“’Đi phượt’ bằng xe máy là một cách tuyệt vời, mạo hiểm nhưng chân thực và gần gũi nhất để khám phá Việt Nam. Nó giúp bạn gặp gỡ với người dân ở nhiều nơi, với những âm thanh và mùi vị xung quanh bạn theo cách mà không hình thức giao thông nào khác làm được” - đó là chia sẻ của Nick Samson, một phượt thủ cũng là chủ một công ty du lịch bằng motor ở Đà Lạt, khi mô tả trải nghiệm “phượt” bằng xe máy trên những cung đường từ Bắc chí Nam của anh và những du khách nước ngoài.
Quả thật, các tour du lịch bằng xe máy dành cho Nick và những du khách ngoại quốc phát triển mạnh mẽ một thời ở Việt Nam trước dịch COVID-19. Các công ty lữ hành từng cung cấp hàng nghìn chuyến tham quan bằng xe máy mỗi năm cho du khách. Nhưng đến nay, nhiều công ty phải đóng cửa, một số khác chỉ cầm cự được vài chuyến trong cả năm, vào mỗi đợt được nới lỏng giãn cách, dịch bệnh được kiểm soát.
Nhu cầu bùng nổ trước đại dịch
Theo SCMP, trước khi đại dịch xảy ra, Offroad Việt Nam - công ty cung cấp dịch vụ du lịch và cho thuê xe máy có trụ sở tại Hà Nội của anh Vũ Anh đã phát triển rầm rộ, thu hút tới hơn 100 nhóm du khách trên khắp Việt Nam mỗi năm. Một số khách hàng của Offroad Việt Nam là những người thích phiêu lưu một mình, một số khác tập hợi thành nhóm 20 người từ khắp nơi trên thế giới - họ sẽ được dẫn đi dọc theo những cung đường với ngọn núi trập trùng và đa dạng sinh học, cảnh quan phong phú của quốc gia Đông Nam Á.
Vào tháng 3.2020, đại dịch bùng phát và mọi thứ bắt đầu thay đổi nhanh chóng khi du khách về nước bởi COVID-19 lan rộng. Kể từ đó, công ty của anh Vũ Anh chỉ thực hiện 4 chuyến tham quan có hướng dẫn viên. Công ty của anh chính là một điển hình của ngành công nghiệp du lịch vốn phát triển mạnh một thời nhưng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. “Trước tháng 4.2020, du lịch bùng nổ ở Việt Nam với nhiều khách hàng nước ngoài có nhu cầu khám phá Việt Nam bằng xe motor”, anh Vũ Anh nói.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trước đại dịch, năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đã tạo ra doanh thu 32,8 tỉ USD, tương đương 9,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tạo ra khoảng 2,5 triệu việc làm. Việt Nam đã đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019 nhưng đến năm 2020, con số này giảm xuống còn 3,8 triệu, trong đó, 97% là trong quý đầu tiên - một dấu hiệu cho thấy tác động nhanh chóng và đột ngột của đại dịch đối với du lịch toàn cầu.
Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hợp Quốc tiết lộ mức lương trung bình trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam giảm trung bình gần 18% và con số này thậm chí còn cao hơn đối với phụ nữ ở mức gần 23%. Sự thiếu hụt khách du lịch đã vẽ nên một bức tranh thậm chí còn ảm đạm hơn vào năm 2021 khi Việt Nam chỉ có 157.300 du khách nước ngoài.
Vũ Anh cho biết công ty của anh không có lựa chọn nào khác ngoài việc thích nghi và nói thêm rằng anh cảm thấy may mắn vì vẫn có một số ít khách đến thuê xe motor nên anh chưa phải dừng hẳn công việc. Tuy nhiên, hầu hết hướng dẫn viên du lịch của anh đã phải nghỉ và kiếm việc làm khác. “Rất buồn là nhiều người phải chuyển sang giao hàng hoặc tài xế Grab,” anh nói.
Khi làn sóng thứ tư bùng phát vào tháng 4.2021, nó đã khiến nhiều người nước ngoài về nước hơn. “Không có đủ việc làm và nhiều người phải rời khỏi đất nước, đặc biệt là khi Việt Nam đóng cửa cả nước, xe cộ đi lại thưa thớt, không có người thuê xe và đi tour. Trong 2 năm, chúng tôi chỉ có 4 chuyến du lịch cho người nước ngoài. Có lúc, người dân trong nước được phép đi du lịch nhưng nhiều người không thể đi do tiết kiệm chi tiêu hoặc do sợ nhiễm virus” - anh nói và cho biết thêm, việc thuê xe chỉ bằng 50% so với trước đây.”
Nóng lòng trở lại những cung đường
Dương Văn Đông - Giám đốc Indochina Motorbike Tours, cũng từng đối mặt với những khó khăn tương tự. Anh cho biết tình hình trở nên xấu đi rất nhanh sau khi đại dịch bắt đầu, với hàng nghìn lượt hủy và những khách hàng yêu cầu hoàn tiền. Để thích ứng, họ phải giảm lương nhân viên, để một số người ra đi đồng thời đa dạng hóa các dự án kinh doanh của công ty. Một số ít chuyến du lịch mà công ty đã tổ chức cũng dành cho những người nước ngoài vẫn đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. “Nhìn chung, các tour du lịch bằng xe máy đã bị đình trệ gần 2 năm,” anh Đông nói.
Anh đang hy vọng vào chuyển biến tích cực khi Việt Nam mở cửa biên giới và mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15.3.2022, sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch ban đầu. Du khách sẽ vẫn phải xuất trình xét nghiệm âm tính với COVID-19 khi đến và trải qua quá trình kiểm dịch, cách ly một ngày trước khi khởi hành. Các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan và Philippines cũng thực hiện các biện pháp tương tự để phục hồi du lịch và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.
Nick Samson, chủ sở hữu của Vietnam Motorcycle Tours có trụ sở tại Đà Lạt, đã chuyển sang xây dựng trang web sau khi thấy công việc kinh doanh sa sút. Anh từng tổ chức các chuyến du lịch bằng xe máy theo nhóm nhỏ, “tránh các trục đường chính và các điểm du lịch càng xa càng tốt để giới thiệu cho khách hàng về trái tim thực sự của đất nước và con người nơi đây”.
Trong năm đầu tiên của đại dịch, Nick vẫn có thể duy trì thu nhập bằng việc kinh doanh phụ kiện cho dân phượt tại Việt Nam. Nhưng sang năm thứ hai với nhiều đợt phong toả toàn thành phố và cả nước hơn, nhiều yêu cầu về giãn cách xã hội hơn khiến việc kinh doanh này cũng bị đình trệ. Hiện tại, Nick đang thu hút sự chú ý của khách hàng sau khi hợp tác với một công ty của Mỹ và một công ty của Anh chuyên tổ chức các tour du lịch đến Ấn Độ đang tìm cách mở rộng sang Việt Nam.
Vũ Anh, Dương Văn Đông, Nick Samson và những người điều hành các công ty du lịch bằng motor ở Việt Nam khác đang hy vọng vào tương lai phục hồi của ngành. Họ cũng đang nóng lòng chuẩn bị cho sự trở lại của những du khách muốn ngắm nhìn Việt Nam bằng đường bộ. Nick nhận định rằng khả năng bùng phát một đợt dịch quy mô lớn khác là không thể xảy ra và mọi người đã biết cách thích ứng cho phù hợp. “Việt Nam sẽ là một nơi an toàn trong tương lai gần. Chúng tôi đã cập nhật đội xe của mình, chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ và có thể chào đón các tay đua quay trở lại những cung đường bất cứ lúc nào”.