Trồng cây - giữ rừng

nguyễn năng lực |

Nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, với đặc trưng khí hậu nhiệt đới có gió mùa, thiên nhiên đã ưu đãi ban cho dải đất hình chữ S ven bờ Thái Bình Dương của chúng ta những điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển trồng cây, trồng rừng.

Với tầm nhìn chiến lược của một thiên tài, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, miền Bắc bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy lợi ích của việc trồng cây. Ngày 30.5.1959, lấy bút danh Trần Lực, Bác viết bài “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở”, đăng trên Báo Nhân dân số 1901. Người căn dặn: “Ngay từ bây giờ, đồng bào nông dân phải bắt tay vào việc chuẩn bị vật liệu làm nhà: Mỗi người (trong mỗi gia đình, tính cả già, trẻ, gái, trai) phải trồng ít nhất là 5 cây (cây xoan và các thứ cây khác có thể làm kèo, làm cột). Và mỗi gia đình phải trồng một bụi tre”. Mượn ý người xưa, Bác căn dặn đồng bào: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người", trồng cây là "ta làm cho ta và cho con cháu đời sau". Đầu Xuân Canh Tý 1960, Bác làm hai câu thơ: "Mùa Xuân là Tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng xuân" gửi đồng bào miền Bắc. Từ đó, Tết Trồng cây đã trở thành một mỹ tục trong đời sống mỗi khi đến độ xuân về, thành phong trào tự giác trong mọi tầng lớp nhân dân, từ nam, phụ, lão, ấu. Đầu xuân, khắp thôn quê, phố phường, nhà trường, công sở... rộn rã tiếng trống tiếng loa cổ vũ cho Tết trồng cây. Các cụ cao niên khăn đóng áo dài, tráng niên chít khăn đầu rìu, thắt lưng vàng đỏ, các em thiếu nhi cổ quàng khăn đỏ náo nức như đi trảy hội, bừng bừng khí thế thực hành "Tết trồng cây" theo lời Bác Hồ dạy với những chỉ tiêu cụ thể. Những "Vườn cây Bác Hồ", "Ao cá Bác Hồ", những con đường cây xanh "ông trồng cháu chăm" của các tổ chức hội, đoàn thể phụ lão, thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi... có mặt ở mọi nơi. Chỉ trong mười năm (1960 - 1970), đã có hàng trăm triệu cây xanh được trồng, như Bác mong muốn "làm cho nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta” (Hồ Chí Minh - Báo Nhân Dân số 2082 ngày 28.11.1959).

Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở những vùng núi cao, đời sống gắn bó với rừng cây. Hầu như dân tộc nào cũng có lễ hội Cúng thần rừng vào mùa xuân. Rừng trong tâm thức họ như trái tim của cộng đồng, được tôn thờ, sùng kính như với ông bà, tổ tiên. Những khu rừng cấm thường gắn với truyền thuyết, giai thoại, không ai dám xâm phạm dù chỉ là hái một ngọn măng, chặt một cành cây, săn bắt một con chim, con thú. Luật tục truyền đời nghiêm khắc cấm, tuyệt đối không được chặt cây rừng đầu nguồn nước. Những nơi rừng khai thác thì chặt một cây to phải trồng bù 5 đến 10 cây mới, cấm không được phát quang, đốt rừng làm nương. Những luật tục ấy cho thấy, bà con đã đạt đến trình độ văn minh cao, nhận thức được giá trị của rừng trong đời sống và sản xuất: Bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường, giữ cân bằng sinh thái.

Năm 2010, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị tham gia chung tay, góp sức xây dựng nông thôn trù phú, ấm no, văn minh, hiện đại, giàu đẹp, giữ vững bản sắc và an ninh trật tự. Một trong những tiêu chí của "Nông thôn mới" là chỉ tiêu cây xanh: Tối thiểu 90% hộ canh tác trồng trọt có vườn đạt các yêu cầu hơn 35% diện tích cây xanh/tổng diện tích đất vườn; hơn 50% diện tích cây cho sản phẩm hàng hóa chủ lực/diện tích trồng cây... Đến nay, phong trào xây dựng nông thôn mới đã gắn với xây dựng đô thị văn minh, trong đó cây xanh vẫn là một chỉ tiêu quan trọng.

