỉ có ở bóng đá Thụy Điển, nơi ông dẫn dắt Ostersund ở hạng Nhì. Nhưng sẽ là dễ hiểu khi biết rằng, Chelsea không còn thuộc sở hữu của tỉ phú người Nga - Roman Abramovich, mà đã nằm trong tay Todd Boehly người Mỹ.
Có vẻ như ấn tượng với việc Potter biến Brighton thành một đối thủ khó chơi, Boehly cũng muốn một quá trình xây dựng như vậy khi Chelsea phải làm lại sau thời Tuchel - người cũng không duy trì được mối quan hệ tốt trong phòng thay đồ.
Trong 7 tháng làm việc tại sân Stamford Bridge, Potter là đại diện cho hình mẫu huấn luyện viên sẵn sàng chịu đựng, chấp nhận những lời chỉ trích, sẵn sàng bảo vệ các học trò trước truyền thông.
Thế nhưng, chuyện đâu ai ngờ - hệt như ai ngờ Chelsea bổ nhiệm Potter, huấn luyện viên người Anh bị sa thải cùng những dư âm phía sau là các cầu thủ “không hài lòng với nhiều quyết định của ông”. Rốt cuộc, Potter cũng chỉ là một trong vô số các “nạn nhân” của bóng đá hiện đại với nhiều điều không thể đi ngược, nhiều thứ giả dối phía sau ánh đèn flash.
Thậm chí, cũng có thể bản thân ông cũng phải nhiều lần “giả dối” khi đứng trước truyền thông để làm vui lòng giới chủ, không để các cầu thủ chịu áp lực...
Khó tính cũng không thể tồn tại
Potter quá hiền để dẫn dắt một đội bóng cá tính như Chelsea, Antonio Conte là một trong những người hiểu điều đó khi đã làm việc ở Stamford Bridge. Huấn luyện viên người Italy cá tính mạnh, thích sự kỉ luật và đã phần nào thành công cùng The Blues.
Có cả thành công ở Juventus trước đó và Inter Milan sau đó nữa. Nhưng khi ông mang sự mạnh mẽ trở lại London để dẫn dắt Tottenham, kết cục là thất bại.
Đến Tottenham vào tháng 11.2021, huấn luyện viên 53 tuổi hứa sẽ biến đội thành một tập thể có tổ chức, đầy khát khao chiến thắng. 1 năm rưỡi sau, tháng 3.2023, Conte mặt đỏ bừng, nói ra tất cả những điều khó nghe về Tottenham, về các cầu thủ. Ít ngày sau, ông nhận quyết định sa thải.
Điều Conte muốn là gì? Là sự kỉ luật, với lệnh cấm nọ, quy định kia. Ông thậm chí còn công khai chỉ trích các học trò mỗi khi có vấn đề. Rất khác Potter nhưng giới chuyên môn hiểu rằng, đó là những cách làm để “khơi gợi tinh thần chiến đấu trong các cầu thủ”. Muốn họ tự ái để nỗ lực hơn...
Và Conte đã nhận ra, ông đến nhầm chỗ... Ở Juve, Chelsea, Inter, Conte thành công bởi ở đó họ có trong mình phẩm chất chiến thắng. Còn tại Tottenham, làm thế nào Conte có thể biến một đội bóng không bao giờ chiến thắng thành nhà vô địch? Không phải riêng Conte, Jose Mourinho cũng đã như vậy. Mauricio Pochettino cũng đã như vậy...
Tìm đường đi đúng
Nagelsmann có thể đến Chelsea hoặc Tottenham, Conte, Pochettino, Rodgers cũng sẽ tìm cho mình bến đỗ mới. Hay Zinedine Zidane, Luis Enrique có thể trở lại với nghiệp cầm quân sau thời gian nghỉ ngơi... Nhưng không ai chắc lựa chọn có chính xác hay không, vì thực tế bóng đá luôn khó lường để không thể nói trước điều gì.
Cũng như giới cầu thủ, các huấn luyện viên phải đi mới biết con đường nào là đúng. Chỉ khác là họ đôi khi phải trả giá nhiều hơn bằng danh tiếng của mình nếu chọn sai...