Đi cùng với tình trạng này là các trung tâm, cửa hiệu kính thuốc mọc lên như nấm. Tuy nhiên chất lượng, xuất xứ của nhiều loại kính (cả kính áp tròng) vẫn còn là những dấu hỏi lớn và người mua chỉ biết tin vào “tư vấn” của nhân viên bán hàng khiến rước họa vào thân. Trong khi đó, cơ quan chức năng hầu như “bất lực” về vấn đề này...
Nguy hại khôn lường
Hiện nay, quản lý thị trường kính thuốc vô cùng lỏng lẻo, các cơ sở kiểm tra thị lực đồng thời bán kính thuốc mọc lên như nấm tại các đô thị. “Hàng ngày, chúng tôi tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến kiểm tra biến chứng do sử dụng kính thuốc không đúng. Việc sử dụng kính thuốc không chuẩn trong thời gian dài sẽ dẫn đến nhiều tác hại nghiêm trọng cho mắt” - một bác sĩ của Viện Mắt Quốc tế DND cho biết.
Để có thể đo mắt và kiểm tra thị lực cho khách hàng, kỹ thuật viên khúc xạ phải được đào tạo bài bản và cần có kinh nghiệm qua quá trình làm việc. Đối với các trường hợp khó như độ cận thị cao, viễn thị, loạn thị cao, cần có những kỹ thuật viên nhiều kinh nghiệm mới đo được số đo chính xác để làm kính. Bên cạnh đó, sau khi có số đo đúng, cần làm kính bảo đảm chính xác với toa kính đã được chỉ định.
Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Qua khảo sát của phóng viên, kỹ thuật đo mắt, kiểm tra thị lực tại các hiệu kính thuốc hiện nay được thực hiện tràn lan. Hầu như hiệu kính thuốc nào cũng làm được kỹ thuật này chỉ với một chiếc máy và vài chiếc bảng kiểm tra. Bước vào một hiệu kính thuốc trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy - Hà Nội), PV bất ngờ khi nhân viên đứng bán kính lại chính là người đo mắt cho mình.
Cô nhân viên rất trẻ, khoác chiếc áo màu trắng, sau khi đo độ cận thị và loạn thị xong thì tư vấn gọng kính và mắt kính với đủ loại giá cao thấp khác nhau, từ vài trăm nghìn đến tiền triệu. Và cô nhân viên cũng chính là người thực hiện cắt kính. Có nhiều trường hợp, đi khám ở vài ba cơ sở khác nhau với các kết quả khác nhau và khách hàng không biết phải theo cơ sở nào để mua kính.
Bạn Nguyễn Thị D (sinh viên trường Cao Đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội) - đang đến khám mắt ở bệnh viện Mắt TƯ cho biết: “Đây là lần thứ 4 em đi đo mắt trong năm nay. Em bị cận thị và loạn thị. Đến đo mắt ở một hiệu kính gần trường, họ cắt kính về đeo cứ thấy nhức mắt khó chịu, những lần sau nghe bạn bè giới thiệu em lại đi các hiệu khác, nhưng không thể ưng ý vì mắt cứ mờ dần dù đeo kính. Đi khám ở đây, bác sĩ bảo em đeo kính sai số và mắt kính cũng là hàng kém chất lượng nên mắt điều tiết không tốt, càng ngày càng mờ đi, bị tăng độ”.
Theo các bác sĩ, việc đo, khám mắt chính xác chưa đủ mà còn phải đo ra công thức kính đúng, kê toa kính chính xác, đúng về độ cầu, độ loạn, công suất và phải lắp kính chuẩn. Nếu đeo kính không đúng tật khúc xạ cận, viễn hoặc loạn, tác hại sẽ khôn lường. Trước mắt sẽ có các triệu chứng biểu hiện rõ như nhức mắt, nhức đầu, nhìn không rõ; tác hại lâu dài là bị nhược thị và dẫn đến lé/lác mắt.
Ông Đặng Xuân Nguyên, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, hiện nay tỉ lệ trẻ em Hà Nội mắc các bệnh về mắt càng ngày càng cao. Cụ thể, qua báo cáo tại một số đề tài khoa học thực hiện tại một số trường THCS, THPT và ĐH trên địa bàn Hà Nội cho thấy, rất nhiều lớp học có tỉ lệ học sinh, sinh viên bị cận thị lên tới hơn 50%, thậm chí có lớp tới 70%.
“Khi trẻ mắc các bệnh về mắt, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ tới các bệnh viện chuyên khoa mắt và các khoa mắt tại các bệnh viện để thực hiện việc thăm khám, điều trị, tránh tình trạng thực hiện các “mẹo” hay phương thuốc dân gian để khám và điều trị mắt bởi có thể gây ra những hệ lụy lớn về mắt cho trẻ. Trẻ em dưới 6 tuổi, đi khám mắt bắt buộc phải đến các bệnh viện” - ông Nguyên cảnh báo.
Bỏ ngỏ quản lý, mặc chiêu trò khuyến mại “câu” khách hàng
Cũng trong bối cảnh đó, ghi nhận của PV tại TPHCM, thời gian qua, hàng loạt các trung tâm, cửa hàng mắt kính đua nhau xuất hiện và tung ra đủ chiêu trò khuyến mãi rầm rộ nhằm lôi kéo khách hàng. Dọc theo các tuyến đường như Phan Văn Trị, Nguyễn Văn Nghi, Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp); đường Lê Quang Định, Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh); quận 3, quận 5, quận 12... hầu hết đều có điểm bán mắt kính.
Tại các điểm này, hàng loạt cửa hàng, trung tâm tung chiêu treo bảng giảm giá, siêu khuyến mãi, quảng cáo sản phẩm “Ở đâu rẻ hơn trả lại tiền”; “Cam kết bán giá rẻ nhất trong thành phố”; “Mắt kính giá sỉ, bảo hành 2 năm”; “Mắt kính Á Châu, bán lẻ, giá sỉ, ưu tiên học sinh, sinh viên”; “Đo mắt miễn phí, hàng chính hãng, bảo hành 2 năm, làm kính mát có độ”; “Giá chỉ bằng 50% thị trường thường”... Tuy nhiên về chất lượng của các sản phẩm mắt kính khó xác định.
Chúng tôi tìm đến một cửa hàng trên đường Phan Văn Trị, tại đây chủ một cửa hàng cho biết, kính râm thông thường và đặc biệt giá giao động từ 150.000 đồng đến 1 triệu đồng. Ngoài ra, cửa hàng còn có dịch vụ cắt kính theo nhu cầu, làm kính cận… với giá từ vài trăm đến vài triệu đồng tùy loại.
Về việc đo độ, cắt kính...., nhân viên cửa hàng này đo độ miễn phí cho khách. Tuy nhiên, nhắc đến chất lượng việc đo độ, nhân viên này cho rằng sử dụng thiết bị hiện đại nên đảm bảo độ chính xác cao?! Qua khảo sát thì hầu hết tại các trung tâm, cửa hàng mắt kính đều có trang bị những máy đo khám thị lực, thế nhưng về đội ngũ chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm thì khó xác định.
Tại một cửa hàng mắt kính khác trên đường Lê Quang Định, bà Nguyễn Thị Thu, khoảng 45 tuổi, đang tìm mua kính nói:”Nghe nhân viên cửa hàng giới thiệu tròng kính ngoại nhập vậy thì biết vậy, chứ mình đâu có chuyên môn để kiểm tra, miễn sao mua đeo vào thấy dễ chịu là được”.
Chúng tôi tìm đến một hiệu kính nằm trên đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), đây được xem là tiệm kính gia đình, được cha truyền con nối suốt mấy chục năm nay. Trước đây tiệm kính này chỉ bán kính thời trang, nhưng sau này do nhu cầu khách hàng mua kính cận, viễn ngày một nhiều nên gia đình sắm thêm máy đo mắt để đo cho khách.
Người bán mắt kính này cũng cho biết, trước đây đâu có học về kỹ thuật đo mắt, chỉ làm theo hướng dẫn khi mua máy và thực hiện riết thành quen. Về tròng kính, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hiện cửa hàng có nhiều loại tròng kính như: Tròng kính trong chống tia cực tím, loại tròng kính đen, loại tròng kính đổi màu...
Một bác sĩ công tác tại bệnh viện mắt TPHCM cho biết: “Dù kính thuốc hay kính thời trang, tròng kính là phần tác động trực tiếp, gây ảnh hưởng lên mắt. Trong khi đó, hầu hết mọi người đi mua cũng không rành lắm, nghe nhân viên cửa hàng giới thiệu lọt tai và đeo vào thấy mắt sáng thì mua, mà không biết nó có phù hợp với điều kiện mắt của mình không, và chất lượng kính đó như thế nào, đeo vào có hại mắt không. Nói chung thị trường mắt kính thuốc hiện nay dường như đang được thả nổi”.
Hiện nay, việc quản lý các cửa hàng kính thuốc đến thời điểm này vẫn còn buông lỏng và thực tế chưa thuộc quyền quản lý của Sở Y tế. Các đơn vị Sở Y tế mới chỉ tập trung quản lý các bệnh viện. Việc chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở cung cấp kính thuốc lúc này đang là vấn đề cần thiết, mang tính cấp bách, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả khôn lường và ảnh hưởng xấu tới rất nhiều người.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - bà Trần Thị Nhị Hà khẳng định, riêng với hệ thống các bệnh viện mắt đang phát triển nhanh về số lượng như hiện nay, bà Hà khẳng định, sẽ thanh, kiểm tra thường xuyên công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân. “Với 9 bệnh viện mắt ngoài công lập đang hoạt động tại Hà Nội chủ yếu tập trung ở Hoàn Kiếm, Đống Đa, đây sẽ là cuộc cạnh tranh khốc liệt để thu hút bệnh nhân, do vậy Sở Y tế sẽ tăng cường công tác quản lý, yêu cầu các bệnh viện phải không ngừng đổi mới để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh để tồn tại”, bà Trần Thị Nhị Hà nói.