Nến xanh lấp lánh

Vũ Thị Huyền Trang |

Mưa xuân lất phất bên cửa sổ. Tiếng mưa lẫn trong tiếng của mầm non lộc biếc nẩy nở trong đêm. Cơn gió dường như đang cố rút chút se lạnh cuối cùng tỏa ra ngoài để chuẩn bị cho những ngày xuân ấm áp. Du ngồi một mình bên cửa sổ, ấm trà đã cạn từ lâu.

Trời đã về khuya, vài tiếng ho khan đâu đó vọng lại trong đêm khiến lòng người càng thêm buồn bã. Du ước gì năm vừa qua chỉ là một giấc mơ. Trắng tay rồi, lồng ngực anh nhói lên khi nghĩ đến hoàn cảnh thực tại của mình. Cuối năm người ta mải mê sắm sửa đào, quất, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa. Người ta tính chuyện sẽ đi đâu chơi? Mặc gì cho đẹp? Ăn gì cho ngon? Giờ này năm ngoái trong nhà Du đã tràn đầy không khí Tết. Mẹ ở quê gửi xuống nào gà nào bánh. Vợ Du là Yên hẳn đã đi chợ hoa mấy bận mà vẫn thấy cần thêm chậu cúc chỗ này, chậu mai chỗ kia.

Yên sẽ đứng trước tủ đồ của chồng con mình lọc những món cũ vứt đi. Sẽ bắc ghế trèo lên tự tay mình lau từng thanh sắt trên khung cửa sổ. Hí hoáy ghi chép gì đó trên mấy tờ lịch cuối cùng. Hỏi Du có cần mua quà biếu tặng người này người kia hay không? Đêm khuya vẫn còn ngắm nghía vuốt phẳng phiu bộ đồ mới mua cho người thân. Thỉnh thoảng quay sang Du hỏi: Anh thấy cái áo này em mua cho mẹ có đẹp không? Bộ này để mặc đi chùa đầu năm, còn bộ này mặc đi chơi Tết.

Du gập đống sổ sách giấy tờ, thả người xuống chăn ấm đệm êm giục Yên khuya rồi, ngủ thôi. Cuối năm nào trời cũng mưa xuân thế này. Nhưng năm nay sao tiếng mưa hắt vào cửa kính, nhẹ thôi mà nghe như tiếng vỡ òa...

- Khuya rồi, anh vào nằm với mấy mẹ con em đi.

- Anh nằm không ngủ được, sợ trằn trọc lại mất giấc mẹ con em. Em không ngủ tiếp đi dậy làm gì, lạnh đấy!

- Hay em pha cho anh ấm trà khác nhé! Cũng đã lâu rồi vợ chồng mình không uống trà cùng nhau.

- Phải! Cũng đã lâu rồi...

Ký ức xưa lại chập chờn hiện về trong tâm trí Du. Những ngày hai vợ chồng mới cưới còn ở thuê trong một khu trọ nhỏ trên phố Thái Thịnh. Căn phòng rộng chừng mười mét vuông, đồ đạc sơ sài không có gì quý giá. Hai vợ chồng sáng đi làm chiều tối tạt qua chợ mua đồ về nấu nướng cùng nhau. Cơm canh đạm bạc nhưng luôn tràn ngập tiếng cười.

Tối nào hai vợ chồng cũng ngồi uống trà cùng nhau hàn huyên đủ thứ chuyện trên đời. Yên giỏi nhất là vẽ chuyện tương lai, kiểu như “sau này có tiền tụi mình sẽ đi chơi. Em muốn đến thăm thị trấn Walnut Grove trong phim “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”. Đi ngắm mùa thu vàng nước Nga. Đến thảo nguyên Hulun Buir, Nội Mông Cổ chỉ để ngủ một giấc đã đời”.

Yên ngồi tựa vào vai Du, có thể nói hàng giờ về những vùng đất mà mình muốn đến. Sau này vợ chồng Du từng nhiều lần đổi chỗ ở rộng rãi hơn sau khi hai đứa con lần lượt ra đời. Tuy vất vả mưu sinh vì gánh nặng cơm áo gạo tiền nhưng tụi Du vẫn giữ thói quen ngồi cùng nhau lúc cuối ngày. Trà có thể nóng có thể nguội. Có thể đắng có thể ngọt. Có thể được pha bằng loại trà đắt tiền hoặc rẻ tiền. Có thể là trà hoa cúc hay hoa hồng. Trà dường như chỉ là thứ yếu, cái quan trọng là gìn giữ một thói quen cần có nhau.

- Em vẫn chưa kịp mua trà mới. Anh uống tạm.

- Đây là trà vườn nhà mẹ gửi xuống tháng trước đúng không?

- Vâng. Em buộc kỹ, thấy vẫn còn thơm lắm. Không biết giờ này ở quê mẹ đã ngủ chưa? Tuổi già vẫn thường hay mất ngủ.

- Nhẽ ra tuổi này mẹ phải được nghỉ ngơi không phải nghĩ ngợi gì. Đằng này...

- Hôm qua mẹ điện lên hỏi bao giờ thì vợ chồng mình giao nhà cho người ta?

Du bỗng lặng người đi, ngụm trà trong miệng tan ra đắng ngắt. Vị đắng ngấm dần loang ra khắp khoang miệng. Chỉ ngày mai nữa thôi, căn nhà này sẽ không còn thuộc về vợ chồng anh. Anh bắt buộc phải bán nó đi để trả nợ cho khoản vay đầu tư chứng khoán bị thua lỗ trong năm. Du không còn lựa chọn nào khác để có thể giữ lại căn nhà này cho vợ con mình. Nhiều đêm nay cứ nhắm mắt lại là bảng điện xanh đỏ lại hiện lên.

Những cây nến đỏ vươn dài, cao vút chọc thủng cả giấc mơ. Những đợt thị trường sụt giảm nối tiếp nhau đằng đẵng cả năm trời. Đáy sau thấp hơn đáy trước. Thị trường bủa vây người đầu tư bằng tin đồn, tăng lãi suất, lạm phát và những tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tài khoản của Du ngày càng “xa bờ”. Mỗi lần công ty chứng khoán siết margin là Du lại tìm cách xoay xở khắp nơi. Nhưng càng cố vay mượn gỡ gạc thì càng lỗ nặng. Sự cố chấp đã khiến Du khốn khổ.

Vì không muốn chồng mình bị giày vò thêm nữa, Yên nói: “Tụi mình bán nhà, trả hết nợ nần. Anh xóa App đi, bỏ tài khoản đó một, hai năm rồi cũng về bờ. Coi như mua tích sản, lo gì. Sức khỏe là quan trọng, anh cứ thế này nhỡ đổ bệnh thì sao?”.

Yên nhấp một ngụm trà, đưa mắt chầm chậm nhìn khắp căn nhà. Đồ đạc đã được thu dọn hết lúc chiều, cũng không có gì nhiều để mang đi ngoài mấy món đồ gắn bó với các con. Yên nhớ hôm chuyển về đây cũng vào những ngày cuối năm thế này. Dù hai vợ chồng đã vét sạch những đồng cuối cùng để mua nhà mà Tết ấy không thấy năm nào đủ đầy bằng. Một cái Tết được gom góp bằng tình yêu thương của gia đình và bạn bè, đồng nghiệp không thiếu một thứ gì. Người cho quất cho đào. Người cho thịt kèm vài cặp bánh chưng nóng hổi. Người tặng bát đũa, nồi xoong.

Ở trên quê mẹ gửi xuống thùng to, thùng nhỏ. Đó là cái Tết đầu tiên cả nhà ở lại thành phố trong đêm giao thừa. Yên nấu một nồi nước lá xông nhà, hương của lá bưởi lá mùi, vỏ chanh, củ sả tỏa ra thơm nức. Hai vợ chồng vui quá không làm sao ngủ được thức uống trà đến sáng. Ai từng trải qua quãng đời ở trọ chật chội và mông lung mới thấu hiểu niềm hạnh phúc khi có được căn nhà của riêng mình. Yên chăm chút từng góc nhỏ trong nhà bằng sự kiêu hãnh của một người đàn bà xây tổ ấm. Chị từng tuyên bố: “Căn bếp này là thế giới của em” để thỏa sức bày biện với sắc màu, gia vị. Không gì hạnh phúc bằng mỗi lần đi học về các con chạy ùa vào bếp, hít hà hỏi: “Mẹ nấu món gì mà thơm thế? Chiếc bụng con đang kêu đói rồi này”.

- Anh nhớ em từng nói biểu tượng tự do của một người đàn bà trong mỗi ngôi nhà là có thể thu vén nó theo cách của mình. Sơn màu tường mà mình thích. Trồng loài hoa mình yêu. Nấu mặn nhạt thế nào không có người chê bai. Ngâm mình hàng giờ trong bồn tắm nghe nhạc không có ai càm ràm. Có thể nằm khỏa thân đọc sách trong những ngày thấy yêu bản thân mình quá đỗi. Vậy mà, chỉ ngày mai thôi, tất cả những điều đó em sẽ không có được. Đều do anh tham quá...

- Chúng ta có quyền mắc sai lầm. Anh đừng tự giày vò mình mãi nữa. Em biết anh cũng là mong mỏi kiếm được nhiều tiền lo cho mẹ con em tốt hơn thôi. Xui rủi chẳng may, ở đời ai mà tránh được. Hơn nữa năm nay khó khăn chung, mọi người ngoài kia cũng chẳng dễ dàng gì. Chẳng phải chúng ta từng trải qua những ngày dịch bệnh khó khăn, khi ấy chỉ cần nhìn thấy nhau là đủ.

- Nhưng anh không biết khi nào mới có thể mua lại cho mẹ con em một căn nhà khác. Trong anh lúc này mọi thứ quá mông lung.

- Đường dài không nên nghĩ xa xôi. Cứ đi rồi khắc tới...

Yên bật một bản nhạc không lời, tựa vào vai chồng ngắm hoa mận rừng âm thầm nở trong đêm. Cành mận này chiều qua Yên mua nó ở chợ hoa thành phố. Nên từ biệt căn nhà mình từng gắn bó một cách tử tế nhất đúng không? Suốt chặng đường đèo cành mận rừng về nhà nước mắt Yên không thể ngừng rơi. Nhưng chị không muốn chồng thấy mình buồn. Hít một hơi thật sâu, Yên đẩy cửa bước vào nhà hỏi anh ơi nên cắm cành mận vào bình nào? Nên đặt chỗ này hay chỗ kia? Trông xù xì rêu phong thế này thôi chứ lúc bung hoa nhìn mê lắm! Du nhìn vợ lúi húi đã ước gì Yên cứ trách móc vài câu có khi anh còn thấy dễ chịu hơn.

Hai đứa nhỏ cũng tỏ ra hiểu chuyện. Chúng thôi không còn lẽo đẽo theo chân Yên khắp nhà chỉ để hỏi một câu: Sao mình lại bán nhà? Chúng ít nói cười hơn, chỉ xin mẹ được mang theo con mèo và mấy chậu cây nhỏ trồng trên sân thượng. Lúc dọn đồ đạc Yên không dám ngẩng lên vì sợ chạm vào mắt trẻ thơ. Chỗ này tụi nhỏ hay ngồi chơi đồ hàng, bó que mốt que mai còn thiếu đâu chưa tìm thấy đủ. Chỗ này những ngày lạnh cả nhà nằm co quắp lấy nhau xem chung một bộ phim. Tụi nhỏ ăn bắp rang bơ đánh rơi, sáng hôm sau lũ kiến tìm vào đen đỏ.

Sân thượng là nơi nhiều kỷ niệm trong nhà. Nơi chiều nào buông cặp sách khỏi tay bé Mun cũng chạy như bay trên những bậc cầu thang, mở cửa sân thượng cho gió ùa vào nhà. Bỏ mặc lời Yên nói với theo: “Đi chậm thôi không ngã con ơi”. Mun còn mải cúi xuống ngắm nhìn nắm hạt đỗ đã kịp nhú mầm dưới lớp đất trộn mùn cưa. “Kỳ diệu lắm mẹ ơi” - bé Sóc thường nói thế khi ươm thành công một hạt mầm nào đó. Khi thấy dây dưa hấu hôm nào đã ra những quả to như chú lợn con. Khi thấy cây hoa hồng tưởng đã chết khô bỗng mùa xuân nẩy ra lộc biếc.

- Con ước gì có thể mang theo cả thế giới diệu kiỳ này mẹ ạ!

