Truyện ngắn dự thi: Người gác đèn biển

Tiến Luận |

Làng tôi bên bờ sông Rừng. Bên kia là mỏ đá Thạch Sơn, một  dãy núi đá chạy dài bên con sông Giá là nơi khai thác đá phục vụ cho nhà máy sản xuất xi măng Z. Hằng ngày đi học về, tôi thường đứng trên bờ đê nhìn lên những ngọn núi đá bạc phếch dưới ánh nắng chói chang, những người thợ đá đứng chông chênh như những con thạch sùng bám trên vách núi.

Người nào cũng một chiếc dây thừng buộc ngang lưng, mải mê từng cặp đục lỗ mìn chan chát. Dưới chân núi là những người thợ pha đá hộc, ghè đá dăm với những chiếc máy nghiền đá chạy lạo xạo tung bụi mịt mù. Tôi nghĩ trên đời này có lẽ không có nghề nào nguy hiểm và vất vả như những người làm đá. Đá của núi, núi của trời, một loại vật liệu sản xuất xi măng, nung vôi, xây nhà, làm đường, xây cầu cống nằm trơ trên mặt đất thế mà dân làng tôi, ai cũng nghèo! Biết vậy mà vẫn phải bám lấy nghề làm đá.

Lũ bạn cùng học với tôi thường chỉ học đến lớp sáu, lớp bảy là bỏ học xuống thuyền làm chân sào rồi trở thành công nhân bốc vác đá dưới thuyền vận tải, đứa là công nhân nhà máy xi măng. Cha tôi bảo: Nghề làm đá trên núi, nghề đi thuyền dưới sông là hai nghề cực nhọc đầy hiểm nguy bất trắc. Con cố gắng học cho tốt để thi vào Trường Đại học Hàng Hải, hoặc kĩ sư làm việc trong nhà máy xi măng thì đời mới có tương lai.

Tôi chăm chỉ dùi mài đèn sách đến hết lớp mười đi thi đại học thì không may trượt vỏ chuối, buồn đến nát lòng. Vì kinh tế gia đình khó khăn nên cha tôi đưa tôi xuống thuyền vận tải làm công nhân bốc vác. Thế là uớc mơ của tôi đã tan như mây khói.

Thuyền vận tải cha tôi cầm lái là con thuyền gỗ, sức chở hơn ba mươi tấn với ba công nhân bốc vác, thêm tôi là bốn. Hằng ngày chở đá từ mỏ Thạch Sơn về nhà máy xi măng Z. Thuyền chạy qua sông Rừng, rẽ vào sông Ruột Lợn, ngoặt trái, ngoặt phải, quanh co bẩy khúc chữ chi. Có lẽ vì thế mà người ta gọi là sông Ruột Lợn.

Lần đầu tiên được sống dưới thuyền, tôi vô cùng thích thú nhận ra nước biển không phải lúc nào cũng màu xanh, mà nó biến đổi sắc màu theo ánh mặt trời bức xạ. Lịch trình của con thuyền là hai ngày một chuyến. Công nhân bốc vác làm việc dưới thuyền được gọi là chân sào. Thuyền cập bến đá, mỗi anh chân sào cắp một cái thúng lên bãi xếp đá cho đầy thúng rồi nhờ nhau nâng lên đầu đội xuống thuyền.

Lần đầu tiên tôi biết thế nào là công việc đội đá. Thúng đá nặng dễ đến ba, bốn mươi cân đè nặng trên đầu có lúc tưởng như gẫy cổ. Bước chân liêu xiêu đi trên con đường lởm chởm đá xuống thuyền là một cây cầu bằng tấm ván dài từ trên bờ xuống thuyền. Có một lần tôi bị chệch chân cả người và thúng đá ngã tòm xuống nước. Vuốt mặt mà đứng lên. Tiếng cười rúc rích của những cô gái trên bãi đá khiến tôi đỏ mặt.

Thuyền buồm làng tôi không giống bất cứ con thuyền buồm nào ở các địa phương khác trong cả nước. Thuyền có thể chạy được đủ các chiều gió. Thế mới lạ! Cha tôi bảo là nhờ ở giữa khoang mũi có một rãnh dài xuyên suốt từ sạp mũi qua đáy thuyền để lắp một bánh lái mũi gọi là “sam”. Khi chạy ngược gió thì hạ “sam” xuống nước gây ra lực cản giúp cho thuyền không bị nghiêng, trôi hoặc lật úp.

Hôm ấy thuyền của cha tôi hưởng ứng cuộc thi đua lập thành tích chào mừng ngày Quốc tế Lao động 1.5 do công đoàn tổ chức. Các ông lái được dịp trổ tài. Ngay từ sáng sớm trời đã lộng gió Đông Nam. Các con thuyền đều chở dằm mớn từ mỏ đá Thạch Sơn chạy về nhà máy xi măng vừa ngược nước lại ngược gió, thuyền phải chạy “vát”.

Tôi đứng phía mũi thuyền trở lèo buồm mũi. Anh Hợp trở buồm lòng. Hai cánh buồm no gió căng phồng nổi bật lên những thép buồm như đường gân trên hai cánh con dơi. Thuyền nghiêng về một bên, mạn thuyền gần như áp sát mặt nước. Sóng đánh trắng phau chờm cả lên sạp mũi. Tôi luống cuống tưởng như con thuyền sắp bị lật úp đến nơi thì cha tôi vẫn bình thản.

Ông lệnh cho anh chân sào hạ hết “sam” xuống. Nhanh tắp lự, “sam” vừa hạ xuống thì con thuyền trở lại thăng bằng, không trôi dạt như trước. Cha tôi cứ ung dung cầm lái cho con thuyền gối mũi lên đầu sóng mà đi.

Đoàn thuyền phăm phăm rẽ nước, tung sóng bạc đầu chạy qua cây Đèn biển sơn màu trắng toát rẽ vào sông Ruột Lợn thì trời đã nhá nhem tối. Một cơn giông bất chợt ập tới. Bầu trời và mặt sông đen kịt. Gió mỗi lúc một to. Cánh buồm kêu răng rắc kéo căng các dây chằng cột. Thuyền chao đảo dập dềnh, nước tràn qua sạp mũi. Cha tôi hạ lệnh: “Hạ ba thép buồm!”.

Anh chân sào Nùng cùng tôi nhanh tay nới dây kéo thả xuống ba thép buồm. Giữa lúc ấy tôi nghe có tiếng “răng rắc” phía sau. Ngoái lại mới biết thuyền ông lái Cận chỉ xuống buồm chậm một tí mà gãy cột buồm mũi. Trong giây phút hoang mang tôi không chú ý mải nhìn những con thuyền chạy phía sau thì cha tôi gạt tay lái cho con thuyền ngoặt vào sông Ruột Lợn. Tôi có cảm giác như có cánh tay khổng lồ gạt phắt tôi xuống sông. Tôi tối tăm mặt mũi vùng vẫy cố bơi đến thuyền, nhưng gió to, nước ngược cứ kéo tôi ra xa.

Thuyền đang xuôi nước, xuôi gió, cha tôi không thể cho thuyền quay trở lại ngay được. Đang lúc cam go giữa cái sống và cái chết thì may sao có một anh thuyền chài chèo thuyền nan đến vớt tôi lên. Anh đưa tôi về cây đèn trắng thì cũng là lúc thuyền của cha tôi đã quay trở lại đưa tôi về thuyền. Trong niềm vui và xúc động cha tôi rối rít cảm ơn ân nhân và cứ ân hận mãi là không chỉ bảo biện pháp an toàn cho tôi khi thuyền đang chạy.

Sau một tuần kết thúc cuộc thi đua thuyền, ông lái Nhụ đoạt giải nhất được cắm một chiếc cờ đỏ đuôi nheo bay phấp phới trên đỉnh cột buồm. Thuyền của ông lái Vỹ đoạt giải nhì được cắm cờ vàng. Thuyền cha tôi vì gây tai nạn do tôi bị ngã xuống sông nên được cắm cờ xanh!

Thế mới biết cái nghề đi sông nước không nhàn rỗi, mộng mơ như tôi tưởng. Vô cùng gian nan vất vả đầy những bất trắc tai ương, nhưng rèn luyện cho con người dày dạn, có tinh thần mạnh mẽ, có ý chí vững vàng trước gió to cũng như sóng gió của cuộc đời.

Những lúc thư nhàn tôi thường ngồi đằng lái nghe cha tôi nói về nghề sông nước: Người đi sông nước phải hiểu luồng lạch từng con sông. Những con sông miền trên chỉ chảy một chiều xuôi ra biển. Sông Rừng, sông Ruột Lợn thì chảy hai chiều. Khi thuỷ triều lên thì nước chảy vào đất liền, thuỷ triều xuống thì nước rút ra biển.

Nếu không có những chiếc “bù lù” như những chiếc phao nổi lềnh bềnh trên những cồn đá ấy; Nếu không có những ngọn hải đăng nhấp nháy dẫn lối cho tàu thuyền qua lại thì thật là nguy hiểm. Tàu, thuyền sẽ ra sao khi va vào cồn đá? Vì thế mà người ta ví ngọn hải đăng cũng giống như anh lính hải quân đứng canh gác biển. Đêm nào cũng phải cháy sáng hết mình.

Cha tôi chỉ tay về phía ngọn hải đăng ở cuối sông xây bằng xi măng cốt thép như một gian nhà nổi. Ông nói: Cây đèn này xây từ hồi thuộc Pháp lúc nào cũng sơn màu trắng toát nên người ta thường gọi là cây Đèn Trắng. Có người mộng mơ thì bảo như bông hoa sen nở giữa lòng sông. Người thì bảo cây đèn giống cái thuyền câu. Dân làng chài thực dụng thì gọi là cây Đèn Nơm vì nhìn xa rất giống cái nơm chụp cá.

Cây đèn đứng một mình chơ vơ giữa bốn bề sông nước. Quanh năm sóng dập vào chân cột mà nó vẫn đứng trơ thi gan cùng sóng gió. Nó cũng giống như chủ nhân của nó - là anh gác đèn đã cứu con đêm ấy.

- Anh ấy ở trên cây đèn một mình thôi thưa cha?

- Một mình thôi. Một mình anh quản lý cây đèn Nơm, cây đèn Đen và các “bù lù” trên sông Ruột Lợn, sông Rừng.

Tôi thở dài tỏ ra thương hại: Sống một mình trên đó thì buồn lắm cha nhỉ?

- Nếu  chỉ  thấy buồn thì làm sao mà sống được hở con? Buồn hay vui cũng là do mình. Tự mình phải tìm lấy nguồn vui. Niềm vui chỉ thấy khi ta thiết tha với nơi đang sống, từ đó mà yêu công việc mình làm. Anh ta yêu cây đèn cũng như cha con mình phải biết yêu con thuyền, yêu dòng sông, bến bãi. Sống trên bờ dân cư đông đúc nhưng nhiều cái làm cho ta phiền lòng. Sống trên sông nước bạn bè, hàng xóm đều là những người lao động cực nhọc, nhưng người ta biết thương yêu nhau, sống với nhau bằng tấm lòng chân thật, không đố kị bon chen, không giả dối lọc lừa. Sướng lắm, vui lắm chứ!

Tôi đang mải mê trước cảnh thiên nhiên lúc hoàng hôn thì có một chiếc thuyền nan chèo tới tấp bám theo. Tôi giật mình tưởng là cướp. Những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ trên con sông này thường xảy ra những vụ cướp than còn gọi là “bám mích”. Chúng đã gây bao hoang mang hãi hùng cho những con tàu dắt sà lan chở than từ cảng Hòn Gai về Hải Phòng.

- Vậy những con thuyền chở đá của chúng ta có bị chúng cướp không cha? - tôi hỏi.

Cha tôi cười khà khà: Đá mà ăn được thì chúng cũng chẳng từ. Nhưng không phải vì thế mà chủ quan. Phải nâng cao cảnh giác. Thời buổi nhiễu nhương này không thể tin ai được.

Con thuyền nan chèo tới gần là một người con trai. Anh  nhếch mép cười:

- Cậu Thực ơi! Cho tôi bám nhờ một đoạn đến cây đèn Cánh Cốc nhá!

Tôi ớ người: Anh là ai sao anh lại biết tên tôi?

- Tôi nhìn thấy cậu nhiều lần mà cậu chỉ gặp tôi mới có một lần.

- Vậy anh là ai, anh đi đâu?

- Tôi đi thắp đèn.

- Đèn chắn đăng?

- Tôi thắp đèn biển. Ngày nào tôi cũng chèo thuyền qua lại trên sông này.

Có một lần cậu ngã xuống sông. Tôi đã đưa thuyền đến giúp...

Vậy là tôi đã gặp lại ân nhân. Anh cho thuyền áp mạn. Cha tôi nhận ra người quen bảo tôi: Anh Phả - người đã cứu con hôm ấy đấy!

Anh tung lên một sợi dây thừng, tôi mừng rỡ đón đầu dây rồi chặt vào cọc chèo. Anh nhảy lên mạn thuyền. Sau những lời thăm hỏi cha tôi, anh cùng tôi ngồi trên sạp mũi trò chuyện cho đến khi thuyền tiến tới gần cây đèn trên lối rẽ vào sông Chanh, anh mới cởi dây cho con thuyền nan trôi dạt ra xa.

Tôi nhìn bóng anh trên chiếc thuyền nan nhỏ bé dập dềnh như chiếc lá trôi trên mặt sông đen thẫm mà tự hỏi: Cuộc sống có vạn nghề, cớ sao anh lại chọn cái nghề gác đèn biển. Điều gì có thể điền đầy cho anh những khoảng trống cô đơn ấy? Hoá ra không phải như tôi nghĩ. Chiều hôm ấy tôi gặp anh cũng bất chợt như lần trước. Anh nói chuyện cởi mở với tôi về gia cảnh.

***

Quê anh Phả là một làng chài bên kia đảo La Khê. Ông nội anh ngày xưa làm nghề gác đèn biển. Bố anh cũng làm nghề gác đèn biển trên cây đèn Nơm. Ngày ấy cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đang ngày càng ác liệt. Chúng đã dùng máy bay B52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, phong toả thuỷ lôi trên các cửa biển, cửa sông. Đoàn thuyền chở đá nháo nhào như ong vỡ tổ. Có vài con thuyền bị trúng bom chìm nghỉm. Bố anh cùng những người dân chài chèo thuyền ra cứu đưa được hết người bị nạn vào bờ...

Anh lại theo nghề của bố gác đèn biển. Hằng ngày trèo lên tháp cao của cây đèn Nơm vệ sinh trang thiết bị, kiểm tra các yếu tố tác động đến cây đèn, kiểm tra từng chi tiết trong hệ thống phản quang.

Suốt ngày nơi đầu sóng, ngọn gió không bạn bè, không người thân thích không phải không có lúc anh thấy buồn. Ấy là khi anh nghĩ về cuộc sống riêng tư. Người vợ trước chỉ sống với anh trong một thời gian ngắn vì không chịu nổi sự cô đơn, nỗi buồn hiu quạnh và nghèo. Cô ta lại nhút nhát.

Người vợ thứ hai là Mẫn cô giáo nuôi dạy trẻ. Suốt ngày quấn quýt, chăm bẵm trẻ thơ, anh thì vẫn suốt ngày mải mê với cây đèn biển. Thi thoảng về thăm vợ con cũng chỉ trong chốc lát. Có một lần anh được về nhà với vợ ban đêm. Hai vợ chồng đang nằm ôm nhau trò chuyện. Anh hỏi: Những đêm nằm một mình em có sợ ma không? Mẫn bảo, em không sợ ma, mà chỉ sợ người! Anh chột dạ hỏi: Xung quanh ta là những người nông dân chân mộc sao em lại sợ?

Mẫn kể cho chồng nghe về một gã hàng xóm nhiều lần gạ gẫm. Mẫn với cây gậy để sẵn ở đầu giường và kêu lên trộm, trộm! Những người hàng xóm cầm gậy gộc chạy ra đuổi bắt được hắn. Rõ là cháy nhà mới ra mặt chuột, tuởng ai hoá ra là anh trưởng xóm!

***

Sống trên con thuyền lênh đênh sông nước nay đây mai đó có lúc tôi hưng phấn cảm thấy như mình là một cánh chim tung cánh giữa bầu trời tự do. Tôi càng thêm yêu nghề sông nước và trở thành anh lái thuyền vận tải cho đến khi nhà máy xi măng Z di dời về mỏ Sơn Thạch. Nơi có nguồn nguyên liệu tại chỗ giảm được công vận chuyển đá. Tôi được cử đi học một lớp lái tàu. Tốt nghiệp trở về được phân công lái con tàu dắt sà lan chở than từ cảng thành phố Hạ Long về nhà máy xi măng mới.

Một buổi chiều tàu tôi kéo đoàn sà lan chở dằm than đi vào giữa hôm nước kém. Chạy qua lối cũ sợ cạn, tôi phải cho tàu chạy vòng qua lạch Đèn Đen. Dân chài gọi là Vụng Đèn. Một cơn giông bất chợt ập đến, tàu của tôi phải vào Vụng Đèn trú ẩn. Sau khi thả hai neo mũi, neo lái chắc chắn, anh em thủy thủ tụ lại trong khoang chơi “tiến lên”. Tôi một mình ngồi trên boong nhìn trời mưa mù mịt. Tôi nhìn thấy một người đàn ông trên chiếc thuyền nan đang chèo vào Vụng Đèn. Tôi gọi:

- Bác gì ơi! Mưa gió thế mà bác chèo đi đâu vậy?

- Tôi đi thắp đèn về đây.

- Thế thì mời bác lên tàu làm vài chén cho nóng người cái đã.

Người đàn ông cho thuyền áp mạn rồi leo lên  tàu. Cả hai cùng nhận ra nhau. Trong vòng tay xiết chặt của anh Phả, tôi hỏi: Anh về gác đèn biển ở nơi này ư? Anh bảo: Ở cây đèn Nơm có nhiều tàu thuyền qua lại. Đứng trên nhà đèn nhìn về thành phố tuy xa nhưng vẫn cảm thấy ấm hơi người.

Phương tiện đi lại không phải chèo thuyền nan như xưa mà bằng xuồng máy. Hãy dành cho những người gác đèn trẻ tuổi. Họ còn nhiều ước mơ. Mình có tuổi rồi, cốt sao cho cây đèn đứng vững toả sáng suốt đêm thâu.

Tôi đã xung phong về gác đèn ở nơi này được hơn năm nay cậu ạ! - Anh vỗ vào vai tôi cười ha hả.

Cảm hứng dâng trào hai chúng tôi cùng hát: “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao...”.

 
Đồng hành cùng Chương trình.
Đồng hành cùng Chương trình.
Tiến Luận
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Trở về

Phạm Thanh Thúy |

“Này anh, xuống xe đi thôi, đến ngã ba cây gạo rồi đó!”.

Phương giật mình vì tiếng gọi sát gần của người phụ xe. Anh vội nhìn ra bên ngoài, nheo mắt vì ánh đèn đường soi rực rỡ. Một không gian ánh sáng ngập tràn.

“Thôi chết, qua chỗ em xuống mất rồi, bác tài ơi!”. Phương kêu lên, cuống quýt ôm cái ba lô hành lý vào lòng.

Truyện ngắn dự thi: Định mức một cuộc tình

Nguyễn Thanh Nga |

Quê tôi ngày xưa, sau lũy tre làng là cánh đồng bạt ngàn màu xanh của lúa. Mùa xuân mẹ cấy lúa chiêm trên đất mềm ruộng ải, đến mùa hè thu hoạch những hạt thóc vàng đầy sân. Sau vụ lúa mùa mẹ lại trồng khoai trồng đậu, cả con sông Đuống bãi bồi phù sa, nơi những chiều hoàng hôn đỏ rực phía chân trời.

Truyện ngắn dự thi: Quê mới

Đinh Ngọc Hùng |

Hết giờ làm thêm buổi tối, Sim cùng các công nhân dây chuyền may quẹt thẻ rồi ra khỏi xưởng.

- Sim ơi! Anh ở đây.

Là Tuấn người yêu Sim. Tuấn làm ở bộ phận kho. Hôm nay bộ phận kho không phải làm thêm nhưng Tuấn ở lại đợi Sim đi ăn tối. Lấy chiếc mũ bảo hiểm đội cho Sim, Tuấn nói:

- Tối nay anh đưa em đi ăn bánh đao để đỡ nhớ núi rừng nhé!

Khuyến cáo khẩn cấp công dân Việt Nam rời khỏi Lebanon

Thanh Hà |

Công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Lebanon được khuyến cáo rời khỏi quốc gia này khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động.

Kiểm toán cung cấp hàng trăm tài liệu cho cơ quan điều tra

CAO NGUYÊN |

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, năm 2023, đã cung cấp hơn 800 tài liệu cho Ủy ban kiểm tra và cơ quan điều tra.

Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị làm việc tại Sơn La

Minh Nguyễn |

Bộ Chính trị đã triển khai kiểm tra việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đối với Tỉnh ủy Sơn La.

Người dân Thanh Hóa đổ xô ra cầu Hàm Rồng xem nước lũ

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Mã dâng cao, nhiều người dân ở TP Thanh Hóa đã tập trung ra cầu Hàm Rồng xem nước lũ.

Cập nhật các tỉnh công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai

Nhóm PV |

Sau ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ do bão số 3, số 4, Thanh Hóa là tỉnh thành tiếp tục phải công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai.

Truyện ngắn dự thi: Trở về

Phạm Thanh Thúy |

“Này anh, xuống xe đi thôi, đến ngã ba cây gạo rồi đó!”.

Phương giật mình vì tiếng gọi sát gần của người phụ xe. Anh vội nhìn ra bên ngoài, nheo mắt vì ánh đèn đường soi rực rỡ. Một không gian ánh sáng ngập tràn.

“Thôi chết, qua chỗ em xuống mất rồi, bác tài ơi!”. Phương kêu lên, cuống quýt ôm cái ba lô hành lý vào lòng.

Truyện ngắn dự thi: Định mức một cuộc tình

Nguyễn Thanh Nga |

Quê tôi ngày xưa, sau lũy tre làng là cánh đồng bạt ngàn màu xanh của lúa. Mùa xuân mẹ cấy lúa chiêm trên đất mềm ruộng ải, đến mùa hè thu hoạch những hạt thóc vàng đầy sân. Sau vụ lúa mùa mẹ lại trồng khoai trồng đậu, cả con sông Đuống bãi bồi phù sa, nơi những chiều hoàng hôn đỏ rực phía chân trời.

Truyện ngắn dự thi: Quê mới

Đinh Ngọc Hùng |

Hết giờ làm thêm buổi tối, Sim cùng các công nhân dây chuyền may quẹt thẻ rồi ra khỏi xưởng.

- Sim ơi! Anh ở đây.

Là Tuấn người yêu Sim. Tuấn làm ở bộ phận kho. Hôm nay bộ phận kho không phải làm thêm nhưng Tuấn ở lại đợi Sim đi ăn tối. Lấy chiếc mũ bảo hiểm đội cho Sim, Tuấn nói:

- Tối nay anh đưa em đi ăn bánh đao để đỡ nhớ núi rừng nhé!