Thông điệp giới qua tô mì ramen

Thanh Hà |

Mì ramen - món ăn đặc trưng phổ biến của Nhật Bản - đang ngày càng chinh phục được nhiều tín đồ ẩm thực quốc tế. Tuy nhiên, ở chính nơi xuất xứ, ramen lại chủ yếu được xem như một món ăn thiên về phái mạnh, nơi nam giới chứ không phải nữ giới, được phục vụ chu đáo nhất tại những nhà hàng nổi tiếng nhất. Tuy nhiên, nền văn hóa mới của "ramen girl" (tạm dịch: Ramen của cô gái) đang trỗi dậy và xóa nhòa đi truyền thống này.

Đặc quyền của phái mạnh

Kể từ những năm 1960, khi ramen đóng vai trò như một bánh răng trong động cơ của thời kỳ tăng trưởng kinh tế thần tốc của Nhật Bản, ramen là đặc quyền của nam giới, là nguồn vui riêng tư và là cánh cửa bước vào "vùng bất khả xâm phạm" của phái mạnh. Hầu hết nam giới Nhật Bản một mình đi tới quán ramen yêu thích, ngồi một mình ở quầy để thưởng thức và không trò chuyện với bất cứ ai. Giao tiếp xã hội hoặc hòa mình vào bầu không khí của quán ăn không phải là đặc trưng ở đây.

Năm 2023, trên thế giới nổi lên trào lưu "girl dinner" (tạm dịch: Bữa ăn tối của cô gái") bắt nguồn từ TikTok của cô gái Mỹ - Olivia Maher. "Girl dinner" gắn với hình ảnh đĩa đồ ăn nhẹ, đẹp mắt, với nguyên liệu chính là bánh mì và pho mát cùng các thực phẩm khác được trộn lẫn để tránh mất công nấu nướng.

Tuy nhiên, Nikkei chỉ ra, "girl dinner" là xu hướng tiếp nối của "ramen girl" (tạm dịch: Ramen của cô gái) vốn là xu hướng từ năm 2015, khi lễ hội Ramen Girls Festival (Lễ hội ramen dành cho những cô gái) được tổ chức lần đầu tại Yokohama, Nhật Bản. Sự kiện này do Satoko Morimoto - blogger nổi tiếng với những bài viết về tình yêu với mì ramen và tuyên bố đã ăn 600 bát mì ramen trong một năm - tổ chức. Morimoto kêu gọi những phụ nữ trẻ Nhật Bản dũng cảm đến những quán ramen ngon nhất, tự tin đứng giữa những khách hàng chủ yếu là nam giới và giải phóng bản thân khỏi nỗi ám ảnh nội tâm về ramen khi ngồi đối diện tô mì nóng hổi ưa thích.

Tại Ramen Girls Festival, các đầu bếp, cả nam giới và nữ giới, phục vụ những bát mì hấp dẫn cho những người phụ nữ yêu thích mì ramen và cho những người đàn ông đủ can đảm bước qua lối vào trang trí màu hồng tại sự kiện tổ chức ngoài trời này.

Trong đại dịch COVID-19, Ramen Girls Festival được sáp nhập vào sự kiện Ramen Expo tổ chức thường niên. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy Ramen Girls Festival sẽ được tổ chức độc lập trong năm 2024, theo cây viết Kaori Shoji của Nikkei Asia.

Những tô mì khác biệt
Vậy điều gì khiến mì ramen cho nữ giới khác với ramen truyền thống cho nam giới? Trước tiên, các cơ sở ramen cần hiểu và đáp ứng được những nhu cầu của phái đẹp như nội thất thoáng đãng, khu vực vệ sinh sạch sẽ, mặt bàn bằng gỗ và bật nhạc Jazz.

Nước dùng của mì ramen cho nữ giới cũng phải nhẹ nhàng cho hệ tiêu hóa hơn so với loại truyền thống, trong đó khách hàng có thể lựa chọn ăn mì theo chế độ ăn không có gluten. Thịt và rau để phục vụ những thực khách này nên có nguồn gốc từ các trang trại hữu cơ đồng thời khẩu phần ăn cần ít hơn khẩu phần truyền thống để phù hợp với phụ nữ.

Mì ramen. Ảnh: AFP
Mì ramen. Ảnh: AFP

Hơn hết, khách hàng nữ cần cảm nhận được sự chào đón từ tiệm mì ramen. Trong văn hóa ramen truyền thống, nam giới có thể húp mì sồn sột tùy ý nhưng phụ nữ thì đối mặt với rất nhiều quy tắc. Ở một góc độ nào đó, việc một phụ nữ ngồi ăn mì một mình ở quán ramen sẽ thu hút sự chú ý hơn so với việc một phụ nữ đơn độc trong quán bar bởi việc này giống như đang tự phơi bày cho thế giới thấy mình đang ăn uống xì xụp. Và vì thế việc đi ăn mì ramen một mình, không có bạn trai hoặc chồng đi cùng đồng nghĩa với việc người phụ nữ đối mặt với rủi ro xã hội lớn.

Miyako Kuzushiro - một nhân viên văn phòng ở Tokyo, là người yêu thích mì ramen nhưng e dè về việc ăn món ăn này giữa đám đông - chia sẻ: "Ăn mì ramen có thể gây tổn hại về mặt xã hội. Bạn không bao giờ nên ăn ramen trong buổi hẹn hò đầu tiên, thậm chí là tới tận buổi hẹn hò thứ ba cũng chưa nên. Trước hết, bạn phải biết rằng đối tượng hẹn hò sẽ không đánh giá việc bạn thích mì ramen và vẫn muốn tiếp tục hẹn hò lâu dài".

Điều này cho thấy sự áp lực của phụ nữ Nhật Bản trong việc thưởng thức một món ăn phổ biến. Việc này là bởi trong nhiều thập kỷ, mọi khía cạnh của món mì ramen đều hướng tới nam giới, từ nước dùng - thường bao gồm mỡ lợn, nội tạng lợn và một ít bột ngọt - cho tới tô mì to được thiết kế để phù hợp với bàn tay của nam giới. Mì ramen cũng có xu hướng rất nóng vì nam giới Nhật Bản thích như vậy trong khi hơi nước bốc lên từ bát mì sẽ ảnh hưởng tới lớp trang điểm trên khuôn mặt nữ giới.

Tương tự, những tép tỏi trên bàn trong quán mì ramen rất phù hợp cho những người đàn ông thích ăn tỏi nhưng không dành cho những người phụ nữ sợ bị ám mùi khi trở lại văn phòng làm việc. Tại các quán ramen, những tấm poster cũng là hình ảnh chụp các cô gái mặc bikini, trên kệ báo là những cuốn tạp chí thu hút nam giới. Các quán mì ramen cũng không có giấy ăn và thường chỉ có một phòng vệ sinh chật chội, tối tăm.

Cánh cửa rộng mở

Do đó, khi phụ nữ thèm ramen, họ tới siêu thị và mua Cup Noodle - một trong những phát minh vĩ đại nhất mà Nhật Bản đã tạo ra, nhờ sự giúp đỡ của Tập đoàn Thực phẩm Nissin năm 1971. Nhờ Cup Noodle với vô số các hương vị khác nhau, các thế hệ phụ nữ Nhật Bản có thể thoải mái húp mì xì xụp tại nhà riêng mà không lo bắt gặp những ánh nhìn soi mói.

Tuy nhiên, trên thực tế, phải mất một thời gian dài Nissin mới giới thiệu một sản phẩm dành riêng cho nữ giới. Cup Noodle Light - xuất hiện năm 2008 - nhắm đến những phụ nữ thành thị, quan tâm đến sức khỏe, muốn ăn mì mà không phải lo lắng về lượng calo và tăng cân. Cup Noodle ban đầu có 335 calo, trong khi Light chỉ cung cấp 198 calo. 7 năm sau, Nissin nâng tầm với Cup Noodle Light Plus, cũng cung cấp 198 calo nhưng có các phiên bản sang trọng như Ratatouille, Bagna Cauda và Lobster Bisque.

Với bao bì hợp thị hiếu, hương vị thơm ngon dành cho người sành ăn, Light Plus thu hút được nhiều khách hàng nữ. Khi Nissin tiến thêm một bước nữa: Làm sợi mì ngắn hơn để dễ ăn hơn và giảm thiểu phải húp xì xụp, gần 70% khách hàng mua sản phẩm này là phụ nữ, theo báo cáo của công ty.

