Phim tài liệu độc lập ở Việt Nam chưa có chỗ đứng

Anh Thư (thực hiện) |

Đạo diễn Trần Phương Thảo thuộc thế hệ những nhà làm phim trẻ đầu tiên ở nước ta theo đuổi dòng phim tài liệu độc lập. Bộ phim “Đi tìm Phong” do hai vợ chồng chị đồng đạo diễn đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế, và là bộ phim tài liệu độc lập đầu tiên được công chiếu ở hệ thống rạp thương mại (2018), nhận được phản hồi tích cực của khán giả, góp phần làm thay đổi cái nhìn về người chuyển giới. Khác với nhiều người, chị cho rằng, làm phim độc lập không nhất thiết phải gian khổ. Tuy nhiên, dòng phim này của nước ta vẫn chưa có chỗ đứng trên bản đồ điện ảnh thế giới...

Thưa đạo diễn Trần Phương Thảo. Theo chị, thời điểm mà công chúng điện ảnh nước ta biết đến thể loại phim tài liệu độc lập là khi nào?

- Đạo diễn Trần Phương Thảo (TPT):  Với bản thân tôi là người làm nghề phim tài liệu từ năm 2007, dấu mốc quan trọng nhất trong điện ảnh phim tài liệu đương đại ở nước ta là thời điểm mà khán giả được biết đến bộ phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, nhan đề “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” (năm 2011- 2012).  Nếu dựa vào bộ phim đó để nhận diện dòng phim tài liệu độc lập của Việt Nam thì có vài điểm như thế này: Lần đầu tiên có một bộ phim dài tới 80 phút, về cách kể chuyện rất giống phim truyện, cách thức thực hiện và nhân vật là những con người thực, kịch tính là kịch tính của đời sống thực. Làm với người thực thì phải tôn trọng kịch tính của đời sống thực, mình có muốn ép thời gian cũng không được. Rõ ràng nhà nước sẽ không thể đầu tư cho một dự án phim tài liệu của một tác giả không tên tuổi, lại muốn thực hiện trong nhiều năm. Chuyện tìm được nhà đầu tư hay tìm nguồn ngân sách là rất khó, khuôn khổ của phát sóng không có, khả năng ra rạp cũng vậy. Thành thử ra, gọi là “độc lập” bởi vì những lý do khách quan như thế nữa.

Với bộ phim tài liệu độc lập “Đi tìm Phong” do hai vợ chồng chị đồng đạo diễn, thực hiện cùng thời điểm nhưng lại ra mắt sau “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” thì sao?

- “Đi tìm Phong” kể về hành trình của nhân vật chính là em Phong - một người mang hình hài nam giới, muốn đi tìm lại bản ngã của mình và quyết định chuyển sang giới tính nữ qua một cuộc phẫu thuật. Bộ phim cũng là ví dụ rất hay, không giống như chúng ta vẫn hình dung về phim tài liệu độc lập tại Việt Nam. Độc lập không nhất thiết phải gian khổ. Quá trình sản xuất phim thuận lợi ngay từ đầu. Phim có nhà sản xuất và nhà sản xuất rất có điều kiện về mặt tài chính. Độc lập không nhất thiết là ý tưởng của phim phải đến từ đạo diễn. Đây là ý tưởng của nhà sản xuất -  bạn của nhân vật  chính. Dựa trên tiêu chí đấy thì có nghĩa là tôi không phải đi tìm nhân vật. Em Phong ngay từ đầu đã đồng ý vào phim bởi vì em tin tưởng người bạn của mình. Chủ đề bộ phim hơi tế nhị, liên quan đến nhân vật chính là con người thực. Quá trình làm phim không được ảnh hưởng đến quyết định cá nhân của em liên quan đến sức khỏe. Nhà sản xuất còn nói nếu phim hoàn thành, 3 năm sau chẳng hạn, ở thời điểm ấy mà xã hội Việt Nam vẫn có quá nhiều định kiến ảnh hưởng đến đời sống của em Phong thì nhà sản xuất chấp nhận lùi thời điểm phát hành phim, có thể 5 năm sau, 10 năm sau. Độc lập theo nghĩa đấy. Tức là nó không nằm trong khuôn khổ nào, và mình hoàn toàn có quyền tự do quyết định là phim sẽ như thế nào.

Cá tính sáng tạo của chị thể hiện như thế nào trong quá trình làm phim?

- Tôi theo học Đại học Ngoại thương. Những năm sinh viên, tôi dịch và lồng tiếng cho câu lạc bộ điện ảnh của Trung tâm Văn hóa Pháp. Cú hích đưa tôi đến với phim tài liệu là thời điểm tôi được đi dịch cho một đoàn làm phim tài liệu của một đạo diễn trẻ người Pháp. Bộ phim tên là “Gạo rang”, nói về các nhà quay phim của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Thời kỳ chiến tranh rất đói khổ, nhưng họ đã dành khẩu phần gạo của mình, rang lên để giữ lại những thước phim nhựa. Tôi cảm thấy rất hấp dẫn, vì thông qua việc làm phim, mình được làm quen với những con người có một lịch sử, một vốn sống. Tôi thực sự muốn khám phá xã hội Việt Nam được xây dựng như thế nào, hoạt động như thế nào từ phía bên trong. Bộ phim gần đây nhất tôi làm về con đường Bưởi của Hà Nội ở giai đoạn giải tỏa cuối cùng để làm cầu vượt. Tôi được quay thế giới của các cô đồng nát, thế giới của các anh phá dỡ. Cũng như vậy thôi, quá trình làm phim với em  Phong, đến phút cuối rồi, khi em đã phẫu thuật xong và cả ê kíp ra sân bay để đi về cùng với nhau, em còn vẫn nói một câu: “Chị không thể nào hiểu được người chuyển giới đâu, không thể hiểu được bọn em nghĩ gì đâu”. Mình thừa nhận có thể có những điều mình không hiểu, nhưng quan trọng là mong muốn được hiểu. Còn cá tính thì... Cá tính của tôi ở trong phim, tôi phát hiện ra nhờ vào bộ phim và nhờ vào những nhân vật trong phim. Khi đi làm phim, tôi hiểu rằng đây là nhân vật của mình, đây không phải là nhân vật. Tôi  rất thích cái giọng giễu nhại, lối nói hỏi hài hước. Chính là các nhân vật trong phim cho tôi nhìn thấy điều ấy. Cả bệnh nói nhiều nữa...

Theo chị, để có một bộ phim tài liệu độc lập thành công cần những điều kiện gì?

- Dựa vào kinh nghiệm hơn 10 năm làm phim tài liệu, tôi nhận thấy, để một bộ phim tài liệu độc lập thành công thì đầu tiên người thực hiện phải lấy ngắn nuôi dài.  Nói gì thì nói, điện ảnh là tốn tiền, điện ảnh là xa xỉ, dù là phim truyện hay phim tài liệu. Nó là thời gian bỏ ra,  là kỹ thuật, là máy quay, là âm thanh. Tất cả những cái đấy đều phải có tiền. Thường phải mất 3 năm cho một dự án phim. Thời gian đấy phải sinh sống như thế nào? Như tôi là đi dịch. Có bạn làm quảng cáo, có bạn đi dạy tiếng Anh. Lấy ngắn nuôi dài là thế. Điểm thứ hai, phải xác định được cách thức thực hiện dự án. Mình định “đánh nhanh thắng nhanh”, hay “trường kỳ kháng chiến”. Đa phần là “trường kỳ kháng chiến”. Vì nhân vật và diễn tiến bộ phim đều từ tình huống thật ngoài đời. Để trở thành nhân vật trong phim là cả một quá trình dài, ở đó đạo diễn và nhân vật ngoài đời cùng học hỏi lẫn nhau. Đến một thời điểm khi cả hai có sự tin tưởng, ăn ý với nhau, việc diễn trước ống kính trở thành không diễn -  lúc đấy bộ phim  mới thực sự sâu sắc và sống động, tự nhiên. Cả hai phải có một động lực sâu thẳm và mạnh mẽ để làm việc cùng nhau, chấp nhận nhau, hòa hợp cùng nhau, không bị đứt gánh giữa đường. Động lực ấy như một chìa khóa để mở ra các cánh cửa khác.

Phim tài liệu độc lập ở nước ta đã có nét riêng chưa, thưa đạo diễn Trần Phương Thảo?

- Dòng phim tài liệu độc lập của Việt Nam chưa có chỗ đứng trên bản đồ điện ảnh thế giới. Vì chưa có chỗ đứng nên rất khó so sánh để tìm ra nét riêng, nét bản sắc. Mỗi năm, số lượng phim tài liệu độc lập của Việt Nam có mặt ở các liên hoan phim, ngay ở khu vực thôi, cũng rất ít, thường 2-3 năm thì được một lần. Trong khi đó, nếu so sánh với Indonesia, Malaysia, Thái Lan, năm nào họ cũng có phim và họ có nhiều đạo diễn. Tôi nói không có vị thế là theo nghĩa đấy. Điều này sẽ thay đổi nhanh chóng kể từ năm nay và năm sau. Vì bản thân điện ảnh tài liệu Châu Á bắt đầu khởi sắc từ khoảng  2015 cho đến giờ, thành ra còn rất mới. Hiện tại đã có các quỹ về điện ảnh của Châu Á. Những năm trước là phải sang tận Châu Âu hoặc Châu Mỹ xin. Như năm nay, có một số dự án của các đạo diễn trẻ thuộc Trung tâm TPD  (Trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh trẻ Việt Nam) đã nhận được tài trợ. Khi có hỗ trợ, ai cũng phải nhìn nhau mà nỗ lực.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện. Chúc chị luôn thành công với đam mê của mình.

Anh Thư (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Phim tài liệu lịch sử làm sao cho hấp dẫn

Việt Văn thực hiện |

Phim tài liệu lịch sử Việt Nam gần đây xuất hiện trên truyền hình và trên internet ngày càng thu hút khán giả hơn vì cách tiếp cận đổi mới, góc nhìn đa chiều. Tuy nhiên, thách thức mà phim tài liệu lịch sử phải đối mặt cũng như việc tiếp cận với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ ra sao…

Phim truyền hình, phim tài liệu nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh

Mai Hương |

Trong thời gian cách ly xã hội, có thể nói, xem truyền hình trở thành lựa chọn của nhiều người dân. Ngoài những bộ phim tâm lý xã hội, phim đề tài gia đình, khán giả còn xem những bộ phim mang tính thời sự về phòng chống dịch COVID-19.

Tiếc cho phim tài liệu, khoa học Việt

Việt Văn |

Sức mạnh của phim tài liệu, phim khoa học luôn là phản ánh những vấn đề nóng, thiết thân của xã hội. 34 phim tài liệu và 12 phim khoa học dự thi giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam năm nay thực sự là một thách thức với Ban giám khảo, để chọn ra những tác phẩm xứng đáng nhất để tôn vinh.

Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được an táng tại Vũng Chùa - Đảo Yến

CÔNG SÁNG |

Quảng Bình - Bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được an táng tại Vũng Chùa - Đảo Yến.

‘Sơ tán nhằm đảm bảo tính mạng nhân dân’

CÔNG SÁNG |

Chính quyền, cán bộ các địa phương tại tỉnh Quảng Bình đã triển khai các phương án ứng phó, đặc biệt là công tác sơ tán, bảo vệ tính mạng của nhân dân.

Làm gì để đến năm 2030 Việt Nam tiêu thụ trên 1 triệu ôtô

Anh Tuấn |

Mức sở hữu xe bình quân đầu người năm 2023 là 63 xe/1.000 dân, Bộ Công Thương muốn năm 2030 có thể tiêu thụ được 1 - 1,1 triệu chiếc ôtô.

Hà Nội nắng gắt, dịch vụ kéo xe qua điểm ngập vẫn ăn nên làm ra

Tô Thế |

Một số điểm trên đường gom Đại lộ Thăng Long, hầm chui dân sinh vẫn ngập nước, các phương tiện di chuyển khó khăn.

Việt Nam đã có vaccine sốt xuất huyết, tiêm đầu tiên tại Hệ thống tiêm chủng VNVC

THUẬN YẾN |

Ngày 20.9, gần 200 trung tâm tiêm chủng của VNVC trên toàn quốc đã có đầy đủ vắc xin sốt xuất huyết và triển khai tiêm cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn.