Lê Phương, nhà văn của công nhân

trần việt |

Cuốn sách “Lê Phương Tác phẩm chọn lọc” in bìa cứng, sang trọng dày gần 800 trang khổ 16x24 cm, Nhà xuất bản Lao Động ấn hành, thực sự là một cuốn sách tinh tuyển cho những ai yêu mến, quý trọng cố nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương.

5 tác phẩm chọn lọc được in trong sách thể hiện đậm nét nhất dấu vân tay - dấu ấn sáng tạo của nhà văn Lê Phương: “Pháo đài 4-4”, “Thung lũng Cô Tan”, “Bạch đàn”, “Ngã ba thời gian”, “Bông mai mùa lạnh” và đặc biệt phần cuối sách mang tên “Công việc nhà văn” là bút tích của nhà văn qua một số ghi chép từ các chuyến đi, gặp người thực, việc thật, các chuyên gia của ngành, và tìm kiến thức bổ trợ trong thư viện... được cố nhà văn lưu giữ cẩn thận.

Nhà văn của công nhân

Tất cả cho thấy một công phu lao động, nghiêm túc, đầy trách nhiệm của nhà văn Lê Phương. Ông đã có 9 tác phẩm được xuất bản, bên cạnh 5 tác phẩm kể trên, là các cuốn “Con chim đầu đàn”, “Bất khuất”, “Bè xuôi sông Mã”, “Vết xích đường mòn” và 4 kịch bản phim điện ảnh như: “Nơi gặp của tình yêu”, “Cơn lốc biển”, “Biệt động Sài Gòn” (viết cùng tác giả Nguyễn Thanh), “Câu lạc bộ không tên”, và 3 kịch bản phim truyền hình nhiều tập (viết chung với nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã) là “Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ”, “Ngã ba thời gian”, “Sống mãi với Thủ đô”. Cuốn sách “Lê Phương Tác phẩm chọn lọc” được gia đình cố nhà văn Lê Phương tập hợp và in lại một số tác phẩm tiêu biểu của ông như một cách tưởng nhớ ông, bởi mỗi lần đọc là nhớ ông, là ký ức hiện về, là hình ảnh ông ngồi ngay ngắn, tĩnh lặng, trầm tư khi viết, khi đọc...

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã kém ông 26 tuổi, sống cùng ông hơn 30 năm trời, với một tình yêu kỳ lạ mang âm hưởng của chuyện cổ tích giữa đời thường, chăm ông, chiều ông vô bờ bến, làm giới nghề và những ai biết chuyện phải thán phục. Bà cho biết: Quyết định làm sách cho nhà văn Lê Phương là quyết định chung của cả gia đình kể cả con cái, lúc đầu ông không cho, mãi sau này khi ông ốm, gia đình quyết tâm làm. Đặc điểm của nhà văn Lê Phương là không lưu trữ sách của ông ấy, vì ông rất rộng rãi, sách có là tặng hết những người yêu quý, phần nữa chuyển nhà mấy lần, sách cũng thất lạc.

Di cảo của nhà văn Lê Phương. Ảnh do gia đình nhà văn cung cấp
Di cảo của nhà văn Lê Phương. Ảnh do gia đình nhà văn cung cấp

Bà Nhã phải đến thư viện và may mắn khi thư viện có ngay những danh mục sách bà cần. Chọn sách xong, photo rồi nhờ học trò đánh máy và bà Nhã chuyển lại cho bà Nguyễn Thị Hạnh, nguyên là biên tập viên của Nhà xuất bản Lao Động, người vợ đầu tiên của ông, để bà Hạnh biên tập.

Đọc lại các tác phẩm văn học của Lê Phương, có thể thấy ông là nhà văn của công nhân. Các nhân vật của ông đều có môi trường làm việc trong nhà máy, xí nghiệp, công trường... ở các ngành nghề khác nhau từ lâm nghiệp đến thủy lợi, thủy điện với những chi tiết đắt giá mà chỉ người rất am hiểu nghề mới biết. Nó cho thấy vốn sống, vốn trải nghiệm cực kỳ phong phú của ông.

Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nhà văn Lê Phương là “Bất khuất” viết về vùng mỏ Quảng Ninh những năm 1930-1936, xuất bản năm 1963. Cuốn sách sau này đã được nhà văn chuyển thể thành kịch bản phim “Cơn lốc biển” 2 tập nhưng không nhiều người biết, do nhà văn Lê Phương không bao giờ quảng bá cho tác phẩm của mình. Vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7.1929 - 28.7.2019), Tập đoàn Than mới đi tìm sách để in vì đây sách tiêu biểu về công nhân mỏ.

Hầu hết, các cuốn sách của nhà văn Lê Phương đều được in ở Nhà xuất bản Lao Động- cũng là nơi ông làm việc, gắn bó, nhiều năm, và viết sách, viết tiểu thuyết.

Khi được hỏi có điều gì chị cảm thấy nuối tiếc khi in xong cuốn sách, bà Nhã bảo: hơi tiếc vì nhà văn Lê Phương chuẩn bị cho một cuốn sách nào đều có những ghi chép rất rõ ràng cho cuốn sách đó. Sổ ghi chép của ông ấy rất cẩn thận, nên đặt ghi chép cho tác phẩm nào vào đúng phần tác phẩm của nó thì người xem sẽ dễ theo dõi và hiểu hơn về quá trình sáng tác của ông.

Những chân dung sắc sảo

Với tư cách là nhà biên kịch, bà Trịnh Thanh Nhã cho rằng, điểm đặc biệt cũng là ưu thế nổi trội của nhà văn Lê Phương là việc xây dựng các chân dung nhân vật rất sắc sảo. Vì nhà văn cũng thực chiến như các nhân vật của ông, định viết về về mỏ thì đi xuống mỏ hàng tháng trời, định viết về các kỹ sư giao thông ở trong Trường Sơn thì lặn lội một mình đi vào Vĩnh Linh rồi từ đấy đi vào đến tận trong những vùng chiến địa rất dữ dội.

Nhà văn đi thực tế và đắm chìm vào thực tế, nên nhân vật thực chiến, vì bản thân nhà văn cũng là người thực chiến. Nhân vật sống động với các chi tiết về nghề nghiệp, về đời sống cũng như trong lao động của họ đều vô cùng đặc sắc. Khác với các nhà văn trẻ ngày nay, viết bằng tưởng tượng, khả năng tiếp cận với thực tế không sâu sắc như thế hệ các nhà văn xưa. Với nhà văn Lê Phương, các chi tiết sống làm nên nhân vật chứ nhân vật không nói tràng giang, đại hải. Nó được thể hiện qua các sự kiện, qua các tình huống hóa thân trong nhân vật.

Bà Nhã ngạc nhiên hơn vì chất điện ảnh có trong văn chương ông ngay từ tiểu thuyết đầu tiên. “Gần như chương nào cũng có thể coi là một chương kịch bản, trang nào cũng có thể có góc nhìn, tức là khi mình đọc từng trang một mình, sẽ hình dung được máy quay nó sẽ đi như thế nào...”.

Tuy nhiên, khi bà định chuyển thể một số cuốn sách sang kịch bản điện ảnh thì lại gặp thách thức. Như tiểu thuyết “Thung lũng Cotan” bà chuyển thể đến lần thứ ba vẫn không được vì trong sách có rất nhiều chi tiết về địa chất, những cái khái niệm địa chất và những chi tiết của việc vận hành địa chất ở trong đấy nếu không phải là một chuyên gia địa chất thì không hiểu nó và tại sao nhân vật lại có cái phản ứng đó.

Và để hiểu được nhân vật phải hiểu được lĩnh vực đó, phải đọc rất nhiều sách khác. Tiểu thuyết của nhà văn Lê Phương không dễ tiếp cận, cần có thời gian chiêm nghiệm. Tuy nhiên khi ông viết tiểu thuyết thì hoàn toàn không nghĩ gì đến điện ảnh cả.

Bén duyên điện ảnh

Khi nhà xuất bản Lao Động quy định cán bộ, công nhân phải đi làm 8 tiếng/ngày, lúc đó nhà văn Lê Phương vừa làm biên tập sách, vừa viết văn và ông cảm thấy không phù hợp. Đúng lúc đó, lại có bạn thân ông là nhà văn Hứa Văn Định làm bên Xưởng phim truyện Việt Nam nói chuyện, thế là năm 1977, nhà văn Lê Phương sang bên điện ảnh để có thời gian dành cho viết văn hơn khi tuần chỉ một lần phải đến xưởng. Và ông bén duyên điện ảnh rất nhanh để rồi tuyệt nhiên không trở lại với văn chương nữa.

Nhiều người ngạc nhiên không hiểu lí do. Bà Nhã sau này khi chuẩn bị cho cuốn sách tuyển tập, đọc các ghi chép của ông, mới biết là trong quá trình gọi là chạy trốn khỏi văn học, ông bắt đầu nhận ra những điểm bất ổn trong xã hội và rất muốn thể hiện nó. Nhưng ông không tìm ra được một thi pháp thích hợp với tầm nhìn mới còn viết như “Thung lũng Cô Tan” thì ông không muốn. Ông luôn luôn day dứt về điều đó và khi không tìm thấy cái ông cần thì ông không viết văn nữa. Ông từng nói người viết thỏa mãn mình khó hơn là thỏa mãn người đọc. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên có lần nói ghét ông Phương vì ông ấy có một cái lối viết sấm sét, nhưng mà ông lại không viết nữa.

Cái lí do từ bỏ văn học, không, đúng hơn là văn học vẫn còn trong ông, ông luôn day dứt về nó nhưng không thể viết ra được.

Một ghi chú của nhà văn Lê Phương. Ảnh do gia đình nhà văn cung cấp
Một ghi chú của nhà văn Lê Phương. Ảnh do gia đình nhà văn cung cấp

Với nhà văn Lê Phương, viết văn là lao động nghệ thuật cực kỳ nghiêm túc vì văn chương như là thánh đường. Người trong gia đình ông kể rằng sinh thời, ông hiền lắm, sống ở một ngôi nhà nhỏ ở phố Phan Đình Phùng. Ông viết trong một cái buồng bé tí mấy mét vuông, trên một cái hòm như hòm đạn, viết văn bằng chữ viết tay rất đẹp. Ông không thích giao tiếp với ai trong lúc viết, nên cả nhà biết ý đều đi nhẹ, nói nhẹ. Đến bữa ăn, mọi người cứ ăn, ông cứ viết rồi đến lúc nào đói là ông đi ăn lúc đó. Ông không thích ai giục giã...

Nhà văn Lê Phương là một người nghiêm cẩn và cầu toàn đến mức khắt khe với chữ nghĩa nhưng ngoài đời là một người sống phóng khoáng, bao dung và khá hài hước.

trần việt
TIN LIÊN QUAN

Nhà văn Bùi Hiển được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh

Song Minh |

Nhà văn Bùi Hiển (1919 - 2009) là một trong hai tác giả duy nhất thuộc lĩnh vực văn học được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt xét tặng năm 2022.

Nhà văn Annie Ernaux và những mảnh hồi ức sâu thẳm

Thanh Hương |

Mùa hè này, Nhã Nam và Viện Pháp giới thiệu đến bạn đọc 3 tác phẩm mới của nữ nhà văn Annie Ernaux gồm “Một người phụ nữ”, “Cơn cuồng si” và “Nỗi nhục”.

Nhà văn hoá Hữu Ngọc: Đồng hành cùng thế kỷ văn hóa - lịch sử Việt

Hương Lê |

"Hữu Ngọc - Đồng hành cùng thế kỷ văn hóa - lịch sử Việt Nam" là cuốn sách giới thiệu lịch sử văn hóa Việt Nam qua chân dung những người cùng thời với nhà văn hóa Hữu Ngọc.

Bộ Tài chính xem xét tăng mức giảm trừ gia cảnh

Mai Ánh |

Bộ Tài chính đang tiến hành đánh giá lại mức giảm trừ gia cảnh theo kiến nghị của các cử tri từ 6 tỉnh, thành phố.

Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

. |

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18.9 đến ngày 20.9.2024 tại Thủ đô Hà Nội.

Quan hệ với Tổng Công hội Trung Quốc đặc biệt được coi trọng

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 20.9, diễn ra Hội đàm giữa Tổng LĐLĐVN và Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU).

Danh tính nạn nhân trong cabin xe tải dưới cầu Phong Châu

Tô Công |

Phú Thọ - Cơ quan Công an đã xác định được danh tính nạn nhân được phát hiện trong cabin xe tải gần khu vực cầu Phong Châu bị sập.

Cựu lãnh đạo SCB khai mẹ và dì cũng là bị hại của mình

Tâm Tú |

TPHCM - Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB - Trương Khánh Hoàng cho biết, bản thân ân hận, xót xa vì có nhiều bị hại trong vụ án, trong đó có mẹ và dì của bị cáo.