Không phải ngẫu nhiên mà nhiều lần trong những cuộc gặp ngoại giao trọng thể, các nhà lãnh đạo của nước Mỹ đã trích dẫn Truyện Kiều như một cách tỏ lòng kính phục đất nước Việt Nam và bắc nhịp cầu kết nối hai dân tộc. Các sáng tác của Nguyễn Du chứa đựng tầng tầng lớp lớp những giá trị chung của nhân loại, những giá trị muôn đời, khơi nguồn cho những cuộc đào sâu và tìm hiểu bất tận.
"Mỹ học của Nguyễn Du" là một tác phẩm nghiên cứu văn học giá trị, cũng là những trang văn đẹp dành cho những người yêu ngôn ngữ và văn hóa, hay rộng hơn là những người yêu cái đẹp. Kỷ niệm tháng sinh nhật của đại thi hào Nguyễn Du và nhân dịp “ngày Xuân con én đưa thoi”, chúng ta hãy cùng khám phá lại tài sản tinh thần vô giá thấm đẫm cái hồn của dân tộc mình.
"Mỹ học của Nguyễn Du" tìm hiểu quan niệm của nhà thơ đối với cái đẹp, thông qua khảo sát các tác phẩm của đại thi hào, bao gồm Truyện Kiều và những bài thơ chữ Hán của ông. Thi phẩm nào cũng toát lên một tâm hồn tha thiết hướng về cái đẹp, trân trọng và tôn vinh cái đẹp của thiên nhiên cũng như của con người. Điều này được giáo sư Lê Ngọc Trà phân tích cặn kẽ và có những kiến giải sâu sắc.
Trước tiên, giáo sư tìm hiểu tình yêu cái đẹp của Nguyễn Du đối với thiên nhiên. Bạn đọc Việt Nam đã rất quen với những câu thơ tả cảnh tuyệt đẹp trong Truyện Kiều, từ cảnh mùa xuân tinh khôi “cành lê trắng điểm một vài bông hoa”, sắc hoa lựu đêm hè “đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”, hay bóng trời trong nước “thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”. Khác với người Nhật, vốn ưa thích vẻ đẹp của cái thô mộc, thị hiếu thẩm mỹ của Nguyễn Du và người Việt hướng về sự tươi sáng, rực rỡ và đa dạng. Tấm lòng yêu cái đẹp của nhà thơ khiến ông nhìn đâu cũng thấy cảnh đẹp, dùng ngòi bút phả hồn vào cảnh sắc.
Hình tượng nhân vật trong Truyện Kiều lại càng thể hiện rõ sự yêu mến của Nguyễn Du dành cho cái đẹp. Ông đã mô tả các nhân vật của mình bằng tất cả sự ưu ái và ngôn ngữ ước lệ trân trọng. Kim Trọng “phong tư tài mạo tót vời”, Từ Hải “râu hùm hàm én mày ngài”, Thúy Vân “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”... và đặc biệt là Thúy Kiều. Bên cạnh vẻ đẹp hình thể, Nguyễn Du còn tán dương vẻ đẹp của tài năng, khi sắc và tài luôn đi đôi ở các nhân vật mà ông quý trọng. Cầm nghệ “phím đàn dìu dặt tay tiên” và tài làm thơ “tay tiên gió táp mưa sa” của Kiều là vẻ đẹp được cảm thấy bằng tất cả các giác quan và cảm xúc.
Không dừng lại ở đó, cái tài của Kiều còn đi đôi với cái tình, một tấm lòng thiết tha với cuộc sống, hết lòng thương người và say đắm trong tình yêu. Sự việc “đầm đầm châu sa” trước mộ Đạm Tiên và tiếng đàn nghe như “bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay” của Kiều chứng tỏ một tâm hồn giàu tình cảm mãnh liệt.
Phẩm chất của Kiều còn tỏa sáng bằng hành động bán mình chuộc cha, bằng nỗi buồn khi nhân phẩm bị chà đạp, bằng lương tri luôn dằn vặt suốt cuộc đời “thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”. Cái tình, cái tài, cái sắc được đặt trong quan hệ chặt chẽ với nhân cách. Cái đẹp gắn với cái tâm, cái thiện.
Qua sự phân tích thấu đáo và cụ thể của giáo sư Lê Ngọc Trà, ta thấy tâm hồn nghệ sĩ của Nguyễn Du hướng tới cái đẹp phong phú của cả thiên nhiên và con người, cái đẹp là sự hoàn thiện về cả hình thức lẫn nội tâm, cái đẹp phải đặt trên nền tảng cái tốt, cái đúng. Quan niệm thẩm mỹ của ông vừa kế thừa thẩm mỹ dân gian và văn học bác học, lại có những nét mới mang đậm tính nhân văn. Những nhận định này khái quát được cả gia tài tác phẩm của Nguyễn Du, thể hiện sự sắc sảo và uyên thâm của nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà.