Tết và những điều tốt đẹp nhất cho con

Minh Phương-Bảo Hân |

Tuy cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, nhưng nhiều công nhân lao động nữ xa quê, làm việc trong các khu công nghiệp luôn nỗ lực để có thể có cuộc sống tốt đẹp nhất cho con trong khả năng của mình. Năm hết Tết đến, mặc dù không có điều kiện mua cho con bộ quần áo đắt tiền, nhưng những bộ quần áo họ mua cho con là đẹp nhất mà họ có thể.

Điều quan trọng là các con được học hành 

Trong lần đi thực tế tại thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội), chúng tôi gặp chị Tạ Thị Hiền cùng con trong khu trọ. Khu trọ nơi chị đang ở im ắng bởi các phòng khác đều đã “cửa đóng then cài” khi những người thuê đều đã đi làm hoặc ngủ bù sau một đêm làm việc mệt mỏi. Chị Hiền đang gội đầu, còn con gái út - năm nay mới 3 tuổi - tha thẩn chơi ở ngoài sân.

Vừa lấy khăn để lau cho khô tóc, chị Hiền mời chúng tôi vào phòng trọ để trò chuyện. Căn phòng nơi gia đình chị thuê vốn là 2 phòng, được đập tường để thông nhau. Một nửa chị dùng để ngủ, một nửa dùng để nấu ăn.

Khi nghe chúng tôi nói muốn tìm hiểu đời sống của công nhân, chị cười bảo mình đã vừa bỏ làm công nhân được hơn 1 tuần nay. Trước đây, chị Hiền làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long, nhưng do công việc quá bận rộn, không có thời gian chăm các con, trong khi các con thường xuyên ốm đau, nên chị phải xin nghỉ việc.

Sau đó, chị đi làm ở một công ty tại Khu công nghiệp Quang Minh. Công ty này có cơ chế thoáng hơn, nhưng trong tháng 8.2022, công ty không có việc, chị phải nghỉ ở nhà, không có thu nhập.

“Tôi quyết định bỏ việc, ở nhà chăm con. Hai con tôi sức khoẻ yếu, thường xuyên phải đi viện khám, nếu tôi đi làm suốt thì sẽ không có ai chăm sóc các cháu” - chị Hiền nói lý do.

Người mẹ 2 con này đã từng nghĩ đến việc gửi con về quê. Nếu như vậy thì sẽ giảm chi phí, đỡ tốn kém hơn, nhưng do các con ốm đau thường xuyên, nên chị muốn được gần con để tiện chăm sóc các cháu. Hơn nữa, chị Hiền lo lắng, các cháu thường xuyên bị ốm, ông bà sẽ không đủ sức trông nom, chăm sóc.

Trang trải của cả gia đình nhỏ này trông chờ vào mức thu nhập của người chồng. Chồng chị làm nghề tự do, công việc không ổn định. Nếu có việc đều, chồng chị có thể kiếm được 10 triệu đồng/ tháng, nhưng nếu ít việc, anh chỉ có thể mang về nhà khoảng 6 - 7 triệu đồng/ tháng. Trong khi đó, cuộc sống ở trọ có rất nhiều thứ phải chi. Theo tính toán của chị, kể cả tiền mua thuốc, khám bệnh cho các con, tổng chi phí của cả gia đình không dưới 15 triệu đồng/ tháng.

Sau cuộc gặp này không lâu, khi chúng tôi gọi điện thoại, nữ công nhân này thông tin, do khó khăn nên mới xin làm chạy bàn ở một quán phở ở thôn Bầu - cách nhà khoảng 2 - 3km. Chị phải có mặt tại quán phở từ 5 giờ sáng và làm việc tại đây đến khoảng 9 giờ sáng. Trong lúc chị đi làm, chồng chị phụ trách đưa con lớn đi học; còn con út, chị để cháu ngủ trong nhà, nếu cháu thức dậy, chị nhờ chủ nhà trọ dỗ và trông cháu.

“Đi làm, mặc dù có người lớn để mắt tới, nhưng nghĩ đến con, lòng tôi vẫn lo ngay ngáy. Nhưng biết làm sao được, vì mưu sinh nên tôi phải chấp nhận” - chị Hiền chia sẻ.

Dù vất vả, nhưng người phụ nữ quê ở Bắc Ninh này luôn nở nụ cười lạc quan. Cuộc sống thiếu thốn, nên đã lâu rồi chị Hiền chưa có cho riêng mình một bộ quần áo hay một đôi giày mới. Chị cố gắng mua thực phẩm đa dạng dành cho các con; còn chị có “chế độ riêng” chỉ cơm với rau để tiết kiệm. “Tôi thế nào cũng được, ăn qua loa cho xong, mặc đồ cũ mãi cũng không sao. Năm cũ sắp qua, tôi sẽ cố gắng làm lụng để mua bộ quần áo đẹp nhất cho con. Và điều quan trọng là các con được học hành tới nơi tới chốn, ăn uống đầy đủ” - chị Hiền tâm sự, đồng thời chia sẻ dự định cuối năm nay sẽ trở về quê...

Chị Tạ Thị Hiền bên trong căn phòng trọ. Ảnh: Bảo Hân
Chị Tạ Thị Hiền bên trong căn phòng trọ. Ảnh: Bảo Hân

Con là động lực để mẹ cố gắng mỗi ngày 

Chị Hiền chỉ là một trong nhiều số phận của những lao động nữ làm việc trong Khu công nghiệp Thăng Long, thuê trọ tại những khu nhà trọ tại xã Kim Chung, xã Đại Mạch...

Những tháng cuối năm này, chị Hà Thị Thắm - công nhân một công ty lắp đặt thiết bị vệ sinh ở Khu công nghiệp Thăng Long phải cố gắng cày cuốc, tăng ca cật lực để có cái Tết 2023 đầy đủ hơn.

Người phụ nữ quê ở Thạnh Thành (Thanh Hoá) thường làm 12 tiếng/ ngày, cuối tuần cũng xin đi làm, chị mong cuối tháng nhận lương cao hơn, cộng với tiền thưởng Tết là có thể về quê đón Tết cùng gia đình.

Dáng người nhỏ nhắn, trong chiếc áo nâu bạc màu, chị trông có vẻ già hơn so với tuổi 24 của mình. Đã 3 năm kể từ ngày xuống Thủ đô làm công nhân, nhớ lại những ngày đầu chỉ có một mình, chị Thắm không khỏi tủi thân.

“Con được 18 tháng, không còn ti sữa mẹ, tôi quyết định gửi con cho ông bà ngoại rồi xuống Thủ đô xin việc. Phải xa con khi con còn quá nhỏ, tôi không đành lòng. Đêm đến, tôi lại khóc nhớ con, cảm thấy mình rất có lỗi. Nhưng đến hiện tại, tôi suy nghĩ cũng đã thoáng hơn, phải cố gắng làm việc để nuôi con khôn lớn” - chị Thắm nói.

Sở dĩ chị chọn đi làm xa vì ở quê trả lương thấp, nếu chị không chịu khó thì con sẽ không có sữa để uống. Quá nhớ con, áp lực công việc, xa nhà... khiến người mẹ này gầy đi rõ rệt. Từ 46kg, chị Thắm giảm xuống còn 41kg trong vòng 1 tháng.

Hiện lương của chị Thắm được khoảng 8 triệu đồng/ tháng, nếu làm ca kíp và làm cả cuối tuần, lương cũng được hơn 9 triệu đồng/ tháng.

Trong căn phòng trọ khoảng 10m2, giá hơn 400.000 đồng/ tháng, chị Thắm đặt ảnh của con nhiều nơi để lúc nào cũng được nhìn thấy con, nguôi đi nỗi nhớ. Với chị, con là động lực để cố gắng mỗi ngày. Tiền lương có được, nữ công nhân gửi về cho ông bà 3 - 4 triệu đồng, còn lại, chị chi tiêu tiết kiệm để có khoản tích cóp cho con sau này.

Từ ngày đặt chân ra Hà Nội, chị Thắm chẳng mấy khi sắm sửa cho bản thân. “Tôi chỉ mặc lại quần áo cũ hoặc ai cho gì mặc nấy. Làm quần quật 12 tiếng, tôi cũng chẳng đi đâu. Cuộc sống của tôi nếu không về quê thăm bố mẹ và con thì chỉ quanh quẩn ở nhà máy, phòng trọ” - chị Thắm chia sẻ.

Làm việc mệt mỏi, chán nản là vậy, đã có lần nữ công nhân muốn buông xuôi, nhưng chị lại động viên mình phải vực dậy, còn gia đình ở phía sau đang trông cậy ở chị.

