Nơi lắng đọng hồn núi sông ngàn năm
Hơn hai nghìn năm trước, nổi cao một gò đất giữa vùng hạ Đồng bằng châu thổ sông Hồng, người đời gọi tên là núi Nùng, với ý nghĩa là mượt mà, tươi tốt. Sau này, được phủ lên "tính thiêng" với tên gọi là núi Long Đỗ (Rốn Rồng). Từ núi Long Đỗ làm trung tâm của thành Đại La xưa, năm 1010, lúc mới lên ngôi hoàng đế, Lý Thái Tổ đã ban chiếu về việc dời đô. Bài chiếu có đoạn nói về vị thế của vùng đất Thăng Long - Hà Nội:
“Thành Đại La ở vào chính giữa trời đất, có cái thế rồng cuộn, hổ ngồi, đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây lại tiện thế nhìn sông tựa núi. Đất ấy rộng mà bằng phẳng, cao ráo mà sáng sủa, dân cư không phải cái nạn tối tăm, ẩm thấp, muôn vật cực kỳ giàu thịnh đông vui. Xem khắp nước Việt, đó là đất danh thắng, thật là đô hội trọng yếu để bốn phương sum họp, và là đô thành bậc nhất đáng đặt làm kinh sư cho muôn đời”.
Trải qua biết bao biến thiên của lịch sử, Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi kết tinh tinh hoa của dân tộc, hội tụ nhân tài của đất nước để phát triển vững bền và sáng tỏ sự trường tồn của đất nước (Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại Lễ kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội và trao tặng danh hiệu “Thủ đô anh hùng”).
Quân thần ủng hộ chiếu dời đô và mùa thu năm ấy, kinh đô được dời từ thành Hoa Lư ra thành Đại La và đặt tên mới là thành Thăng Long. Từ đó trở đi, thành Thăng Long đã trở thành đô thành lớn nhất Việt Nam với cốt cách văn hóa riêng biệt, độc đáo.
Đánh giá về sự kiện này, PGS. TS. Vũ Văn Quân - Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: "Trải qua hơn một thế kỷ nỗ lực không ngừng, nền độc lập và thống nhất quốc gia của người Việt được xác lập tương đối vững chắc, làm tiền đề để vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La với tư duy cầm quyền dựa trên quan điểm phát triển, lấy phát triển để tạo ra khả năng phòng thủ. Vùng trung tâm Hà Nội chính thức đảm lãnh sứ mệnh lịch sử kinh đô của quốc gia độc lập người Việt. Quy hoạch lãnh thổ hành chính Thăng Long thời Lý - Trần và mãi về sau này vẫn cơ bản dựa trên vùng Đại La thời kỳ trước đó, hay như cách dân gian xác định: “Nhị Hà quanh bắc sang đông; Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này”.
Nhà Hà Nội học - Nguyễn Vinh Phúc cũng đồng ý với luận điểm này và cho rằng: Con mắt tinh đời của Lý Công Uẩn đã nhìn ra, nói theo thuật ngữ ngày nay là những điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch một đô thị. Và Hà Nội hiện vẫn đang thừa hưởng những thuận lợi đó để phát huy, phát triển, xây dựng thành Thủ đô ngàn đời của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày một phồn vinh.
Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người
Chính nhờ có hệ thống sông dọc ngang mà Thăng Long - Hà Nội từ ngàn xưa đã trở thành nơi “bốn phương sum họp”. Sau khi tiếp quản Thủ đô, theo thống kê năm 1954, Hà Nội có diện tích 152km2, gồm 4 quận nội thành và 4 quận ngoại thành với dân số 38 vạn người. Trải qua hơn 50 năm phát triển, ngày 29.5.2008, theo Nghị quyết số 15/2008 của Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 3 thông qua, thành phố Hà Nội đã mở rộng địa giới hành chính, bao gồm: Toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Như vậy, thành phố Hà Nội (mới) có diện tích tự nhiên là 3.344,47km2, dân số là 6.232.940 người và gồm 29 đơn vị hành chính cấp quận huyện cùng 1 thị xã. Ngày 1.8.2008 việc hợp nhất đã hoàn thành. Chỉ nói về mặt địa lý, thành phố Hà Nội ngày nay ngoài khu vực trung tâm còn là nơi quy tụ nhiều vùng đất khác nhau của ba xứ: Kinh Bắc, xứ Đoài, xứ Nam.