Tới năm 2021, Nissin bỏ Light Plus khỏi các kệ hàng và thay bằng Cup Noodle Pro - sản phẩm giảm đường và gluten, hoàn toàn thích hợp cho cả nam giới và nữ giới thành thị quan tâm tới tập thể dục. Chữ "Pro" biểu thị việc thoát khỏi định kiến ​​về giới tính, thừa nhận rằng người Nhật Bản hiện đại muốn ăn mì ăn liền phù hợp nhất với nhu cầu ăn kiêng của họ.

Tuy nhiên, các khảo sát trực tuyến cho thấy phụ nữ đang tìm đến một sản phẩm khác - Cup Noodle Seafood - là lựa chọn ưa thích. Cup Noodle Seafood có tới 340 calo, không hề thích hợp cho những người "sợ béo" nhưng được cộng đồng ramen trực tuyến của phụ nữ ủng hộ hết sức.

Nikkei cho hay, tất cả những điều này cho thấy cuối cùng phụ nữ Nhật Bản đã có thể tạo dựng mối quan hệ độc lập với mì ramen. Cho dù phụ nữ Nhật Bản chọn ra ngoài quán ramen yêu thích để thưởng thức mì hay ở trong nhà ăn mì ăn liền thì cánh cửa để bước vào thế giới của mì ramen đã rộng mở.

"Đã đến lúc tất cả chúng ta cùng thưởng thức. Chỉ cần đảm bảo rằng, mascara và kem nền của bạn chống nước" - Miyako Kuzushiro chia sẻ.

Thanh Hà
TIN LIÊN QUAN

Phố ẩm thực Phan Xích Long đắt khách sau hơn một tháng khai trương

Nguyên Chân |

TPHCM - Sau hơn một tháng đi vào hoạt động, phố ẩm thực Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) thu hút đông đảo người dân, du khách đến ăn uống, vui chơi.

Người trẻ với đam mê đưa ẩm thực Việt ra thế giới

Thanh Hằng |

Ẩm thực luôn mang trong mình nội hàm văn hóa, khi gọi tên món ăn hoặc thức uống, người ta có thể nhận ra đó là đất nước nào. Những năm gần đây, món Việt ngày càng được chào đón với các thực khách yêu ăn uống trên thế giới. Để có được sự yêu mến như vậy, một phần nhờ vào công sức của thế hệ trẻ tài hoa, sáng tạo và nhiệt huyết, ngày đêm miệt mài quảng bá tinh hoa ẩm thực Việt khắp năm châu.

Mì ramen chân cá sấu giá hơn 1 triệu đồng gây sốc ở Đài Loan

Minh Anh |

Một cửa hàng mì ở Đài Loan (Trung Quốc) gây sốt mạng xã hội bởi món “Godzilla Ramen” - mì chân cá sấu, lấy cảm hứng từ biểu tượng điện ảnh nổi tiếng Nhật Bản.

Chủ tàu du lịch Hạ Long lao đao sau bão Yagi

Đoàn Hưng |

Quảng Ninh - Mặc dù hoạt động du lịch đã phục hồi sau bão Yagi, nhưng những chủ tàu du lịch TP Hạ Long bị chìm đắm vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Giao công an xác minh việc "hôi của" trên cao tốc ở Phú Thọ

Tô Công |

Phú Thọ - UBND huyện Cẩm Khê giao Công an và chính quyền xã Minh Tân xác minh, làm rõ thông tin "hôi của" trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Nam Định có tân Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Lương Hà |

Nam Định - Chiều ngày 30.9, Sở GDĐT tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm Giám đốc Sở GDĐT.

Xe cứu thương cháy rụi trên đường đưa bệnh nhân chuyển viện

Hoài Phương |

Bình Định - Trung chuyển bệnh nhân từ Phú Yên ra Bình Định, chiếc xe cứu thương bất ngờ cháy rụi trên đường.

Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam 5 cán bộ huyện Quảng Xương

Trần Lâm |

THANH HÓA - Công an tỉnh đã bắt tạm giam 5 bị can “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi hành công vụ", trong đó có nguyên Chủ tịch huyện.