Giấy bản và sự hoàn thiện qua nhiều thế hệ

TRẦN TRỌNG |

Giấy bản là một sản phẩm có vai trò quan trọng và được sử dụng thường xuyên trong đời sống của đồng bào Dao. Giấy bản được người Dao dùng trong việc thờ cúng tổ tiên và các dịp lễ, Tết, như Lễ cấp sắc, Lễ cầu an, Lễ cầu mùa... Kỹ thuật làm giấy bản của người Dao là một quy trình sản xuất được đúc rút và hoàn thiện qua nhiều thế hệ.

Đời sống người Dao gắn liền với giấy bản

Người Dao bắt đầu di cư sang Việt Nam vào thời Lê (khoảng cuối thế kỷ XVII). Để đến được đất Việt, sống ở vùng núi Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái..., như ngày nay, người Dao đã phải trải qua cuộc hành trình muôn phần gian khổ vượt biển, vượt núi, vượt sông. Điều này phản ánh rõ trong nhiều phong tục, nghi lễ của người Dao và được ghi lại rất tỉ mỉ trong sách cổ.

Mặc dù sinh sống ở nhiều nơi khác nhau nhưng ở người Dao có chung một nghề truyền thống là nghề làm giấy bản, phát triển nhất là ở nhóm người Dao đỏ. Đây cũng là nhóm Dao còn lưu giữ được hầu như nguyên vẹn kỹ thuật làm giấy bản và việc sử dụng loại giấy này trong đời sống hằng ngày và tâm linh.

Không ai biết nghề làm giấy bản của người Dao có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó gắn với đời sống của họ từ ngàn đời nay. Nghề làm giấy bản xuất hiện như một điều thiết yếu bởi người Dao có văn hóa, có tiếng nói riêng, đặc biệt họ có chữ viết. Đây là một trong những yếu tố để nghề sản xuất giấy bản ở người Dao xuất hiện và phát triển.

Từ khi có giấy bản, người Dao đã biết cách sử dụng chúng vào việc ghi lại những lời hát, văn cúng, sách dạy học, sách cổ... Nhờ đặc tính dai và thấm mực, chữ viết trên giấy bản thường rất khó phai mà những tri thức liên quan đến văn hóa, tín ngưỡng, thơ ca truyền thống... của người Dao được lưu truyền qua nhiều thế hệ, ít bị mai một.

Trong 1 năm, người Dao thường tổ chức nhiều nghi lễ, tín ngưỡng thờ cúng khác nhau và giấy bản trở thành vật không thể thiếu, bởi chúng được sử dụng để làm tiền vàng, giấy sớ, giấy trang trí... Điển hình như, giấy bản được cắt thành nhiều mảnh nhỏ hình chữ nhật và in họa tiết để làm tiền vàng cúng cho người âm. Còn trong lễ Cấp sắc (Nghi lễ xác nhận chàng trai Dao như một người đàn ông trưởng thành) việc trang trí trên giấy bản là công việc quan trọng, không thể thiếu. Nếu không có trang trí thì lễ cấp sắc sẽ không linh nghiệm.

Công đoạn làm ra giấy bản của người Dao rất cầu kỳ và đa dạng. Ảnh: TN
Công đoạn làm ra giấy bản của người Dao rất cầu kỳ và đa dạng. Ảnh: TN

Độc đáo, đa dạng trong cách làm

Khả năng tạo ra giấy bản của người Dao đỏ đã đạt đến trình độ nhất định, được tích lũy và phát triển qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, có sự khác nhau ở việc sử dụng nguyên liệu làm giấy bản giữa các nhánh người Dao. Ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, người Dao Quần Chẹt làm giấy bản từ cọng rơm nếp cái hoa vàng, nhưng ở huyện Bắc Hà, tỉnh Hà Giang người Dao đỏ lại dùng cây vầu. Nhiều nơi khác thì sử dụng nguyên liệu cây nứa, cây mai...

Anh Triệu Như Vượng (nhánh Dao Quần Chẹt ở bản Đá Gân, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cho biết: "Ngày trước, cứ vào tầm tháng 7, tháng 8, ở khắp mọi sân nhà của người Dao trong bản đều thấy phơi khung giấy bản, nhưng hiện nay vì nhiều lý do mà không còn nhiều gia đình theo nghề nữa".