Giữa những năm 1960, theo cơ quan mẹ đi sơ tán về Lục Nam, Bắc Giang tránh bom Mỹ, lũ trẻ chúng tôi còn được vào rừng, bới những lớp lá cây rơi dày trên mặt đất, tìm nhặt hạt dẻ rụng xuống từ những cây cổ thụ cao vút. Đầu những năm 1970, trước khi lên đường ra mặt trận, tôi được bạn gái đưa về thăm miền Trung du quê cô. Lần đầu tiên đi trên con đường đất quanh co uốn lượn giữa những rừng cọ, đồi chè, nương sở, nương trẩu, mắt đầy ắp màu xanh của cây lá, thấy lòng thanh thản, phơi phới một niềm vui trong trẻo. Những năm chiến tranh ác liệt, tôi và bạn bè, đồng đội tôi đánh địch trên mọi chiến trường, từ Bình Trị Thiên khói lửa, Nam Trung Bộ kiên cường đến Miền Đông gian lao mà anh dũng đã giấu mình trong rừng, nhờ rừng che chở để diệt thù. Những binh đoàn quân giải phóng trùng điệp xe tăng, pháo lớn, tên lửa; những sân bay dã chiến và hàng chục vạn cây số Đường Hồ Chí Minh đã nương vào rừng, vào cây mà đánh giặc. Những bàn chân trần, những bàn chân đi dép caosu đã lội qua những rừng đước Cà Mau, những cánh rừng săng lẻ, rừng khộp để tiến về giải phóng Sài Gòn. Hàng vạn galon chất độc da cam người Mỹ ném xuống, rải xuống không hủy diệt được màu xanh của rừng nhiệt đới Việt Nam. Có một cây là có rừng và rừng đã lên xanh, rừng giữ đất quê hương.

Lợi ích của việc trồng rừng, giữ rừng ai cũng biết, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, mấy chục năm qua, việc trồng cây, giữ rừng chưa được như mong muốn của Bác Hồ, của nhân dân.

Diện tích rừng tự nhiên ở nước ta có xu hướng ngày càng thu hẹp. Năm 1943, cả nước có 14,3 triệu ha rừng, tất cả đều là rừng tự nhiên, độ che phủ đạt 43% diện tích lãnh thổ. Sau những nỗ lực của ngành Nông nghiệp, đến năm 2010, độ che phủ rừng tăng lên được 39,5%, trong đó chủ yếu là rừng sản xuất. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết ngày 31.12.2019, tổng diện tích đất có rừng toàn quốc là hơn 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên gần 10,3 triệu ha, rừng trồng hơn 4,3 triệu ha. Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỉ lệ che phủ toàn quốc là hơn 13,8 triệu ha, tỉ lệ che phủ là 41,89%. Nhưng tính xác thực của số liệu còn là vấn đề cần được kiểm chứng, khi bệnh thành tích còn nặng, hiểu biết, nhận thức về cây, về rừng còn chưa đầy đủ, chưa khoa học và ngày càng lộ rõ những toan tính trục lợi từ rừng.

Mấy năm gần đây, Tết trồng cây và nghi thức trồng cây lưu niệm ngày càng nặng tính hình thức, nhiều khi gây phản cảm, phản ứng trong nhân dân. Năm 2020, lần đầu tiên trong lịch sử, đất nước Việt Nam vốn chưa giàu mạnh gì xảy ra thiên tai, bão lũ nghiêm trọng kéo dài suốt một dải miền Trung. Phân tích nguyên nhân, nhiều chuyên gia về môi trường nhận định, ngoài tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino hoành hành, là tác động của việc phá rừng, đánh đổi lợi ích lâu dài do rừng đem lại lấy lợi ích kinh tế ngắn hạn.

Trước nguy cơ rừng bị tàn phá, giảm sút nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần ra lệnh đóng cửa rừng, nhưng xem ra hiệu quả không cao, nạn lâm tặc phá rừng không có dấu hiệu bị ngăn chặn.

Để tư tưởng Hồ Chí Minh về trồng cây "làm cho đất nước càng ngày càng xuân", rất cần một chính sách có tầm nhìn chiến lược và những biện pháp hiệu quả của Đảng, Nhà nước. Trồng cây phải gắn với giữ rừng.

nguyễn năng lực
TIN LIÊN QUAN

-1,5 độ C, đỉnh Mẫu Sơn xuất hiện băng tuyết phủ trắng núi rừng

Tạ Quang |

Sáng 8.1, Đỉnh Mẫu Sơn nhiệt độ giảm sâu xuống còn -1,5 độ C vào lúc 6 giờ sáng nên băng giá đã xuất hiện khiến nhiều du khách đã đổ về đây để ngắm cảnh thiên nhiên kỳ thú.

Phong vị kỳ thú nơi núi rừng miền Bắc

THÁI A |

Nói về món ăn vùng miền thì biết sao cho hết, bởi trên khắp đất nước chỗ nào chẳng có những món đặc trưng, nhưng có lẽ miền núi rừng Đông, Tây Bắc là nơi chứa đựng nhiều phong vị lạ nhất, vừa độc đáo bởi nguyên vật liệu, vừa phong phú bởi cách chế biến. Nơi núi rừng miền Bắc, quê hương của các tộc người Thái, Mông, Dao, Tày, Nùng... mỗi dân tộc đều có cách chế biến riêng, cộng thêm sự giao thoa văn hóa nên mỗi bước đi ở miền này đều có thể khám phá thêm nhiều điều mới lạ với khách miền xuôi.

Sức sống mới trên núi rừng Tung Khẳng

MINH THƯ |

Tung Khẳng (thung lũng tại xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) trước đây rừng bị phá tan hoang bởi lâm tặc, nay trở nên xanh tươi, trù phú từ bàn tay, khối óc và quyết tâm làm giàu trên quê hương của chàng trai trẻ.

Hoa tháng 3 đậm sắc hương núi rừng giữa trời Hà Giang

Tùng Giang |

Tháng 3, núi rừng Hà Giang bắt đầu thay màu áo mới. Sắc hương từ những rừng đào, rừng mận, hoa gạo đua nhau bung nở khắp trời Đông Bắc khiến ai đặt chân tới nơi đây cũng phải ngẩn ngơ.

Huấn luyện viên Nam Định: Chúng tôi cần cải thiện tấn công

Thanh Vũ |

Huấn luyện viên Vũ Hồng Việt cho rằng Thép Xanh Nam Định cần phải cải thiện khâu tấn công.

Cole Palmer lập poker giúp Chelsea thắng Brighton 4-2

Nhóm PV |

Tối 28.9, Chelsea đã đánh bại Brighton 4-2 trong ngày thi đấu chói sáng của Cole Palmer ở vòng 6 Premier League.

Giờ thứ 9: Chia ly để hạnh phúc - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Người đàn ông đã có vợ nhưng lại có tình cảm với một cô gái trẻ. Họ yêu nhau trong bóng tối và rắc rối xảy đến khi cô gái bỗng nhiên có bầu.

Tiễn biệt PGS Đặng Bích Hà về với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Vương Trần |

Hạnh phúc lớn nhất cuộc đời của PGS Đặng Bích Hà là gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, làm hậu phương vững chắc, để Đại tướng chuyên tâm việc nước, việc quân.

-1,5 độ C, đỉnh Mẫu Sơn xuất hiện băng tuyết phủ trắng núi rừng

Tạ Quang |

Sáng 8.1, Đỉnh Mẫu Sơn nhiệt độ giảm sâu xuống còn -1,5 độ C vào lúc 6 giờ sáng nên băng giá đã xuất hiện khiến nhiều du khách đã đổ về đây để ngắm cảnh thiên nhiên kỳ thú.

Phong vị kỳ thú nơi núi rừng miền Bắc

THÁI A |

Nói về món ăn vùng miền thì biết sao cho hết, bởi trên khắp đất nước chỗ nào chẳng có những món đặc trưng, nhưng có lẽ miền núi rừng Đông, Tây Bắc là nơi chứa đựng nhiều phong vị lạ nhất, vừa độc đáo bởi nguyên vật liệu, vừa phong phú bởi cách chế biến. Nơi núi rừng miền Bắc, quê hương của các tộc người Thái, Mông, Dao, Tày, Nùng... mỗi dân tộc đều có cách chế biến riêng, cộng thêm sự giao thoa văn hóa nên mỗi bước đi ở miền này đều có thể khám phá thêm nhiều điều mới lạ với khách miền xuôi.

Sức sống mới trên núi rừng Tung Khẳng

MINH THƯ |

Tung Khẳng (thung lũng tại xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) trước đây rừng bị phá tan hoang bởi lâm tặc, nay trở nên xanh tươi, trù phú từ bàn tay, khối óc và quyết tâm làm giàu trên quê hương của chàng trai trẻ.

Hoa tháng 3 đậm sắc hương núi rừng giữa trời Hà Giang

Tùng Giang |

Tháng 3, núi rừng Hà Giang bắt đầu thay màu áo mới. Sắc hương từ những rừng đào, rừng mận, hoa gạo đua nhau bung nở khắp trời Đông Bắc khiến ai đặt chân tới nơi đây cũng phải ngẩn ngơ.