NTK Trịnh Hoàng Diệu: "Nếu nói mặc áo dài vướng víu là... ích kỷ"

NGỌC DỦ (thực hiện) |

NTK Trịnh Hoàng Diệu - em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - đã dành tình yêu nồng nàn cho tà áo dài Việt. Với bà, việc mang quốc phục là bình đẳng giữa cả nam - nữ giới và ai cũng có trách nhiệm bảo tồn nét văn hóa dân tộc này.

Bình đẳng trong văn hóa mặc

Thí điểm nam giới mặc áo dài truyền thống đến nơi làm việc vào thứ 2 đầu tháng của Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên-Huế, bà có tán đồng với việc này không?

- Theo tôi được biết, đây là một chương trình của ngành văn hóa trong tổng thể đề án Huế - kinh đô áo dài của tỉnh Thừa Thiên-Huế và chương trình này rất đáng được ủng hộ. Khôi phục lại áo dài truyền thống Huế, trong đó có áo ngũ thân nam sẽ làm phong phú thêm trang phục của con người hiện đại, cuộc sống cũng đa sắc, đa thanh hơn.

Là một NTK áo dài và cũng là người con của xứ Huế, khi nghe thông tin này, cảm xúc đầu tiên của bà như thế nào?

- Thiết kế áo dài nhiều năm cho nên tôi có nghiên cứu các loại cổ phục, trong đó có áo dài ngũ thân nữ, dáo dài ngũ thân nam, áo Nhật Bình, tất cả đều mang đến cho tôi cảm xúc mạnh mẽ, quý trọng tài năng và thẩm mỹ của người xưa. Tôi từng có mong ước những trang phục này không chỉ tái hiện trên sân khấu, trong những lễ hội, mà đi vào đời sống sinh hoạt. Cho nên, tôi rất vui khi hay tin này.

Người ta đang kêu gọi nhau là "bình đẳng về văn hóa mặc" của nam và nữ giới, tức là nữ mang áo dài thì nam cũng nên như vậy. Còn ý kiến cá nhân của bà thì sao?

- Nữ mặc áo dài truyền thống để tôn vinh cái đẹp thì nam cũng được tham gia, phải đòi lại công bằng cho phái mạnh chứ!

Nhiều người cho rằng việc mang áo dài sẽ vướng víu, nhất là với nam giới. Trong đó đặc biệt là chuyện mang áo dài đến nơi làm việc gây cản trở cho chất lượng công việc. Còn với các nhân bà, bà bày tỏ quan điểm thế nào về nhận định này?

- Nói như vậy là "ích kỷ" với phụ nữ rồi đó. Phụ nữ mặc áo dài, cũng phải đi xe máy, xe đạp, đi làm, tranh thủ đi chợ, đưa đón con cái. Sinh hoạt của phụ nữ khó khăn hơn nhưng vẫn xử lý được, thì không có lý do gì cho rằng với nam thì phức tạp. Và, nói như vậy chẳng khác gì cho rằng phụ nữ mặc áo dài thì chất lượng làm việc không cao. Nhận định mặc áo dài gây cản trở công việc là không khách quan, không có căn cứ thuyết phục.

Với cá nhân của bà, áo dài không chỉ ở nữ giới mà còn nam giới nữa, mang ý nghĩa, giá trị như thế nào?

- Trước hết là giữ gìn giá trị truyền thống. Áo dài của nam và nữ đều là trang phục tồn tại qua thời gian, không gian khác nhau, chứa đựng một hàm lượng văn hóa Việt rất cao. Vì thế, có thể nói áo dài truyền thống là một di sản văn hóa có giá trị rất cao trong kho tàng văn hóa Việt.

Khi nhắc đến xứ Huế, người ta sẽ nhớ đến áo dài, việc thí điểm nam giới mặc áo dài có phải là cách hay để quảng bá du lịch, hình ảnh con người Huế đến bạn bè quốc tế?

- Huế không chỉ có sông Hương, núi Ngự, hoàng thành và các lăng vua. Huế còn có nhiều giá trị khác có thể làm nên các sản phẩm du lịch mà nơi khác không thể có. Đề án Huế - kinh đô áo dài chính là để quảng bá du lịch thông qua hình ảnh chiếc áo dài, bạn bè trong nước và quốc tế sẽ có ấn tượng đẹp, mới mẻ với Huế qua chiếc áo dài xưa.

Một số thiết kế áo dài nam của NTK Trịnh Hoàng Diệu. Ảnh: NVCC
Một số thiết kế áo dài nam của NTK Trịnh Hoàng Diệu. Ảnh: NVCC
Một số thiết kế áo dài nam của NTK Trịnh Hoàng Diệu. Ảnh: NVCC

Cách tân áo dài khác phá cách!