Chia sẻ kinh nghiệm gia truyền, anh Vượng cho hay, việc chọn rơm để làm giấy bản vô cùng quan trọng. Rơm phải lấy từ cổ của bông lúa, nếu chọn được loại rơm nếp cái hoa vàng trồng trên nương sẽ hoàn hảo nhất. Bởi sợi rơm ở lúa nương sẽ mềm và dai hơn cổ của bông lúa trồng dưới ruộng như miền xuôi. Đó là kinh nghiệm được truyền lại trong nhiều gia đình người Dao Quần Chẹt ở Đá Gân.

Sau khi thu hoạch lúa, người ta sẽ tách bỏ phần lớp áo ngoài của cây, phần rơm bên trong sẽ được giữ lại, sau đó đem cắt gốc, cắt ngọn và chỉ lấy phần thâm rơm dài khoảng 18-20cm. Tuy nhiên, chỉ có rơm thôi thì chưa thể làm ra giấy nếu thiếu đi một loại cây theo tiếng Dao gọi là “Tờ - kêu” - một loại cây thân dây, có chất nhựa kết dính bột giấy mà không dính vào phên phơi. Loại cây này chỉ mọc trong rừng sâu nên mỗi khi làm giấy sẽ phải đi tìm rất vất vả.

Sau khi có được rơm và cây “Tờ - kêu”, người Dao bắt tay vào làm giấy, công việc này có thể kéo dài cả tháng trời mới có được một mẻ giấy bản ưng ý. Trước tiên, rơm sẽ được bó thành từng bó, đem luộc với nước vôi và tro từ 10 - 12 tiếng tới khi rơm mềm. Sau đó, rơm được bỏ vào một chiếc sọt có quây bằng lá sạch và mang ra suối ngâm trong nước từ 10 - 15 ngày, thậm chí cả tháng. Rơm khi đã được ngâm kỹ, họ sẽ vớt lên rồi cho vào cối xay giã nát, lọc đi lọc lại nhiều lần để lọc lấy phần bột mịn nhất.

Công đoạn này đòi hỏi rất nhiều sức người bởi muốn có được phần bột giấy mịn thì phải giã rất lâu. Nếu càng giã lâu, rơm càng nhuyễn thì bột càng mịn, giấy được làm ra sẽ càng bền và đẹp. Sau khi đã có bột mịn, bà con người Dao lấy cây “Tờ - kêu”, cạo sạch vỏ, đập dập rồi ngâm nước khoảng một tuần. Khi cây “Tờ - kêu” tiết ra nhớt, người ta đem lọc lấy nước cốt rồi pha lẫn bột giấy khuấy đều, tạo thành hỗn hợp kết dính. Đó chính là hỗn hợp để làm thành giấy bản.

Hỗn hợp này sau đó sẽ được đổ lên một khung vải phin mỏng, được nẹp tre tạo thành một khuôn rộng 1,2 x 2 mét hoặc tùy theo nhu cầu sử dụng của từng gia đình. Công đoạn này đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật cao để giấy được đổ không quá dầy cũng không quá mỏng. Giấy được đổ đòi hỏi phải đều nếu không coi như hỏng mẻ giấy. Khung giấy sau khi được phơi 2 - 3 nắng sẽ khô và đã có thể sử dụng được.

Còn ở những nhánh Dao sử dụng các nguyên liệu như nứa, vầu non, vỏ cây dướng thì quy trình tạo ra giấy bản cũng có nhiều khác biệt. Điển hình như vùng người Dao đỏ ở tỉnh Lào Cai, Hà Giang... vì cây măng nứa, vầu và mai thường phát triển theo mùa nên việc lấy được nguyên liệu cũng đòi hỏi nhiều công phu.

Theo kinh nghiệm của người Dao tại thôn Tả Trung Hồ, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, họ ưu tiên lựa chọn những cây nứa được khoảng 40 - 50 ngày tuổi và đạt độ cao khoảng 3 - 4 mét. Giấy bản được làm từ cây nứa, mai và vầu cũng trắng và đẹp hơn giấy được làm từ rơm.

Các thanh vầu, nứa sau khi lấy về sẽ được chẻ ra và buộc thành từng bó nhỏ và cho vào nồi để luộc nhừ. Vì những nguyên liệu này có chất sơ cứng nên khi luộc người Dao đỏ thường cho thêm vôi và bột nếp vào cùng để chúng nhanh chín và mềm hơn. Nhưng ở vùng thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang, tỉnh Hà Giang lại không luộc mà chỉ ngâm vầu với nước vôi trong ít nhất là 2 tháng. Sau đó vớt ra ngâm trong nước sạch khoảng 30 ngày là sẽ mềm nhũn như sợi bún.

Không giống như giấy công nghiệp, giấy bản để được rất lâu, nếu bảo quản tốt giấy bản có thể để được vài chục năm. Vì vậy, đồng bào dân tộc Dao rất ưa thích và nó phù hợp trong các nghi lễ truyền thống của họ. Vào những ngày chợ ở các địa phương gần giáp Tết, sản phẩm giấy bản của đồng bào Dao bày bán rất nhiều, đây cũng là một trong những thứ cần thiết mà người dân mua nhiều nhất để chuẩn bị cho những ngày Tết cổ truyền.

TRẦN TRỌNG
TIN LIÊN QUAN

Độc đáo lễ "đám chay” của người Dao Tiền ở Hoà Bình

Khánh Linh |

Hoà Bình - Lễ “đám chay” là một trong những nghi lễ quan trọng và độc đáo của người Dao Tiền ở Hoà Bình để giải oan, cầu siêu cho linh hồn những người đã khuất.

Chuyện chè cổ trăm tuổi ở bản người Dao Nậm An

Phong Quang |

Hà Giang - Người già nhất trong bản Dao ở Nậm An (xã Tân Thành, Bắc Quang, Hà Giang) cũng đã là đời thứ 7 làm chè thế nhưng những cây chè cổ trăm năm tuổi vẫn trổ hoa, ra lộc trên khắp cánh rừng nguyên sinh. Gần đây chè cổ ở Nậm An đã trở thành một sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được thế giới công nhận.

Những nếp nhà phủ rêu của người Dao ở Xà Phìn

Vi Phạm |

Xà Phìn là một thôn vùng cao của xã Phương Tiến huyện Vị Xuyên, nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 20km, với những nếp nhà cổ của người Dao vô cùng độc đáo bên những thửa ruộng bậc thang khiến cảnh sắc nơi đây mê hoặc lòng người. Đường lên thôn Xà Phìn đèo dốc chênh vênh dài khoảng 10km, được thảm bêtông đến tận thôn.

Nghi thức tâm linh huyền bí trong lễ hội Cầu mùa của người Dao đỏ Yên Bái

Khắc Điệp |

Yên Bái – Dịp đầu xuân năm mới, đồng bào Dao đỏ tại xã Khai Trung, huyện Lục Yên hân hoan tổ chức lễ hội Cầu mùa với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu.

Nghi thức tâm linh huyền bí trong Lễ cấp sắc của người Dao

VĂN THÀNH CHƯƠNG |

Lễ cấp sắc là một nghi thức tín ngưỡng tâm linh độc đáo của đồng bào dân tộc Dao ở Tây Bắc nói chung và người Dao huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nói riêng. Trong Lễ cấp sắc có nhiều nghi thức tâm linh độc đáo và mang sắc màu huyền bí.

Miễn nhiệm Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang

Vân Trường |

Sáng 8.10, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026, tổ chức kỳ họp thứ 20 (kỳ họp chuyên đề).

Choáng váng khi giá đất nền vùng ven Hà Nội "nhảy múa"

Thu Giang |

Giá đất nền ở các huyện vùng ven Hà Nội thời gian qua đang được đẩy lên cao, có nơi đã vượt mức 100 triệu đồng/m2 khiến nhiều người choáng váng.

EU nói về khả năng xung đột Ukraina kết thúc trong 15 ngày

Ngọc Vân |

Đại diện cấp cao EU tin rằng, xung đột Nga-Ukraina có thể kết thúc trong 15 ngày nếu không có sự hỗ trợ của phương Tây cho Kiev.