Cách nơi của chị Thắm ở không xa là phòng trọ của chị Trần Thị Hà (công nhân một công ty linh kiện điện tử ở Khu công nghiệp Thăng Long). Nữ công nhân quê ở Nghệ An này đang nuôi 2 con học cấp 1. Ở quê khó xin việc, chị gửi con cho bà ngoại để ra Hà Nội xin làm công nhân.

Ra thành phố không ai thân thiết, ban đầu chưa xin được việc làm, tiền đóng phòng trọ, tiền học cho con cùng lúc dồn dập kéo đến, chị không biết xoay sở thế nào. Khi đó, nhiều lần nước mắt chị chảy dài vì cảm thấy bất lực. “Không có tiền đúng là khổ sở, có nhiều lúc trong túi tôi cạn kiệt, bữa ăn chỉ có bát cơm và chén nước mắm” - chị Hà bày tỏ.

Khi đã có việc làm, thu nhập của nữ công nhân luôn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đã có lúc, chị Hà phải sống bằng tiền lương ngưng việc, hỗ trợ nhu yếu phẩm từ chính quyền địa phương.

Tháng cận Tết 2023, tuy không còn được tăng ca nhưng chị Hà vẫn cảm thấy may mắn vì được tiếp tục với công việc. Mỗi tháng thu nhập của chị dao động 6 - 7 triệu đồng/ tháng, chi tiêu dè sẻn, chị gửi về cho gia đình 3 triệu đồng.

Nghĩ về cái Tết đủ đầy hơn cho gia đình, nữ công nhân dự định sau giờ làm hành chính ở công ty sẽ xin làm thêm công việc khác. “Tôi đang xin làm thêm ở cửa hàng bán đồ gia dụng từ 18-22h đêm. Người ta nhận hồ sơ của tôi rồi, chỉ chờ gọi đi làm thôi. Công việc này chỉ tuyển vào mùa Tết nên tôi cố gắng tranh thủ kiếm tiền” - chị Hà nói.

Minh Phương-Bảo Hân
TIN LIÊN QUAN

Công nhân sống tằn tiện cuối năm ngóng chờ thưởng Tết

Thành Nhân |

Tiền Giang - Làm cả năm nhưng với nhiều công nhân, lương tháng chỉ đủ chi tiêu tằn tiện, ước mơ về cuộc sống chất lượng hơn dường như là cái gì đó xa xỉ... Vì thế, sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho công nhân luôn là điều đáng quý vào thời điểm này.

Nhìn lại thưởng tết qua các năm: Xu hướng tăng

QUANG MINH |

Thưởng Tết là mối quan tâm của nhiều công nhân, lao động vào mỗi dịp cuối năm. Mức thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán có những biến động qua các năm, song đều có xu hướng tăng lên so với năm trước.

Doanh nghiệp ở Hà Tĩnh thưởng Tết cao nhất là 40 triệu đồng

TRẦN TUẤN |

Hà Tĩnh - Một doanh nghiệp đưa ra mức thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cao nhất là 40 triệu đồng.

Su-25 Nga nhả tên lửa chặn đứng quân Ukraina ở Kursk

Song Minh |

Phi hành đoàn máy bay Su-25 của Nga chặn đứng việc luân chuyển quân Ukraina ở khu vực biên giới tỉnh Kursk.

Bắc Ninh triển khai khu công nghệ thông tin tập trung 274ha

Vân Trường |

Khu công nghệ thông tin tập trung tỉnh Bắc Ninh dự kiến rộng 274ha. Quy mô về số lượng lao động, chuyên gia dự kiến khoảng 20.000 người.

Xót xa những vườn đào Tết bị phá hoại, thiệt hại cả tỉ đồng

Quỳnh Trang - Hương Giang |

Gần 300 gốc đào bích chuẩn bị bán Tết có giá trị hàng triệu đồng mỗi cây của người dân tại Hà Nội đã bị kẻ gian dùng dao chặt cành, phá hoại.

Thủ phạm phá hoại Nord Stream "gieo gió gặt bão"

Ngọc Vân |

Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) cho rằng đường ống dẫn khí Nord Stream bị phá hoại là để chia rẽ châu Âu.

Siêu bão Milton mạnh nhất năm lại tăng cấp, hôm nay đổ bộ

Thanh Hà |

Siêu bão Milton - siêu bão mạnh nhất hành tinh năm 2024 - đã tăng trở lại cấp 5 vào tối 8.10.