- Con biết không, thật ra sự diệu kỳ không nằm ở nơi đây. Sự diệu kỳ nằm trong bàn tay và tâm hồn của các con. Dù đi đến bất cứ đâu các con cũng có thể gieo lên điều kỳ diệu.

Yên ôm chặt các con vào lòng. Những lời chị nói với con cũng là đang tự nói với chính lòng mình. Cũng không thể chần chừ được hơn. Chủ nhà mới đã chọn ngày lành. Họ giống vợ chồng Yên ngày xưa, đều muốn được đón Tết trong căn nhà mới. Dù luyến tiếc đến mấy thì cũng đã đến lúc phải rời đi. Căn nhà mới thuê không xa nơi đây là mấy. Yên cũng đã dọn dẹp qua hẹn chủ nhà sẽ sớm chuyển đồ đạc đến. Lúc Du đang lúi húi khuân đồ ra xe thì điện thoại reo. Anh nhận cuộc gọi video từ mẹ, thấy sân nhà thân thuộc hiện ra. Tiếng mẹ đuổi đàn gà không cho chạy vào sân. Tiếng chó sủa đâu đó văng vẳng ngoài hàng rào. Tiếng chú mèo quấn chân chủ kêu meo meo. Mẹ bảo:

- Du à. Đồ đạc đã xong hết chưa con? Chỗ ở mới có rộng rãi không?

- Mọi chuyện cũng ổn ạ! Mẹ đừng lo.

- Xong việc nhớ đưa các cháu về quê sớm. Không phải mua bán gì cả. Ở nhà mẹ chuẩn bị đủ đầy rồi. Con có nghe thấy tiếng lợn kêu không? Nhà anh Thung hàng xóm đang mổ lợn Tết đấy. Mẹ ăn đụng một đùi. Bánh chưng thì gói chung với nhà chị Nhị. Con nhìn thấy đào nhà mình nở có đẹp không này?

- Đẹp lắm mẹ ạ!

- Thôi không phải nghĩ ngợi gì. Cứ về nhà là vui con à! Ấy thôi chết, mẹ quên nồi mứt táo đang ngào trong bếp. Món này cháu nội và con dâu đều thích. Thế con nhé, mẹ phải đảo mứt không cháy mất.

Du trút tiếng thở dài, vịn cầu thang đứng dậy. Anh nhắc các con nhanh xuống xe không muộn. Thằng Sóc còn bận chia một nửa hạt giống hoa để lại cho chủ nhà mới, chẳng cần biết họ có cần đến nó hay không. Bé Mun lưỡng lự một lúc liền để chậu hoa nhài ở lại “làm bạn với ngôi nhà”. Du ngoảnh nhìn lần nữa miếng decal đo chiều cao của con dán ở chiếu nghỉ cầu thang. Anh với tay gỡ bức tranh con gái vẽ xuống mang theo.

Chủ mới đến nhận chìa khóa nhà vừa kịp lúc vợ chồng Du đã xong xuôi đồ đạc. Yên pha một ấm trà cuối cùng trong căn nhà thực ra đã thuộc về người khác. Du dặn anh chủ nhà mới thường xuyên dọn lá khô trên sân thượng tránh ngày mưa tắc ống, nước tràn vào nhà. Yên chỉ chị vợ cách chăm sóc mấy thùng rau để lại. Chậu dưa lê xanh đang ra quả đợt hai. Yên bảo: “Trồng giống này đừng cố chấp. Phải bón lót kỹ cho đất sau này cây mới không èo uột. Cần bấm bỏ thân chính để nuôi chèo. Nếu ra trái nhiều cần tuyển quả. Để cây đủ chất nuôi quả mới to được”.

Mun lôi từ trong ba lô con búp bê mặc váy bảy màu đưa cho người bạn nhỏ mới quen. Mun dẫn bạn chạy quanh khắp căn nhà giới thiệu: Phòng này là của tớ; phòng này để học đàn, đọc sách; chỗ này con mèo hay nằm ngủ. Nó không quên ghé tai bạn thì thầm: “Nhà này bà tiên răng rất hay ghé đến. Thật đấy, nếu cậu không tin thì nhổ răng xong đặt chiếc răng dưới gối là sáng hôm sau sẽ thấy quà của bà tiên để lại”.

***

Nhà mới thuê nằm cuối con ngõ nhỏ. Cổng nhà có giàn hoa giấy nở đỏ tươi, bé Mun nói “như cổ tích mẹ ơi”. Sóc ì ạch bê từng chậu cây nhỏ vào nhà. Lúi húi dựng căn lều cho con mèo nhỏ. Du không còn thời gian để buồn phiền. Thứ gì mất cũng đã mất rồi. Du nhìn vào nụ cười trên môi các con mà cố gắng. Quét lại mảng tường này, sửa sang lại chỗ kia. Tiếng máy hàn, máy khoan ầm ĩ khắp căn nhà. Trong chiếc bình gốm nhỏ mang từ nhà cũ sang, Yên cắm vào những đóa cúc vàng. Từng bông hoa lặng lẽ nở canh nhà vào những ngày vắng chủ. Để căn nhà bớt đi cái lạnh lẽo, cô đơn khi ngoài kia là đầm ấm sum vầy.

Dọn dẹp sắp xếp xong xuôi, cả nhà thắp hương rồi vội vã về quê. Sau một hồi tắc đường cuối cùng xe cũng đã trôi ra ngoài thành phố. Yên nắm lấy tay chồng thủ thỉ: “Tụi mình hãy bỏ hết âu lo lại nơi này”. Hai đứa nhỏ đã ngủ ngon lành tự lúc nào. Bác tài bật một bài hát xuân với âm lượng nhỏ vừa đủ để nôn nao. Bà cụ ngồi hàng ghế đối diện cứ thỉnh thoảng lại hỏi: Xe đi đến đâu rồi bác tài ơi? Còn bao nhiêu cây nữa thì về đến ngã ba cây gạo nhỉ? Rồi bà quay sang kể với người bên cạnh:

- Tôi mới xuống thăm vợ chồng thằng cả dưới thành phố. Xe cộ ngày Tết chao ôi là cực.

- Sao Tết nhất con cháu không về quê mà để bà già cả phải lặn lội ngược xuôi thế ạ?

- Khổ! Thằng con tôi bị tai nạn giao thông. Nó bảo mẹ không phải xuống, khỏe lại con sẽ về. Nhưng tôi không yên tâm nên xuống thăm, tiện mang mấy con gà, đôi cặp bánh cho các con ăn Tết. Mình còn khỏe còn đi được. Sau này yếu nằm đâu nằm đấy có khi lại nhớ những ngày này đấy cháu.

Phía cuối xe người đàn ông nào đó đang gọi điện bảo con: “Bố sắp về đến nhà rồi. Có! Bố có mua đồ chơi đẹp cho con. Mua cả quần áo mới cho mẹ nữa này. Đợi bố về cả nhà cùng ăn cơm cún nhé”.

Chiều quê dần hiện ra trước mắt. Đâu đó những cột khói mang theo hồn bếp lên trời. Mẹ già đứng chờ sẵn ở cổng tự lúc nào. Hai đứa nhỏ chạy ùa vào lòng bà sau bao ngày xa cách. Giàn gấc đỏ au treo lủng lẳng như những chiếc đèn lồng ngoài cổng. Du nhìn dáng mẹ tất tưởi đi phía trước huơ tay đuổi đàn gà chợt thấy lòng bình yên đến lạ. Thơ ấu hay lớn khôn, thành công hay thất bại thì nhà mẹ vẫn luôn ở đây chờ đợi anh về.

Nước giếng trong đây anh vục tay rửa mặt. Chiếc võng sau bếp anh đong đưa ký ức chập chờn. Cá dưới ao, rau trong vườn thứ gì cũng sẵn. Mâm cơm chỉ cần bát cà muối, nồi tép kho tương, mấy lát khế xào tôm mà đủ đầy đầm ấm. Lúc ngồi cạy vầng cháy đít nồi chia cho con cháu, mẹ cười bảo: “Hệt như những ngày xưa. Nhiều tiền thì tốt, ít tiền cũng chẳng sao. Lúc nào cũng sống khỏe, sống vui là nhất các con à”.

