Thế nhưng, những ngày đó đã không còn nữa. Hiện nay, nguồn cấp dữ liệu của các mạng xã hội như Instagram và Facebook chứa đầy quảng cáo và bài đăng được tài trợ từ nhãn hàng và doanh nghiệp. Kể cả các mạng xã hội mới nổi như TikTok và Snapchat cũng chứa đầy video từ những người có ảnh hưởng. Họ quảng cáo đủ thứ, từ xà phòng rửa bát tới các ứng dụng hẹn hò.
Nhiều người trẻ đang than phiền về việc các mạng xã hội vốn được yêu thích nay đã rất “loãng” với tràn lan những nội dung không hấp dẫn, thậm chí là “nhạt nhẽo”. Trong khi đó, sự tương tác giữa người dùng mạng xã hội cũng ngày càng ít đi, nhường chỗ cho những quảng cáo và video xu hướng.
Anh Đặng Hoàng Phong, một nhân viên ngân hàng tại Hà Nội cho biết, trước đây anh rất thích sử dụng Facebook để theo dõi bạn bè, xem ảnh và bình luận, tương tác với họ. Tuy nhiên, hiện tại việc dùng mạng xã hội đã không còn hấp dẫn như trước, và tính kết nối giữa người với người đã giảm đi rất nhiều so với ngày xưa.
“Các mạng xã hội hiện tại có quá nhiều quảng cáo và hình ảnh, video xu hướng nhưng thông tin từ bạn bè dường như đang bị bóp tương tác”, anh Phong nói.
Phương tiện truyền thông xã hội hay mạng xã hội, theo nhiều cách, đang trở nên ít mang tính xã hội hơn khi chúng mới xuất hiện. Các loại bài đăng cập nhật thông tin cho bạn bè và gia đình về cuộc sống của người dùng đã ít được các công ty quan tâm hơn trong những năm qua.
Thay vì xem tin nhắn và ảnh từ bạn bè và người thân về kỳ nghỉ hoặc bữa tối thịnh soạn của họ, người dùng Instagram, Facebook, TikTok, Twitter và Snapchat giờ đây thường xem nội dung được tạo dựng một cách chuyên nghiệp đến từ các thương hiệu, người có ảnh hưởng và những người trả tiền để bài đăng được hiển thị.
Sự thay đổi này có ý nghĩa đối với các công ty mạng xã hội lớn và cách mọi người tương tác với nhau qua internet. Nhưng nó cũng đặt ra câu hỏi về ý tưởng cốt lõi của mạng xã hội: một nền tảng trực tuyến.
Khái niệm về một nền tảng, một trang web “tất cả trong một”, hướng tới công chúng, nơi mọi người dành phần lớn thời gian của họ, đã thu hút các công ty lớn trong quá khứ. Nhưng khi các mạng xã hội lớn ưu tiên kết nối mọi người với các thương hiệu hơn là kết nối với những người dùng khác, một số người đã bắt đầu tìm kiếm các trang web và ứng dụng nhỏ, hướng đến cộng đồng dành cho các sở thích và vấn đề cụ thể hơn.
Zizi Papacharissi, giáo sư truyền thông tại Đại học Illinois, Chicago (Mỹ), người giảng dạy các khóa học trên mạng xã hội, cho biết: “Các nền tảng mạng xã hội mà chúng ta biết đã không còn nữa, họ đã tồn tại lâu hơn mục đích ban đầu của họ”.
Xu hướng sử dụng mạng xã hội đang thay đổi
Sự thay đổi này giúp giải thích tại sao một số công ty mạng xã hội, vốn đang có hàng tỉ người dùng và thu về hàng tỉ USD doanh thu, lại đang khám phá những con đường kinh doanh mới.
Có thể kể tới X hay Twitter, mạng xã hội thuộc sở hữu của Elon Musk, khi thúc đẩy mọi người và các thương hiệu trả tiền hàng tháng để trở thành người đăng ký với các quyền lợi nhất định. Trong khi đó, Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, đang chuyển sang phát triển thế giới trực tuyến metaverse.
Sau thời kỳ bùng nổ của các mạng xã hội, nhiều người đã có sự lựa chọn khác khi tham gia internet. Thay vì dành toàn bộ thời gian cho một hoặc vài mạng xã hội lớn, một số người lại hướng tới các trang web nhỏ hơn, tập trung hơn vào những gì họ mong muốn. Ethan Zuckerman, giáo sư chính sách công tại Đại học Massachusetts Amherst, cho biết: “Trong tương lai, bạn sẽ là thành viên của hàng chục cộng đồng khác nhau, bởi vì chúng ta vốn là như vậy”.
Sự chuyển đổi sang các mạng xã hội nhỏ hơn đã được dự đoán từ nhiều năm trước bởi một số tên tuổi lớn nhất của ngành truyền thông xã hội, bao gồm Mark Zuckerberg, giám đốc điều hành của Meta và Jack Dorsey, người sáng lập Twitter.
Vào năm 2019, Mark Zuckerberg đã viết trong một bài đăng trên Facebook rằng nhắn tin riêng tư và các nhóm nhỏ là những lĩnh vực giao tiếp trực tuyến phát triển nhanh nhất. Bên cạnh đó, người sáng lập Twitter Jack Dorsey đã thúc đẩy khái niệm mạng xã hội phi tập trung, cho phép mọi người kiểm soát nội dung họ xem và cộng đồng mà họ tương tác. Gần đây ông đã được phát hiện sử dụng Nostr, một trang mạng xã hội dựa trên nguyên tắc này.
Mạng xã hội sẽ ngày càng thu nhỏ
Trong năm qua, các nhà công nghệ và học giả cũng đã tập trung vào các mạng xã hội nhỏ hơn. Trong một bài báo xuất bản vào tháng trước với tựa đề “Chiếc ghế ba chân: Tuyên ngôn cho một Internet nhỏ hơn, dày đặc hơn”, ông Zuckerman và các học giả khác đã phác thảo cách các công ty trong tương lai có thể vận hành các mạng nhỏ với chi phí thấp. Tuy nhiên, cư dân mạng sẽ phải nhận phần khó khăn khi tìm kiếm các mạng xã hội nhỏ, mới hơn vì chúng ít được biết đến. Các mạng xã hội rộng hơn, như Facebook hay Reddit, thường phải đóng vai trò là cửa ngõ dẫn đến các cộng đồng nhỏ này.
Một lợi ích chính của các mạng lưới nhỏ là chúng tạo ra các diễn đàn cho các cộng đồng cụ thể, bao gồm cả những người ít được quan tâm. Nó cũng có thể giúp giảm bớt một số áp lực xã hội khi sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi.
Nhiều mạng nhỏ hơn có thể sẽ xuất hiện để phục vụ nhu cầu của cư dân mạng. Năm 2022, Đại học Harvard (Mỹ), nơi Mark Zuckerberg thành lập Facebook vào năm 2004 khi còn là sinh viên, đã bắt đầu một chương trình nghiên cứu giúp sinh viên và những người khác cùng nhau tạo và thử nghiệm các mạng xã hội mới.
Một ứng dụng xuất hiện từ chương trình mang tên Minus đã thu hút được sự chú ý của người dùng internet khi chỉ cho phép họ đăng tổng cộng 100 bài trên dòng thời gian của họ. Ý tưởng là làm cho mọi người cảm thấy được kết nối trong một môi trường mà thời gian bên nhau được coi là nguồn tài nguyên quý giá và hữu hạn, không giống như các mạng xã hội truyền thống như Facebook và Twitter sử dụng giao diện cuộn vô hạn để giữ chân người dùng lâu nhất có thể.