Từ Quảng trường Rond Point Puginier tới Quảng trường Ba Đình lịch sử

Nguyễn Hữu Giới |

Nói tới thủ đô của mỗi nước, thì nước nào cũng có quảng trường trung tâm - quảng trường lớn, ví dụ: Nước Nga có Quảng trường Đỏ (Krasnaya Ploshad), Pháp có Quảng trường Hòa hợp (Concorde), nước Ý có Quảng trường Piazza Navona ở Rome... Đó cũng là nơi thường diễn ra các sự kiện trọng đại của đất nước như tuyên thệ độc lập, lễ diễu binh - diễu hành nhân các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, hoặc các sự kiện quan trọng khác.

Đối với nhiều người dân Việt Nam, Thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước, mà Hà Nội còn lưu giữ trong mình rất nhiều địa danh và di tích lịch sử, di tích văn hoá và cách mạng: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hồ Gươm và Tháp Rùa, Gò Đống Đa, Cột cờ Hà Nội, Nhà Hát lớn và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám... Đặc biệt là Quảng trường Ba Đình, nơi mà 75 năm về trước đã chứng kiến giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc: Ngày tuyên bố độc lập 2.9.1945, nơi đã gắn liền với tên tuổi của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta: Hồ Chí Minh.

1. Mùa thu Tháng Tám cách đây vừa tròn 75 năm, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, toàn dân tộc ta từ Bắc chí Nam, triệu người như một đã nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 2.9.1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, giữa rừng cờ đỏ sao vàng và giữa rừng người dân Việt Nam vừa mới thoát khỏi ách nô lệ của đế quốc - thực dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời long trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Thế là từ một khu đất còn trống vắng, hoang sơ của Hà Nội cũ dưới thời Pháp thuộc, sau ngày tuyên bố độc lập, Quảng trường Ba Đình đã đi vào lịch sử của dân tộc, trở thành nơi khai sinh ra chế độ dân chủ cộng hoà của nước Việt Nam.

Quảng trường Ba Đình trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn gọi là Quảng trường Tròn (Rond Point Puginier) hay còn gọi là Quảng trường Puginier - tên một cha cố người Pháp (Paul Francis Puginier (1835-1892), cố đạo người Pháp, âm mưu giúp F.Garnie và H.Riviere hai lần đánh thành Hà Nội và chiếm đồng bằng Bắc Kỳ, sau này còn mộ nguỵ quân người công giáo đánh phá quân khởi nghĩa Cần Vương). Đó là một khu đất gồm những bãi đất hoang và hồ ao mới lấp, rộng hàng chục héc-ta cạnh Phủ Toàn quyền Pháp. Khu vực Quảng trường Tròn này trong một thời gian dài hầu như chẳng có gì thay đổi. Mặc dù đã hai lần có hai kiến trúc sư người Pháp là Hebrat và Cerruti đưa ra kế hoạch tổng thể để cải tạo và quy hoạch lại Quảng trường Tròn. Và sau đó vào năm 1922 và năm 1938, Phủ Toàn quyền Pháp đã có ý định quy hoạch lại Quảng trường Tròn. Song không hiểu vì lý do gì mà các dự án cải tạo Quảng trường Tròn vẫn nằm trên giấy. Tuy vậy, không phải là không có gì thay đổi. Vào năm 1930, người Pháp cũng đã cho xây dựng một công trình ở mé Quảng trường Tròn (đầu đường Cột Cờ ngày nay), đó là Nha Tài chính và Trước bạ. Ngôi nhà xây khá đẹp, được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp Cerruti và do Hãng Aviat thầu và thi công. Người Pháp cũng đã dự kiến làm một công viên thuộc khu đất của Quảng trường Tròn và đường Hoàng Diệu. Con đường dự kiến đó trên bản đồ mang tên Rue Paul Doumer (tên một viên Toàn quyền Pháp ở Đông Dương), sau Cách mạng Tháng Tám đổi thành phố Nguyễn Lâm. Như vậy là trong nửa đầu thế kỷ XX, Quảng trường Tròn chưa có gì đáng chú ý lắm, chung quanh còn có nhiều bãi rộng đầy cát sỏi, hầu như không có cây cối, là những khoảng đất chờ được xây dựng.

