Mạc Thị Quỳnh Anh cho biết, có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu sâu về nghệ thuật truyền thống trong quá trình học tập tại trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Cô sinh viên năm thứ 5 ngành Thiết kế Đồ họa cũng được thầy cô khuyến khích đẩy mạnh màu sắc dân tộc trong các học phần. Chính điều này dần hình thành niềm yêu thích và đam mê với những thiết kế đậm màu sắc văn hóa cổ truyền.
“Đây là lý do em tìm hiểu, nghiên cứu và khai thác nghệ thuật chạm khắc đình làng Hoàng Xá để vận dụng vào vẽ minh họa trong thiết kế đồ họa” - Quỳnh Anh chia sẻ.
Nghệ thuật chạm khắc đình làng là mảng nghệ thuật truyền thống rất đặc trưng của Việt Nam, mỗi ngôi đình lại có đặc trưng khác nhau phụ thuộc vào vùng miền và thời đại xây dựng. Khó có thể phân tích sâu hay mổ xẻ các chi tiết chạm khắc trong nghiên cứu đình làng nói chung, Quỳnh Anh chỉ chọn một ngôi đình để nghiên cứu, cụ thể là đình Hoàng Xá ở thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Đây là ngôi đình chưa được khai thác quá nhiều trên phương diện nghệ thuật nhưng là một ví dụ điển hình của nghệ thuật chạm khắc thời Lê Trung Hưng.
Quỳnh Anh bắt đầu tìm kiếm, đọc và nghiên cứu những tài liệu liên quan đến đình làng, chạm khắc đình làng, lịch sử và kiến trúc đình Hoàng Xá, thiết kế đồ họa, vẽ minh họa... Cuối cùng, cô chọn hình tượng “tiên cưỡi rồng” ở đình Hoàng Xá - một hình ảnh chuyển biến, phát triển văn hóa dân tộc, để phác thảo ý tưởng.
Từ bước phác thảo, Quỳnh Anh triển khai sang bản nét, bản đen trắng. Cuối cùng là bản màu - phiên bản đạt độ cân bằng về hình khối, màu sắc. Quan trọng nhất là không làm sai lệch đi những yếu tố đặc trưng của dân tộc nhưng lại thổi vào đó hơi thở của đồ họa hiện đại.
Tiếp đó, Quỳnh Anh đa dạng hóa phạm vi ứng dụng cụ thể trên từng loại sản phẩm đồ họa như bao bì, lịch, truyện tranh, tem... theo những phương án khác nhau. Phương thức “nguyên bản” nhấn mạnh quảng bá văn hóa dân tộc, giữ gìn, tái hiện lại nghệ thuật xưa. Theo phương thức khác, Quỳnh Anh chuyển họa tiết thành dạng chấm, nét...
Còn phương thức “cải biên” lại đi sâu vào phương diện nghệ thuật, phát triển vốn cổ thành những dạng thức thể hiện mới mẻ, hiện đại. Quỳnh Anh thỏa sức sáng tạo, chỉ kế thừa các thủ pháp và tinh thần nghệ thuật của cha ông để tự nhào nặn các nhân vật, bối cảnh có chất riêng của mình.
Một khi hoàn thành phần hình, Quỳnh Anh đặt vào bố cục của sản phẩm, sử dụng những quy chuẩn chung trong thiết kế để hoàn thành bản cuối cùng. Từ đây, tác giả trẻ đi in thử, chỉnh sửa qua nhiều lần cho đến khi in toàn bộ sản phẩm.
“Ngày nay, thông qua một chiếc điện thoại, máy tính, chúng ta có thể thấy được cả thế giới. Đây vừa là lợi thế để việc quảng bá văn hóa nghệ thuật hiệu quả hơn, vừa là thử thách khi có nhiều luồng văn hoá của nước ngoài” - Quỳnh Anh nói.
Thông qua các sản phẩm chứa hoạ tiết đình làng Hoàng Xá, nữ sinh muốn góp phần làm sống dậy nghệ thuật văn hóa truyền thống của cha ông. Quỳnh Anh bày tỏ mong muốn các bạn trẻ có thể tiếp cận gần hơn với những tinh hoa dân tộc sau lớp bụi thời gian, bởi vốn dĩ cuộc hội ngộ giữa cái cũ và mới là không hề dễ dàng. "Tôi cũng mong rằng dự án này có thể trở thành một động lực và cảm hứng đến những bạn cùng chuyên ngành có thể mạnh dạn thử sức với xu hướng thiết kế mới" - cô sinh viên chia sẻ.
Vừa qua, đề tài của Quỳnh Anh đạt giải Nhì Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên trong Cơ sở Giáo dục Đại học năm 2022. Hiện tại, dự án của Quỳnh Anh được sử dụng để tham khảo, giảng dạy trong nhiều học phần của ngành Thiết kế đồ họa, đặc biệt là những học phần liên quan đến vốn cổ dân tộc, ấn phẩm văn hóa, quảng bá sự kiện...
Trong tương lai, Quỳnh Anh muốn khai thác rộng hơn nữa nghệ thuật truyền thống, không chỉ chạm khắc đình làng mà cả các loại hình nghệ thuật khác như mỹ thuật dân gian, kiến trúc cung đình, nghệ thuật biểu diễn...
PGS.TS. Quách Thị Ngọc An, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn của đề tài Khai thác nghệ thuật chạm khắc đình làng Hoàng Xá để vận dụng vào vẽ minh họa trong thiết kế đồ họa.
"Mỹ thuật cổ của Việt Nam mang những giá trị truyền thống cần lưu giữ và phát triển vào âm hưởng thiết kế hiện đại. Ứng dụng nghệ thuật chạm khắc đình làng Hoàng Xá nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung vào vẽ minh họa là một mục tiêu rất lớn" - PGS.TS Ngọc An nhìn nhận. "Đó là một xu hướng rất giàu tính dân tộc với mong muốn có thể lưu giữ lại những tinh hoa trân quý của dân tộc, đồng thời mang lại một hơi thở mới, một hướng đi mới cho những nhà thiết kế trẻ. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, giáo dục mà còn rất quan trọng về mặt lịch sử, văn hóa quốc gia".
Bà cho rằng đề tài của Quỳnh Anh hữu ích cho quá trình nghiên cứu học tập cũng như trải nghiệm đối với sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương nói riêng và sinh viên theo học chuyên ngành về thiết kế đồ hoạ nói chung.
PGS.TS Ngọc An cũng đánh giá nhờ môi trường số có tính lan tỏa nhanh chóng và hiệu quả, nhiều bạn trẻ hiện nay biết nhiều thông tin về văn hóa nghệ thuật và tìm thấy những người cùng niềm đam mê về văn hóa nghệ thuật.
Để lan tỏa mạnh mẽ hơn văn hoá nghệ thuật của Việt Nam, bà Ngọc An cho rằng, ngay từ các môn học ngoại khóa trong các cấp học phổ thông, hay trong một số học phần ở trường đại học, thầy cô nên tổ chức các buổi đi thực tế đến các di tích lịch sử, văn hóa. "Điều này sẽ giúp học sinh có cơ hội tiếp cận trực tiếp, khơi gợi sự khao khát muốn tìm tòi nghiên cứu. Từ đó, việc lan tỏa văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam sẽ hiệu quả hơn.