Yên ngửi thấy mùi của hoa đào lặng lẽ luồn trong gió. Tết ở quê xôn xao một cách rất bình yên. Nằm trong căn phòng nhỏ lẹt kẹt tiếng mọt kêu, chị lắng nghe mùa xuân cựa mình trong đêm vắng. Yên thao thức nhớ về căn nhà trọ mà chị còn chưa kịp quen chăn gối mới mua. Yên định quay sang hỏi chồng không biết cành mận rừng ở ngôi nhà cũ đã nở hoa hết chưa? Nhưng đã thấy anh ngủ tự lúc nào. Du mơ thấy những cây nến màu xanh lấp lánh trên bảng điện. Từng cây nến biết đâm chồi nảy lộc tươi non sau những ngày đông giá...

Vũ Thị Huyền Trang
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Tết của Hạnh Phúc

Ngô Đức Quang |

Thằng Phúc làm nghề chạy xe ôm còn vợ nó là công nhân may. Thời buổi công nghệ hiện đại mấy nghề nó làm chịu nhiều thua thiệt. Xe người ta đi xe công nghệ với taxi hết. Những nơi đông khách như bến xe, nhà ga thì địa bàn đã có người bao trùm hết cả dễ gì chen chân vào. Mấy người như nó chạy lẻ tẻ khi được ít đồng khi ngồi bơ.

Truyện ngắn dự thi: Nụ cười

Ý Thu |

Chiều.

Buổi chiều hiếm hoi Ngân cho phép mình rảnh rỗi. Cô ngồi bên hiên cửa, cuốn sách cầm trên tay chưa vội giở. Mắt Ngân nhìn chăm chú vào khoảng vườn bên cạnh đầu hồi. Lũ chim có gì mà vui đến thế! Chúng nhảy nhót chuyền từ cành nọ sang cành kia. Hình như trên cây mít có một gia đình nhà chim, chim bố, chim mẹ đang dạy lũ chim con tập bay. Tiếng chích chi, líu ríu cứ vang lên không ngớt. Ngân chợt nghĩ đến mình. Trước đây gia đình Ngân cũng vui như thế. Bà nội, bố, mẹ và cậu em trai kém Ngân tận mười tuổi. Giờ thì chỉ còn Ngân và bà. Ngôi nhà từ ba năm trước đã không còn tiếng cười vui, đứng buồn tênh, bạc màu theo mưa nắng tháng năm.

Truyện ngắn dự thi: Thợ gầm

Bùi nguyên Ngọc |

Tôi rời làng quê lên thành phố làm thợ. Không biết run rủi thế nào lại chọn đúng cái nghề thợ gầm (thợ gầm là cái tên dân dã chúng tôi thường gọi). Tổ thợ chúng tôi có ba người: Tôi, bác Đạt, cậu Chiến. Bác Đạt hơn tuổi tôi gần một con giáp, cậu Chiến là người ít tuổi nhất. Cái tên Chiến là do ông bố đặt, khi cậu được sinh ra sau chiến tranh. Ông bố đặt tên Chiến, chắc là để nhớ đến những tháng ngày chiến đấu ở mặt trận phía nam.

Su-25 Nga nhả tên lửa chặn đứng quân Ukraina ở Kursk

Song Minh |

Phi hành đoàn máy bay Su-25 của Nga chặn đứng việc luân chuyển quân Ukraina ở khu vực biên giới tỉnh Kursk.

Bắc Ninh triển khai khu công nghệ thông tin tập trung 274ha

Vân Trường |

Khu công nghệ thông tin tập trung tỉnh Bắc Ninh dự kiến rộng 274ha. Quy mô về số lượng lao động, chuyên gia dự kiến khoảng 20.000 người.

Xót xa những vườn đào Tết bị phá hoại, thiệt hại cả tỉ đồng

Quỳnh Trang - Hương Giang |

Gần 300 gốc đào bích chuẩn bị bán Tết có giá trị hàng triệu đồng mỗi cây của người dân tại Hà Nội đã bị kẻ gian dùng dao chặt cành, phá hoại.

Thủ phạm phá hoại Nord Stream "gieo gió gặt bão"

Ngọc Vân |

Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) cho rằng đường ống dẫn khí Nord Stream bị phá hoại là để chia rẽ châu Âu.

Siêu bão Milton mạnh nhất năm lại tăng cấp, hôm nay đổ bộ

Thanh Hà |

Siêu bão Milton - siêu bão mạnh nhất hành tinh năm 2024 - đã tăng trở lại cấp 5 vào tối 8.10.