Ngày nay, xã hội hiện đại, nhiều người cho rằng cách tân áo dài để phù hợp với nhu cầu của người mặc, bà nghĩ sao?

- Cách tân hay là sự sáng tạo trong nghệ thuật là cần thiết, nhưng với áo dài truyền thống, nếu không tôn trọng các yếu tố chính của chiếc áo dài, thì sẽ không còn hồn vía của nó nữa. Cho nên, cách tân khác với phá cách, nhà thiết kế luôn thận trọng về điều này.

Trong các bộ sưu tập trước đây của bà, có không ít bộ sưu tập ca ngợi áo dài Huế, trong đó có Diệu Fashion show, bản thân bà mong muốn góp sức như thế nào trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống áo dài Việt Nam?

- Một nhà thiết kế áo dài thì đương nhiên phải có tình yêu áo dài một cách say đắm. Tôi không có tham vọng phát huy truyền thống áo dài gì to tát, mà chăm chỉ hằng ngày với công việc sáng tạo nghệ thuật, mang đến cho cuộc đời những chiếc áo đẹp nhất có thể.

Chất liệu áo dài của bà, trong đó có không ít tác phẩm lấy cảm hứng cung đình, họa tiết rồng phượng... Bà có thể nói một chút về cảm hứng thiết kế, niềm tự hào văn hóa cung đình trên tà áo dài?

- Trong một số thiết kế của tôi có ảnh hưởng đến phong cách cung đình như biểu tượng tứ linh, các họa tiết có dấu vết từ các trang trí nội cung. Nhưng những chi tết đó được pha loãng bằng các biến cách phù hợp với thẩm mỹ hiện đại. Phối được hài hòa giữa hai yếu tố cung đình và hiện đại là một thử thách, xin cho tôi được chia sẻ trong một dịp khác.

Theo cá nhân bà, áo dài có bị mai một hay không?

- Không bao giờ. Tôi tin chắc là như vậy!

Cảm ơn chia sẻ của bà!

NGỌC DỦ (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Kinh đô áo dài không chỉ là chuyện công chức mặc áo ngũ thân

Lê Thanh Phong |

Những bàn luận về chuyện công chức của Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc áo dài ngũ thân chưa dừng lại. Đương nhiên thôi, cái gì mới đưa ra cũng phải có ý kiến phản biện, tranh luận, đó mới là điểm tích cực của xã hội.

Hoa hậu Ngọc Hân: "Áo dài truyền thống cần phù hợp với lối sống hiện đại"

Thái An (ghi) |

Trước những ý kiến trái chiều về việc mặc áo dài truyền thống nơi công sở của Sở VHTT Thừa Thiên Huế, Hoa hậu Ngọc Hân thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Sở VH-TT Huế khuyến khích cán bộ mặc áo dài: Hay và đáng trân trọng!

Thái An (ghi) |

Nhà thiết kế Minh Minh và Đức Hùng đánh giá cao việc Sở VH-TT Thừa Thiên Huế triển khai cho nam cán bộ, công chức mặc áo dài truyền thống đến công sở vào thứ 2 đầu tháng.

Trình bổ sung nhân sự quy hoạch Trung ương khóa XIV

Vương Trần |

Ban Tổ chức Trung ương tham mưu Bộ Chính trị xem xét, quyết định bổ sung quy hoạch Trung ương, thẩm định, phê duyệt quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV.

Chủ đầu tư khu dân cư Cồn Tân Lập đưa tin gây hiểu nhầm

Hữu Long |

Chủ đầu tư Cồn Tân Lập đưa tin dễ hiểu nhầm việc xác nhận nhà ở có sẵn đủ điều kiện được đưa vào kinh doanh và nhà ở đủ điều kiện đưa vào sử dụng.

1001 "cú sốc đầu đời" của tân sinh viên

Hồng Nhung - Trần Hạnh |

Thay đổi về môi trường sống, thời gian sinh hoạt, cách học tập hay áp lực đồng trang lứa... là loạt lý do khiến tân sinh viên ngỡ ngàng khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học.

Khi nào được nhận bảo hiểm xã hội một lần theo quy định mới?

Nhóm PV |

Nhận bảo hiểm xã hội một lần được quy định như thế nào trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024?

Gian nan khi tàu cá bị mất kết nối giám sát hành trình

CÔNG SÁNG |

Quảng Bình - Chính quyền địa phương nỗ lực xử lý việc tàu cá của ngư dân mất kết nối giám sát hành trình, nhưng vẫn chưa có phương án tối ưu.