Old Havana là thành phố di sản thế giới được UNESCO vinh danh là địa chỉ đỏ về văn hóa, lịch sử của đất nước Trung Mỹ xinh đẹp.
Ở Old Havana có nhiều thứ để đi, để khám phá và dĩ nhiên là có nhiều khoảnh khắc sống động. Con mắt tôi lưu lại dấu ấn đầu tiên chính là chiếc xe bus cũ kỹ, dài loằng ngoằng được ghép lại bằng hai chiếc xe chạy trên phố và khi nó đến điểm dừng thì khách đổ xuống ào ào và lát sau cả dãy dài người xếp hàng đợi lên xe.
Bạn tôi làm ở thương vụ của Sứ quán Việt Nam tại Cu Ba bảo: lên được xe bus này cũng là may lắm rồi, vì có người xếp hàng tới nơi thì vừa hết chỗ, phải cuốc bộ về, tối mịt mới tới nhà.
Những chiếc xe bus cũ kỹ đó hoàn toàn tương phản với những chiếc xe cổ sang chảnh màu hồng, màu tím, màu xanh da trời kiêu hãnh chạy trên phố với những du khách ngoại quốc cười tươi như hoa.
Ở Old Havana, thường vào quán ăn nào cũng đều có ca nhạc. Người Châu Mỹ latinh thích nhảy, thích hát và không ngần ngại bộc lộ cảm xúc của mình trên phố. Tôi đã chứng kiến một bà lão phải tầm U70 nhảy điệu Salsa một cách say mê, cuồng nhiệt ngay trước một quán ăn trước sự chứng kiến của các du khách.
Một vài ông già khác lại thể hiện điệu nhảy Guantanamera quyến rũ trên vỉa hè ở gần Tòa thị chính... Còn vào ngày cuối tuần, những cô gái đi cà kheo biểu diễn hát, múa trên đường phố là thông lệ.
Văn hóa xếp hàng ở nhiều nước Châu Âu đã in sâu trong đầu tôi hàng chục năm trước, và ở Cu Ba hình ảnh những dãy người xếp hàng dài trên các con phố trở nên quá quen thuộc. Xếp hàng mua đồ ăn, thực phẩm, xếp hàng chờ đổi tiền, xếp hàng mua thẻ sim... và đông nhất là xếp hàng mua thịt gà.
Ở Old Havana, thịt gà là món hiếm và luôn cháy hàng. Tiệm ăn ở gần quán bar nổi tiếng La Floridita (nơi nhà văn Mỹ - Hemingway lúc sinh thời vẫn hay uống cocktail ở đó) chuyên bán hai món: cơm gà và cơm tôm hùm với giá bằng nhau 10 USD.
Tiệm ăn này khá đông nhưng cứ được dăm ba bữa lại đóng cửa tạm nghỉ vì hết gà. Ngoài gà thì trứng gà cũng là món hiếm. Tôi nhớ lại thời bao cấp ở ta khi chứng kiến nụ cười rạng rỡ của người đàn ông trung niên với những quả trứng và 2 bao thuốc - khẩu phần cho tháng được tính bằng tem phiếu...
Người dân Cu Ba rất hay tụ lại nói chuyện. Có thể vì ở đây Internet quá tệ lại bị ngăn trở do đất nước bị Mỹ cấm vận nhiều năm, nên tối đến nhất là ở những khu phố nghèo hay mất điện hay có điện nhưng chủ nhà chỉ dám bật 1 ngọn đèn để tiết kiệm, từng nhóm người trò chuyện trên phố là phổ biến...
Ở Old Havana còn nhiều chuyện thú vị khác nữa... Dư vị cuối cùng đọng lại trong tôi trước khi bay về là con đường Malecon đẹp như mơ chạy dọc bãi biển xinh đẹp mà ở đó, những người dân hay đứng hóng biển và nhất là những cậu bé chơi đùa với nước trong những ngày biển động, sóng trắng xóa cao vút.