Đất đã thế, người Hà Nội thì cũng vậy, người Hà Nội gốc có rất ít, mà hầu hết là dân tứ chiếng quần cư, nhưng biết chung đúc tài năng, gạn đục khơi trong, rũ bỏ đất lề quê thói, cùng nhau tạo nên “văn hóa của người Tràng An”. Nền văn hóa đó đã tiếp thu mọi tài hoa của các địa phương, nhào nặn lại, nâng cao lên và trở thành biểu hiện tập trung nhiều đức tính tốt đẹp của dân tộc và được mệnh danh là văn hóa kinh kỳ, văn hóa của dải đất ngàn năm văn hiến.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong Lễ kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội và trao tặng danh hiệu “Thủ đô anh hùng” từng phát biểu vô cùng xúc động và đánh giá cao những đóng góp của nhân dân Thủ đô. Trên mảnh đất Hà Nội đã diễn ra biết bao chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và xây dựng đất nước ngàn năm văn hiến. Trong thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội lại tiếp tục lập nên những kỳ tích làm rạng rỡ non sông, tiêu biểu cho trí tuệ và khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam, xứng đáng là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, thực sự là một “Thành phố vì hòa bình”.
Với công lao to lớn đó, Hà Nội đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý. Đây là kết quả của tinh thần lao động, chiến đấu, sáng tạo được kết tinh từ bao đời nay, là sự chung tay vun đắp của cả nước cùng Hà Nội. Mỗi bước đi, mỗi thành tựu của Hà Nội đều gắn với những thắng lợi trong công cuộc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân cả nước. "Thủ đô anh hùng" đặt ra cho Hà Nội những yêu cầu mới, cao hơn, nặng hơn. Hà Nội phải tự mình vươn lên, thực hiện thật tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Giữ vững và phát triển thuần phong mỹ tục, làm cho Thủ đô ta ngày thêm tươi đẹp, phồn thịnh và trở nên thành phố gương mẫu cho cả nước".
Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, lắm gian lao nhưng cuối cùng là tràn ngập vinh quang như ta thấy ngày nay, tựa như lời bài thơ “Xin gửi miền Nam” của nhà thơ Tố Hữu:
Phải bao máu thấm trong lòng đất
Mới ánh hồng lên sắc tự hào.
Nhà Hà Nội học - Nguyễn Vinh Phúc nhận định, Hà Nội được như vậy là nhờ biết bao máu hồng, xương trắng và mồ hôi nước mắt của bao thế hệ người. Họ đã cầm gươm, cầm bút, cầm cày để xây dựng và bảo vệ đầu não, trái tim của Tổ quốc Việt Nam. Thế hệ hôm nay trân trọng và kính cẩn ghi tạc công ơn của các thế hệ tiền nhân và đang ra sức bảo vệ thành quả xưa, cùng tiếp nối xây dựng một Hà Nội to đẹp, đàng hoàng hơn trong lòng một Việt Nam hiện đại cũng ngày càng to đẹp, đàng hoàng như dự báo của người Việt vĩ đại của dân tộc: Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của tất cả chúng ta.
Thủ đô Hà Nội có một vai trò đặc biệt trong định hướng phát triển đô thị Việt Nam. Từ đó hình thành nên một Hà Nội, thành phố vừa dân tộc, vừa hiện đại, đậm đà bản sắc và truyền thống ngàn năm văn hiến. Hà Nội vẫn và sẽ mãi là trung tâm đầu não về chính trị, đồng thời là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học kỹ thuật - kinh tế của cả nước.