Mẹ tuy không đẻ không nuôi

Lãng Quân |

Anh Vũ Tiến Quân, với tư cách là Giám đốc Khách sạn Công đoàn tỉnh Sơn La, người đã dành 17 năm rước mẹ Việt Nam Anh hùng Mùi Thị Dậu về chăm sóc, phụng dưỡng, đã có nhiều đêm thức trắng, cùng nhiều năm tháng tranh luận quyết liệt và đi khắp nhiều tỉnh thành của hai nước Việt - Lào để tìm “công lý” cho liệt sĩ Mùi Văn Chính. Mẹ Dậu tuy không đẻ, không nuôi anh Quân ngày nào, nhưng dường như có một tiếng vọng từ cao xanh, có một sứ mệnh thiêng liêng của mẹ xứ sở, mà anh tự nguyện phải ghé vai gánh vác cho gia đình mẹ. Anh nuôi mẹ đến hết đời. Anh và cộng sự thờ cúng LS Chính và Mẹ VNAH Mùi Thị Dậu tại trụ sở.
Ông Giám đốc Khách sạn cần mẫn đi dán thông báo thân nhân liệt sĩ
Bây giờ, tại KS Công đoàn Sơn La, khách đến vẫn thấy ven thang máy, ở nhiều nơi trang trọng dán giấy thông báo: “Ai là thân nhân liệt sĩ (LS) có tên là “Chính”, đã nhận hài cốt từ năm 1998 ở Nghĩa Trang Anh Sơn, Nghệ An. Xin hãy liên hệ với KS Công đoàn Sơn La hoặc chương trình “Trở về ký ức” của Đài Truyền hình Việt Nam để giải quyết sự nhầm lẫn giữa hai LS cùng tên. Vì vong linh của hai LS, rất mong sự hợp tác”. Bên dưới là số điện thoại bàn và di động của anh Quân.
Anh Quân là người chuẩn mực trong mọi chuyện, ăn mặc chỉn chu, nói năng khúc chiết và đĩnh đạc. Mỗi lần gọi điện thoại kêu cứu đến người viết bài này, anh đến nghẹn ngào. “Thư, kiến nghị tôi đã gửi đến Trung ương và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo làm cho ra nhẽ, ông ạ”. Có lần anh dẫn một đoàn cán bộ của đơn vị xuống gặp tôi, mang theo ít bánh sữa đặc sản cao nguyên Mộc Châu và ngồi khóc. “Tôi đi tìm công lý cho liệt sĩ đã gần 20 năm. Từ lúc mẹ Dậu còn sống. Mẹ bảo: “Tìm Chính về cho mẹ”. Anh Chính hơn tôi vài tuổi, tôi làm con nuôi mẹ Dậu, nên gọi anh là anh. Mẹ có hai ước mơ, một là được rời bản Sao Tua (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) xa xôi ven sông Đà “bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền” ấy về Hà Nội viếng Lăng Bác Hồ. Hai là: “Tìm Chính về cho mẹ”.
Tìm được sơ đồ mộ chí bên nghĩa trang ở Lào, anh Quân cũng cất công sang nước bạn, làm việc với đủ cơ quan chức năng hai nước để xác minh.

... Chúng tôi đã đưa mẹ về Hà Nội và vào Lăng, đã lội bộ, đội mưa vào bản, rước mẹ ra chăm sóc đến năm mẹ về trời ở tuổi ngoài 90. Đã đưa mẹ đi dự lễ Khởi công Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á trên quê hương, trên dòng sông Đà của mẹ. Nhưng, mẹ đã về núi năm 2013, khi mà tôi vẫn đi đôn đáo khắp hai nước Việt - Lào, tranh luận khắp các cuộc hội thảo và... cãi vã để tìm sự thật về ngôi mộ LS Mùi Văn Chính có thể đã bị cất bốc nhầm đi đâu đó. Theo ông Quân, dường như, anh Chính đã không được về quê hương Sơn La vì sự tắc trách của người nào đó, rồi một gia đình nào đó đã quy tập, đưa rước và thờ cúng di cốt LS Chính gần 20 năm qua mà cứ tưởng là ruột rà thân thích của mình. Sự nhầm lẫn này thật tai hại. Nếu như người ta nhận lỗi, chấp nhận đưa ra hồ sơ “chuyển mộ” kia, rồi sửa lỗi, đưa cả hai LS về đúng quê quán, về bên người thân yêu của các vị ấy, thì tốt biết mấy. Ở đời, ai chả có lúc sai, giữa hàng vạn hài cốt đến từ thời đạn bom tàn khốc, trải rộng trên địa bàn hai quốc gia từ gần nửa thế kỷ trước, với khó khăn mọi bề như thế, giả dụ sự nhầm lẫn chẳng may xảy đến, cũng là điều không quá khó hiểu. Tuy nhiên...

Nhiều đêm, cùng tôi tản bộ giữa hai hàng cây tếch huyền thoại, lừng lững; chúng đã cổ thụ như thế từ thời nhà văn Nguyễn Tuân còn trẻ trai xông pha Tây Bắc (ông ví hai hàng cây như hai hàng lính gác oai nghiêm bảo vệ thành phố Sơn La), anh Vũ Tiến Quân thề thốt, dậm chân tay, bảo rằng anh sẽ đi tìm chân lý, kể cả đến hết đời. Vì sự thật hiển nhiên thế... Những lời nặng nề ấy, anh và đơn vị đã viết vào công văn, gửi lên các cấp, phê phán ai đó làm việc tắc trách để xảy ra việc đau lòng. Chúng tôi không muốn nhắc lại chuyện này ở đây.
Chỉ biết rằng, anh Quân rất đau lòng. Có khi anh ứa lệ. Chồng hồ sơ dày mấy gang tay, danh sách những công văn giấy tờ với mã số được ghi chép tỉ mỉ dài dằng dặc. Anh Quân ngồi trong đêm Sơn La tĩnh lặng ấy, vày vò, nghiên cứu, gạch xóa, chú thích, vẽ sơ đồ, phân tích từng li từng tí, rồi lại lên đường. Nhiều cơ quan trung ương đã vào cuộc, nhiều đoàn liên ngành đã sang Lào, vào Nghệ An (nơi có nghĩa trang quy tập mộ LS Chính về), cả Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, các Đại tá vũ trang cùng đi để xác minh vụ việc. Nhưng câu chuyện vẫn cứ treo ở đó.
Xin hỏi, những ai từng cất bốc mộ LS tên là “Chính” từ Anh Sơn, Nghệ An về?
Chuyện có thể được tóm tắt như sau: Gia đình mẹ Mùi Thị Dậu chỉ có giấy báo tử, ghi rõ: LS Mùi Văn Chính hy sinh ngày 14.11.1970, mai táng tại “Nghĩa trang mặt trận phía Tây”. Như tìm kim đáy bể, ban đầu anh Quân đi gặp những cựu binh từng nhập ngũ rồi chiến đấu cùng LS Mùi Văn Chính. Ở Mộc Châu có đại tá Vi Văn Thiện, cựu binh Hoàng Văn Quyết, ông Lù Vinh, các vị này đều nắm rõ: Bác Mùi Văn Chính đánh giặc anh hùng, được kết nạp Đảng và phong làm Trung đội phó. Đơn vị bác được điều động phối hợp với đoàn đặc công 305 để đánh giặc. Tiếp tục tìm về Sư đoàn 316, đơn vị của bác Chính. Thiếu tá Nguyễn Thế Giang, đại diện đơn vị đã tìm hồ sơ và thấy ghi rõ: LS Chính hy sinh khi đang trinh sát ở cao điểm 1.325, sư đoàn 316 không mai táng đồng chí. Mà thi thể LS Chính được an táng tại nghĩa trang của Bộ đội đặc công 305 ở Mường Sủi (Lào).
Anh Vũ Tiến Quân và rất nhiều tài liệu thuyết phục xung quanh sự thật về hài cốt LS Mùi Văn Chính.

Sang Bộ tư lệnh Đặc công, tiền thân của đoàn đặc công 305 thì Đại tá, Phó Chủ nhiệm Chính trị Vũ Hồng Giang cung cấp nhiều tài liệu quý hơn nữa. Nghĩa trang mặt trận phía Tây ở Lào, được xác định là Nghĩa trang Nong Tặng ở Mường Sủi. Tại đây có 52 ngôi mộ, trong đó có 37 mộ thể hiện rất rõ trên sơ đồ, các LS dưới mộ đều là người của đoàn đặc công 305. Còn 15 mộ của đơn vị bạn chiến đấu cùng bộ đội đặc công và hy sinh thì không có số thứ tự rõ ràng. Đáng chú ý trong số đó có một mộ ghi rõ: LS Nguyễn Trung Chính, rất đầy đủ thông tin, ở vị trí hàng 2, ngôi 2. Anh Quân lại cùng đoàn tùy tùng vào làm việc chính thức với BQL nghĩa trang Việt - Lào tại Anh Sơn, Nghệ An. Tại đây, người quản lý hồ sơ các ngôi mộ, ông Nguyễn Sỹ Sáu nói rõ, khi quy tập từ Mường Sủi, Lào về, có ngôi một chỉ thấy mỗi tên là “Chính”, ở hàng 4, ngôi thứ 3 “chất lượng hài cốt tốt”. Hai chi tiết trên là mấu chốt của cuộc tranh luận nảy lửa sau này: LS Nguyễn Trung Chính vẫn đầy đủ thông tin từ bên Lào được quy tập thẳng về quê hương Hà Nội (theo quy định). Còn một LS tên là “Chính” thì chỉ có tên, chất lượng “hài cốt tốt” (đầy đủ). Ngôi một LS “Chính” có số 5457, về nước đã 15 năm, nhưng chưa bao giờ có thân nhân tới thăm viếng, ông Sáu tiết lộ. Chi tiết này càng củng cố niềm tin rằng, người nằm dưới một 5457 là LS Mùi Văn Chính.

Giấy tìm thân nhân từng cất bốc LS Chính ở Anh Sơn, Nghệ An được anh Quân dán khắp nơi.

Tưởng như hành trình dằng dặc đã về đến đích, ai ngờ, ngôi mộ ông “Chính” mà anh Quân có nhiều tài liệu khẳng định là của LS Mùi Văn Chính kia đã... được cất bốc đi nơi khác. Bia một vẫn còn, vẫn chữ “Chính” y như bên Lào. Quay sang Xiêng Khoảng, miền Bắc Lào mênh mông, tìm nghĩa trang Nong Tặng, anh Quân được lãnh đạo liên đoàn lao động của Lào dẫn đi, gặp đại tá Hồ Trọng Bình, bấy giờ phụ trách đoàn quy tập của BCH Quân sự Nghệ An cho biết: “Ngôi mộ 5457 ở Anh Sơn, Nghệ An là của LS Nguyễn Trung Chính, Gia Lâm, Hà Nội. Năm 1998 đã chuyển từ Nghệ An về Hà Nội”. Không đồng ý với giải thích này, đoàn cán bộ liên ngành của Sơn La, gồm đủ Hội Cựu chiến binh, lãnh đạo BCH Quân sự, Sở LĐTBXH, Liên đoàn Lao động tỉnh..., đã liên tiếp có nhiều cuộc làm việc chính thức, “tranh luận” nảy lửa với cơ quan chức năng ở Nghệ An, để khẳng định rằng: LS Nguyễn Trung Chính đầy đủ thông tin hồ sơ từ bên Lào, đã được chuyển thẳng về gia đình ở Hà Nội (có giấy bàn giao hài cốt ghi rõ chuyển từ Lào về, ảnh chụp kèm bài viết). Theo quy định, LS đủ thông tin chuyển thẳng về gia đình, chỉ những LS không đủ thông tin như LS “Chính” thì mới quy tập về nghĩa trang biên giới. Anh Quân còn làm việc với gia đình LS Nguyễn Trung Chính, xin được giấy bàn giao hài cốt, ở đó ghi rõ “chỉ còn một số xương nhỏ”, mà bàn giao từ năm 1995. Chứ không phải năm 1998 như cơ quan chức năng trả lời ở trên. Trong khi, như đã viết ở trên, mộ LS “Chính” được ghi “hài cốt tốt (đầy đủ)”. Rõ ràng, hài cốt LS “Chính” đã được cất bốc đi đâu đó, chứ không phải cất về gia đình LS Nguyễn Trung Chính ở Hà Nội. Giả dụ bây giờ xét nghiệm ADN, chắc chắn di cốt dưới mộ “LS Nguyễn Trung Chính” vẫn là của LS Nguyễn Trung Chính mà thân nhân còn đông đủ ở quê nhà kia. Chỉ có LS “Chính” là không biết cất bốc “nhầm” đi đâu. Mà hồ sơ cho việc này, chỉ có đơn vị đang bị anh Quân và đoàn liên ngành quy kết là “làm nhầm” kia đang lưu giữ.

Nhiều cá nhân, tổ chức, nhiều tờ báo đã lên tiếng tranh luận quanh sự việc này, anh Quân và đoàn liên ngành của Sơn La vẫn đưa ra nhiều lập luận đanh thép, tuy nhiên, sự việc vẫn bị bỏ ngỏ. Ví dụ, từ bên Lào, LS Nguyễn Trung Chính vẫn ở ngôi 2, hàng 2; trong khi ngôi một mang mã số 5457 (của LS “Chính”) là ở ngôi 3 hàng 4. Không thể có sự nhầm lẫn số thứ tự lớn như vậy khi quy tập về được. Thêm nữa, như trên đã nói, LS Trung Chính đủ thông tin rồi, thì dĩ nhiên sẽ mang thẳng từ Lào về quê hương, đúng như văn bản sao y bản chính mà chúng tôi đang có (do Thượng tá Hoàng Xuân Viên ký ngày 1.8.1995). Nếu hài cốt LS Nguyễn Trung Chính được cất bốc từ Anh Sơn, Nghệ An ra Hà Nội, thì văn bản phải ghi rõ “Từ Nghĩa trang LS Việt Lào” về chứ. Ngoài ra, văn bản trên ghi rõ chất lượng hài cốt LS Nguyễn Trung Chính là “chỉ còn ít xương vụn”, điều này hoàn toàn khác với hài cốt “chất lượng tốt” trong mộ 5457 ở Nghĩa trang Anh Sơn (mà cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An bảo đó là mộ LS Nguyễn Trung Chính, đã được cất bốc về Hà Nội). Không lẽ chỉ bốc từ Nghệ An về Hà Nội vào năm 1995, đoàn tùy tùng đông đảo và ban bệ đường hoàng thế, mà họ để hài cốt từ chỗ “tốt”, đầy đủ, trở thành “chỉ còn ít xương vụn” ư? Với những lập luận bằng văn bản đó, anh Quân vẫn một mực bảo vệ quan điểm: một LS “Chính” (tức Mùi Văn Chính) đã được cất bốc “nhầm” đi đâu đó, chứ không phải cất về gia đình LS Nguyễn Trung Chính tại Hà Nội?
Anh Quân tìm đến mọi ngõ ngách của vấn đề. Thử hỏi, ngay cả việc đi tìm thân nhân của chính mình, có ai kỹ càng và trăn trở hơn anh Quân trong vụ việc này không? Có một tiếng gọi thiêng liêng, một sứ mệnh cao cả mà anh cùng cộng sự đang thực hiện. Chứng lý rõ ràng, văn bản cụ thể. Anh đi từ tấm giấy báo tử cũ kỹ quá ít thông tin, đi sang Lào, đi vào Nghệ An, đi lên Chính phủ, đi về các bản làng hoang vu tìm nhân chứng. Chỉ tiếc một nhẽ, thời gian đằng đẵng, vấn đề của lịch sử và chiến tranh trong thời gian khó đó không dễ gì minh định được. Và sai sót, nếu có cũng là thứ chẳng ai muốn nó diễn ra. Sự ngộ nhận giả dụ có từ phía anh Vũ Tiến Quân hoặc từ phía cơ quan hữu trách tỉnh Nghệ An, nếu có thì cũng chẳng có gì khó hiểu trong trường hợp phức tạp như thế này. Đó là câu chuyện của lịch sử, của một giai đoạn gian khó mà quật cường, thời kỳ mà, ở đó, nhân cách người trai thời sơn hà nguy biến đã bừng sáng.
Mỗi bên đều đưa ra cái chứng lý của mình, nhưng có một cái lý lớn nhất để anh Vũ Tiến Quân đi “Tìm Chính về cho mẹ” Mùi Thị Dậu ở bản Sao Tua, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu kia, ấy là sự tử tế. Anh đau nỗi đau của bà mẹ mất con, cả một đời ngóng ra đầu núi để chờ con trở về trong một sự thần kỳ nào đó. Đến trước khi về trời, mẹ Dậu vẫn ngước đôi mắt đục lờ giàn giụa của mình lên đầu núi mà đăm đắm: “Tìm Chính về cho mẹ”. Anh Vũ Tiến Quân đã kiêu hãnh đi tìm bằng ra sự thật, đi đến ngõ ngách của vấn đề. Ai đó bảo, sự thật anh đưa ra cũng chỉ là một bằng chứng để trọng tài lương tâm và lý trí phán xét. Anh thì chắc nịch, sự thật chỉ có một và người ta đang tìm cách lấp liếm. Câu trả lời trung thực của nhà chức trách còn ở phía trước. Mọi sai sót, hồ đồ vào lúc này đều là có tội với anh linh các Bà Mẹ VNAH như mẹ núi Mùi Thị Dậu, là có tội với các liệt sĩ đã vong thân để vệ quốc như Mùi Văn Chính, Nguyễn Trung Chính.
Sau 17 năm phụng dưỡng, Mẹ VNAH Mùi Thị Dậu tiếp tục được thờ ngay tại KS Công đoàn Sơn La.

 

Liệt sĩ Mùi Văn Chính trên ban thờ do anh Quân xây dựng và thờ cúng tại KS Công đoàn Sơn La.
LS Mùi Văn Chính, ngoài cùng bên trái, được anh Quân tổ chức thờ rất trang trọng.

Đến giờ, trong vụ này, dẫu qua bao đôi co, vẫn chưa có hồi kết có hậu nào. Chỉ có một điều chắc chắn, sự tử tế của anh Vũ Tiến Quân là có thật. Khi được hỏi, điều gì ám ảnh anh nhất sau hơn 20 năm gắn bó với câu chuyện “Tìm Chính về cho mẹ”; anh Quân lặng người đi rất lâu, với chiêm nghiệm bất ngờ. Không làm sao có thể lý giải nổi sự thật đó. Rằng năm 2013, Mẹ VNAH Mùi Thị Dậu khuất núi, anh Quân sững sờ nhận ra: Mẹ đẻ anh và mẹ Dậu cùng một ngày giỗ! Giờ đây, sau nhiều năm tìm hiểu, nhóm PV Báo Lao Động rất muốn được kêu gọi: Những ai từng cất bốc hoặc biết về sự cất bốc hài cốt LS tên là “Chính” ở Nghĩa trang Anh Sơn, Nghệ An thì xin cho anh Vũ Tiến Quân được biết theo số điện thoại: 0913252128. Biết đâu, cuộc điện thoại của quý vị lại giúp cho hai gia đình LS cùng tìm thấy thân nhân đích thực của mình. Nó cũng sẽ giúp anh Quân trả món nợ xanh ngời tình nghĩa với người mẹ huyền thoại Mùi Thị Dậu.

Lãng Quân
TIN LIÊN QUAN

Công đoàn các cấp tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ

NHÓM PHÓNG VIÊN |

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2017), công đoàn các cấp đã đến thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ trên khắp cả nước. Dịp này, Tổng LĐLĐVN phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa khánh thành giai đoạn I Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Ngày đoàn tụ không quên

Nhiệt Băng |

Ngày 14 và 15.7.2017, hòa trong không khí kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2017), công trình Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma (bắc bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa) do Tổng LĐLĐ VN kêu gọi quyên góp kinh phí đầu tư xây dựng chính thức khánh thành giai đoạn I. Hằn trong ký ức của những người cha, người mẹ, người con... hằng ngày vẫn đau đáu bên cánh cửa đợi trông, mong các anh về tụ họp. Nỗi đau ấy, niềm thương nhớ ấy vẫn đeo đuổi ngày đêm không thể xóa nhòa. Và nay, họ được đoàn tụ với thân nhân mình.

Hướng tới 70 năm Ngày thương binh, liệt sĩ: Trọn vẹn nghĩa tình

TRẦN VƯƠNG |

Nhằm tôn vinh, tri ân với các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, những người đã cống hiến xương máu, hy sinh tính mạng để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, hàng loạt các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ đã và đang được tổ chức trên khắp cả nước.

Đề nghị dừng hoạt động Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam

KHÁNH AN |

Bộ Thông tin và Truyền Thông vừa có văn bản đề nghị dừng hoạt động của Tạp chí Môi trường và Đô thị.

Hiệu trưởng nói nam sinh trong clip Long Biên chỉ lên an ủi vì cô giáo đang buồn

KHÁNH AN |

Hà Nội - Trường THPT Thạch Bàn (quận Long Biên) đã tạm đình chỉ giáo viên có hành động thân mật với học sinh ở trong lớp học.

Kiểm điểm Hiệu trưởng để xảy ra "tai tiếng" thu chi ở trường

Hoài Phương |

Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu Sở GDĐT kiểm điểm trách nhiệm Hiệu trưởng các trường để xảy ra vi phạm thu chi vào đầu năm học, gây bức xúc trong dư luận.

Công đoàn hỗ trợ vé máy bay cho đoàn viên về quê đón Tết

Hà Anh |

Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

CLB Nam Định hòa đội Thái Lan tại Cúp C2 châu Á

NHÓM PV |

Câu lạc bộ Nam Định có thêm 1 điểm sau trận hòa 0-0 trước Bangkok United ở lượt trận thứ 2 tại Cúp C2 châu Á 2024-2025 tối 2.10.