2. Cách mạng Tháng Tám thành công, Thủ đô Hà Nội tiến hành xoá bỏ những vết tích cũ thời Pháp thuộc. Vì thế, các tên phố phường và vườn hoa, công viên cũng có nhiều sự thay đổi. Quảng trường Tròn này không còn mang tên Cố đạo Puginier nữa mà được gọi là Vườn hoa Ba Đình. Sở dĩ gọi là Vườn hoa Ba Đình hay Quảng trường Ba Đình là để tưởng nhớ cuộc khởi nghiã chống Pháp của nhân dân Thanh Hoá cuối thế kỷ XIX, do Đinh Công Tráng lãnh đạo (cuộc khởi nghĩa chống Pháp năm 1886-1887 do Đinh Công Tráng, Hà Văn Mao và Cầm Bá Thước tổ chức tại Nga Sơn (Thanh Hoá), lấy 3 làng Mỹ Khê, Thượng Thọ và Mậu Thịnh làm căn cứ. Nơi đây có 3 ngôi đình của 3 làng được quân khởi nghĩa bố trí làm pháo đài để cầm cự và chiến đấu với địch, nên có tên là Ba Đình). Có phải ngẫu nhiên hay không mà Ban Tổ chức buổi lễ tuyên bố độc lập và giới thiệu Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại chọn Quảng trường Ba Đình, tức là dẫn nó đến một sứ mệnh huy hoàng, làm cho nó trở thành một trong những điểm lịch sử quan trọng của đất nước? Theo yêu cầu của Chính phủ lâm thời hồi đó, Ban tổ chức buổi lễ tuyên bố độc lập (do một số người trong Ban Văn hoá cứu quốc phụ trách với Trưởng ban là Phạm Văn Khoa, kiến trúc sư Ngô Huy Huỳnh và hoạ sĩ Nguyễn Đình Hàm) đi tìm một địa điểm rộng đủ cho một cuộc míttinh lớn có thể tập trung được mấy chục vạn người. Ban đầu, những người trong ban tổ chức định chọn khu Quần Ngựa hoặc Đông Dương học xá, song lại thấy nó quá xa trung tâm thành phố. Còn địa điểm trung tâm là Quảng trường Nhà hát lớn thì lại quá chật chội. Vì vậy, cuối cùng, ban tổ chức đã quyết định chọn Quảng trường Ba Đình, tuy rằng lúc này xung quanh đó vẫn còn những địa điểm như Phủ Toàn quyền Đông Dương, Thành Hà Nội... vẫn còn những lực lượng thù địch chiếm đóng. Buổi lễ trọng đại ngày 2.9.1945, giữa Quảng trường Ba Đình, ban tổ chức đặt một bục gỗ cao, xung quanh quấn vải, dán khẩu hiệu, trên bục có một cột cờ. Bục lễ đài chênh vênh giữa trời nắng chang chang tháng Tám ta, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lên phát biểu, phải có người đứng sau che ô.

Trong thời kỳ Pháp tạm chiếm Hà Nội (1947-1954), Phủ Toàn quyền Pháp đã đổi tên Vườn hoa Ba Đình thành Vườn hoa Hồng Bàng. Năm 1954, khi bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô, Dinh Toàn quyền cũ cạnh Quảng Trường Ba Đình trở thành Phủ Chủ tịch, Quảng trường Ba Đình là nơi thường xuyên có những cuộc mít tinh lớn trong các ngày kỷ niệm lịch sử, hoặc để tiếp đón, chào mừng các phái đoàn quốc tế đến thăm Việt Nam. Vài năm sau, phía bên kia của Quảng trường Ba Đình, Chính phủ ta đã cho xây dựng Hội trường Quốc hội (sau này đổi là Hội trường Ba Đình), cạnh đó sau này là Đài tưởng niệm các anh hùng - liệt sĩ đã hy sinh vì nước.

3. Ngày 2.9.1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Quảng trường Ba Đình cũng là nơi chứng kiến Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam. Sau đó không lâu, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định chọn Quảng trường Ba Đình làm nơi yên nghỉ vĩnh viễn của Người và quyết định xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người, một công trình kiến trúc lịch sử nữa cũng được ra đời bên cạnh Quảng trường Ba Đình - đó là Bảo tàng Hồ Chí Minh; rồi mới đây nhất là tòa Nhà Quốc hội với quy mô hoành tráng, hiện đại của thế kỷ XXI cũng được xây dựng (thay cho Hội trường Ba Đình đã đi vào lịch sử); điều đó cũng góp phần làm cho quần thể khu Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thêm hoàn chỉnh và đẹp đẽ.

Như vậy, từ Quốc khánh năm 1945, Quảng trường Ba Đình vốn có sẵn giá trị là một địa điểm vinh quang, đã có thêm Hội trường Ba Đình (nay là Nhà Quốc hội), Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo tàng mang tên Người, rồi Đài tưởng niệm các anh hùng-liệt sĩ; cùng nhiều di tích lịch sử - cách mạng khác; trở thành một cái tên quen thuộc, thiêng liêng, một niềm tự hào lớn lao không chỉ của người dân Thủ đô, mà còn là vinh quang chung cho nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Quảng trường Ba Đình đã, đang và sẽ mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu của tất cả chúng ta.

Nguyễn Hữu Giới
TIN LIÊN QUAN

Vụ sập cầu Phong Châu, tìm thấy 1 thi thể trong xe tải dưới sông

Tô Công |

Phú Thọ - Chiều 20.9, lực lượng chức năng trong quá trình trục vớt kết cấu cầu Phong Châu bị sập và phương tiện đã phát hiện 1 thi thể trong chiếc xe tải.

Cựu lãnh đạo SCB khai mẹ và dì cũng là bị hại của mình

Tâm Tú |

TPHCM - Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB - Trương Khánh Hoàng cho biết, bản thân ân hận, xót xa vì có nhiều bị hại trong vụ án, trong đó có mẹ và dì của bị cáo.

Đánh người đấu giá đất ngay trụ sở UBND thị trấn ở Bình Định

Hoài Phương |

Công an huyện Phù Cát (Bình Định) đang vào cuộc làm rõ vụ đánh người tham gia đấu giá đất xảy ra tại trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến.

Quảng Nam sẽ xây nhà mới cho cả làng bị họa sạt lở đe dọa

Hoàng Bin |

Quảng Nam sẽ bố trí tái định cư trước Tết cho cả ngôi làng phải di dời khẩn cấp do vết nứt lớn trên đồi cao đe dọa.

Công an xuất hiện tại công ty trúng nhiều gói thầu

HOÀI THANH |

Lực lượng Công an huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã có mặt tại trụ sở Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tập đoàn Việt Anh.

NSND Thế Hiển đã tỉnh lại, nói chuyện được sau cơn nguy kịch

ĐÔNG DU |

Trao đổi với Báo Lao Động, nhà thơ Lê Minh Quốc - đồng nghiệp của NSND Thế Hiển - nói sức khỏe của NSND Thế Hiển đã tiến triển tốt hơn sau cơn nguy kịch.

Sắp đón đợt không khí lạnh đầu tiên, miền Bắc trở mưa

AN AN |

Cơ quan khí tượng cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh đầu mùa, miền Bắc sắp đón một đợt mưa; thời tiết mát mẻ, vùng núi có nơi chuyển lạnh.

Kỷ luật cảnh cáo Chủ tịch huyện Cao Phong

Đặng Tình |

Hòa Bình - Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy vừa quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Quách Văn Ngoan - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong.