Viếng thăm Núi Man Rợ cao 6.279m

Phóng sự của Lãng Quân |

Trên đường đi Machu Picchu, một trong 7 Kỳ quan Thế giới mới, chúng tôi tình cờ gặp nhóm ba phụ nữ xinh đẹp người Mexico. Inca Trail được coi là tuyến đường sắt lướt qua các vùng núi non trữ tình nhất mà loài người từng có được. Nó dài 70km từ thủ phủ Olantaytambo đi “thành phố đã mất” Machu Picchu của người Inca - Đế chế hùng mạnh, với nền văn minh rực sáng, thống trị cả mênh mông lãnh thổ vùng Nam Mỹ (nay chia thành nhiều quốc gia) từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 16. 

Trong các khoang được thiết kế sang trọng với dịch vụ thứ thiệt của đoàn tàu ấy, chúng tôi rôm rả ca tụng vẻ đẹp của Peru. Một phụ nữ đẹp như được Thượng đế cử xuống. Mắt xanh và sâu thẳm, da trắng nâu như ngấm cả hương rừng sắc núi từ nhiều chuyến lãng du.

Núi không cốt ở cao, mà quan trọng là núi ấy có Tiên ở

Hóa ra, cả khoang, ai cũng đi những hành trình giống nhau, chỉ có người đàn bà cởi mở với chiếc iPhone chứa một kho ảnh dường như vô tận là khác biệt. Chị nói say sưa về Salcantay - một ngọn núi của thần thánh, với vẻ đẹp bí ẩn và sự uy nghi đầy mãnh lực. “Hồ xanh như ngọc bích, núi tuyết trắng cao 6.279m so với mực nước biển. Núi đẹp và có hồn đến mức, vừa trông thấy ngài, tôi đã nghĩ: Nếu không đến được nơi này, chắc chắn mình sẽ phải ân hận nhiều lắm đấy! Và tôi thầm cảm ơn số phận”.

Giờ là lúc tôi phải cảm ơn số phận với con tàu Inca Trail đã cho tôi gặp chị. Thần Núi, thần Mặt trời của người Inca đã xui chị ngồi trên con tàu này để làm hướng đạo cho hành trình khám phá tiếp theo của chúng tôi.

Hoàng hôn ám ảnh và óng ánh trên núi tuyết 6.279m ở Peru, cách Cusco 60km.
Hoàng hôn ám ảnh và óng ánh trên núi tuyết 6.279m ở Peru, cách Cusco 60km.

Núi cao nhất thế giới của Himalaya ở vùng Bhutan, Tây Tạng, Nepal tôi đã đi nhiều. Và, với “chủ nhà Andes”, đỉnh Salkantay cũng chỉ xếp thứ 38 về độ cao. Nhưng đúng như các cụ ta đã nói: Núi không cốt ở cao mà núi quan trọng là có tiên ở; sông không cốt ở sâu, mà quan trọng là sông có rồng ngự. Salkantay, ở vài góc nhìn, ngài tròn một cách góc cạnh, với các mảng tuyết sơn lớn ghép lại giống gương mặt người thời tối cổ. Xung quanh ngài là đủ loại núi đồi, có khi đen kịt trước sự phản chiếu của hào quang ánh tuyết và mây trắng, có khi lam nham vằn vện như vừa qua một đợt phun trào núi lửa dữ dội. Núi cao gần gấp đôi nóc nhà Đông Dương Fansipan của chúng ta - song, núi là một điểm cao đặc biệt, tọa lạc trong một khu vực địa hình sâu hõm xuống. Từng đoàn ngựa vạm vỡ trệu trạo cõng khách lên trạm nghỉ lưng đồi; từng dãy lều tròn có các ô cửa tò vò trong veo như gương mặt cười thương mến; và, người ta đã đầu tư các dịch vụ leo núi, biển báo, cột mốc trang trọng phục vụ các đoàn chinh phục Salkantay đang ngày càng đông.

Người phương Đông trân trọng núi, không dẫm đạp ăn ở trên núi để khoe chiến thắng, mà họ đi bộ quanh núi để tinh thần, uy lực, sự bảo bọc của núi ngấm vào cơ thể, trái tim, khối óc họ. Mặc người phương Tây leo Everest và xương trắng ủ trong tuyết lạnh đã nhiều thập niên qua; người yêu cái triết lý “nhân giả ngạo sơn” của phương Đông vẫn sống bằng cái tinh thần của người Tây Tạng ứng xử với núi thiêng Kailash (còn gọi là Ngân Sơn, một “vũ trụ tâm linh” cao khoảng 6.600m). Họ đi từ quê hương họ, có thể qua hàng nghìn cây số và đi trong nhiều năm ròng, đi theo lối tam bộ nhất bái cho ngũ thể nhập địa, tức là cứ ba bước lại dừng hẳn một lần, đập cả 5 bộ phận của cơ thể gồm trán, ngực, gối, tay, bụng... xuống đất một lần. Có người không sống sót được trước giặc cướp, sự khắc nghiệt của thời tiết và đói rét bệnh tật để đến Ngân Sơn. Người đến được thì họ nhìn núi và cảm nhận được sức mạnh thần thánh từ núi thiêng truyền vào trong họ, giúp họ sáng rõ, thức tỉnh và có năng lượng đặc biệt để sống hoan hỉ suốt phần đời còn lại. Họ cả đời mơ giấc mơ của rồng thiêng; đến Ngân Sơn rồi, chính tự họ đã biến họ thành rồng.

Một du khách người Việt Nam cưỡi ngựa lên chặng đầu tiên của núi tuyết  hơn 6.000m.
Một du khách người Việt Nam cưỡi ngựa lên chặng đầu tiên của núi tuyết hơn 6.000m.

Tôi đã cảm nhận Salkantay từ trên lưng con ngựa chiến leo dốc núi thẳng đứng nửa ngày, rồi đi bộ, hạ trại cắm lều, rồi miên man nghĩ máu mình đã đóng băng trong núi tuyết. Vẫn là một chuyến chinh phục, trèo lên đầu lên cổ núi một cách hỗn hào của người nai nịt đủ thứ thiết bị văn minh mà nhăm nhăm đi vào hoang dã; nhưng cũng còn là cả cái tinh thần đi quanh để tinh thần uy nghi của núi ngấm vào mình, lột xác, thức tỉnh, để mình tin là mình có sức mạnh mới từ xứ linh thiêng. Tôi may mắn được chứng kiến Salkantay với vẻ đẹp huyền hoặc lúc bình minh, với ráng chiều lóng lánh như vàng ròng của tà dương in trên vừng trán tuyết. Lại nữa, lạc hồn trong tuyết, biến mình thành một lữ khách lưu đày biệt xứ khi mở toang mọi cả giác quan thứ... sáu, thứ bảy với hồ xanh như ngọc bích ngay giữa lưng trời băng vĩnh cửu. Con người vụt bỗng trở nên nhỏ bé và hoang mang vô cùng. Giờ mới hiểu, vì sao người ta hay treo ở góc hộ chiếu của mình dòng chữ nổi tiếng: “Những chuyến đi xa làm cho người ta trở nên khiêm tốn hơn”.

Vị thần phụ trách thời tiết và sinh sản của người Inca

Đến núi tuyết, mới thấy vì sao Peru và khu vực này là một trong những thượng nguồn của sông Amazon hùng vĩ nhất quả đất. Bởi các dòng nước trong vắt từ núi tuyết vĩ đại cứ thể rỉ rả chảy đời nọ qua đời kia. Mới biết vì sao hồ Titicaca rộng 8.000km2, trùm lên lãnh thổ hai quốc gia Peru và Bolivia không bao giờ cạn nước. Bởi quanh hồ, sừng sững ủ trong khói sương cuối đường chân trời là núi tuyết, là nước trong ngần và lạnh cóng được liên tục đổ vào 24 con sông - nguồn cấp nước tự nhiên vĩ đại nhất.

Với cả thế giới, đặc biệt với người Peru, Salkantay là ngọn núi danh tiếng và chưa bao giờ hết kỳ bí. Nó là một phần của dãy Andes Peru, nằm cách thành phố danh tiếng cổ kính Cusco 60km về phía tây tây bắc. Cusco là kinh đô của Đế chế Inca từng thống trị phần lớn lãnh thổ Nam Mỹ, nên các công trình kiến trúc cổ nhất, có giá trị tâm linh lớn nhất toàn khu vực, cũng như dấu ấn kiến trúc thực dân Bồ Đào Nha luôn đậm chất nhất ở nơi này. Và vì thế, nó cũng thu hút du lịch ác liệt nhất, không chỉ với thánh địa Kỳ quan Thế giới Machu Picchu. Khám phá Peru và các quốc gia lân cận, người ta thường kết hợp thăm viếng Cusco, Machu Picchu, các đường mòn Inca hàng trăm cây số xuyên núi rừng ghềnh thác, kể cả đu người trên dây cáp băng qua các mép vực hàng trăm mét. Bây giờ có thêm điểm khám phá ngày càng thu hút các điệu hồn mê mải hơn nữa: Núi thiêng Salkantay.

Núi tuyết.
Núi tuyết.

Với bà con sở tại, Salkantay bao đời nay vẫn vậy. Linh thiêng và có một mãnh lực quyến mời và tỏa rạng không tài nào lý giải nổi. Từ tên của núi đã nói lên điều này. Salkantay, trong từ Sallga, một từ mà theo ngôn ngữ cổ Quechua của người Inca được sách vở tài liệu nghiên cứu ghi lại, có nghĩa là: Hoang dã, xa rời văn minh, man rợ hoặc bất khả chiến bại. Ý rằng, như tuổi teen hay ngôn từ mạng xã hội ở ta ấy: Núi hoang sơ dã man; đẹp và hoang vắng một cách man rợ; leo lên đó khó một cách kinh hoàng. Vẻ đẹp và sự bí ẩn kia đã thách thức bà con Peru đã bao đời, chắc là họ chỉ còn cách đứng dưới chân núi, nhìn mênh mông tuyết trắng và đôi lúc leo lên thử đều thất bại.

“Núi man rợ” Salkantay được đặt tên từ thời Inca. Cứ trôi theo sườn phía bắc của Salkantay là bạn sẽ gặp Machu Picchu. Và, từ đồng hồ mặt trời chính của “thành phố đã mất” (lost city), vị trí linh thiêng, huyệt đạo thần thánh trong tâm thức các vị vua Inca nằm trùng khít với, nằm trọn trên đỉnh cao nhất của Salkantay vào mùa mưa. Kiến thức và kinh nghiệm thiên văn, địa lý, khoa học nông nghiệp và kiến trúc của người Inca đã phát triển đến thượng thặng. Từ đó, qua “nghiên cứu” theo cách của họ, họ tin rằng: Vị thần ngự trên núi Salkantay chính là người kiểm soát thời tiết và khả năng sinh sản ở toàn bộ khu vực rộng lớn. Do thế, Salkantay là một ngọn núi tâm linh quan trọng của người Peru. Nó không chỉ đẹp, quyền uy mà còn có thần thánh ngự ở đó để chỉ đạo việc nhân gian trực tiếp và cụ thể.

Đường chinh phục đỉnh Salkantay gần 6.300m vô cùng gian nan, từ vị giám mã to béo người Cusco đến gã lái taxi gầy gò ham khám phá đều tỏ ra rất xúc động. Chúng tôi đi qua nhiều sông băng, núi tuyết, các vực sâu nguy hiểm, các vách đá trắng xóa đầy hiểm họa. Vì biết nó là ngọn núi Man rợ, nên người Peru không hề có ý định chinh phục Salkantay cho đến khi nhà thám hiểm nổi tiếng người Mỹ gốc Pháp tên là Fred D.Ayres có mặt. Không ít người đã vĩnh viễn nằm lại trong tuyết lạnh đỉnh trời. Đoàn thám hiểm đầu tiên đã chinh phục thành công Salkantay vào năm 1952.  Gần đây, ngày 17.6.2013, một đoàn thám hiểm người Mỹ cùng với ông Luis Crispin người Peru đã một lần nữa lên đến đỉnh cao nhất 6.279m, sau 9 giờ leo núi liên tục từ điểm hạ trại cao nhất 5.500m.  Người Peru đầu tiên chinh phục thành công đỉnh cao muôn trượng Salkantay “Man rợ” vừa xuất hiện giữa năm 2013, thì hơn 1 tháng sau, người đầu tiên trên thế giới hai lần chinh phục thành công “Đỉnh của thần cai quản thời tiết và sinh sản” của người Inca đã xuất hiện. Đó là Nathan Heald - nhà thám hiểm Hoa Kỳ. Anh lập kỉ lục leo lên đến đỉnh Salkantay hai lần chỉ trong vòng hơn 40 ngày!

Hạ sơn, gấp lều bạt, chúng tôi thất thểu về khu vực đỗ xe cách hồ xanh huyền thoại không xa. Nhìn thấy chiếc ôtô thân thuộc, bỗng dưng tôi thấy xúc động một cách khó hiểu. Như người Tây Tạng nói, núi đã quyến gọi chúng tôi lên để mở lòng đến tận cùng với sự chứng thực và giác ngộ. Chiều chín ruộm lại thêm một lần phả ráng đỏ vàng đẫm sậm vào lóng lánh đỉnh tuyết sơn u trầm và bao dung kia. Tôi rệu rã, tấp tểnh bước vào cỗ xe trực chỉ một khách sạn trang hoàng của Cusco mà thấy mình như một loài hoang thú của Salkantay vời vợi. Tôi vừa được lột xác sau chuỗi ngày tu tập trên Núi Lớn Salkantay?!

Chinh phục các sườn tuyết trắng khu vực Salcantay được xưng tụng là một trong số 25 tuyến đi bộ leo núi khám phá ấn tượng nhất trên thế giới, theo một Tạp chí Du lịch Khá phá Địa lý Quốc gia danh tiếng bầu chọn. Phần xung quanh núi Salkantay có một số cảnh quan nổi bật, đôi khi vút lên cao, đôi khi trũng xuống tới độ sâu cả 1.000m so với mực nước biển. Quang cảnh tuyệt ngất ngây.

Có ba tuyến đường cho du khách khám phá Salkantay rồi kết hợp với đường mòn Inca và Machu Picchu, có thể bắt đầu từ Mollepata. Nên dành ít nhất 2-3 ngày ở Cusco để cơ thể có thể quen dần. Nên mang theo một số lá coca để nhai hoặc pha vào trà, cách này người dân địa phương đã sử dụng trong một thời gian dài để điều trị ảnh hưởng của không khí loãng. Rất hiệu quả. Ngoài ra, nhiều loại thuốc tây được bán phổ biến ở Cusco cho chứng bệnh đáng sợ này.

Phóng sự của Lãng Quân
TIN LIÊN QUAN

Bắt giữ 1 đối tượng chém Trưởng Công an xã tại Yên Bái

Trần Bùi |

Yên Bái - Sau khi bỏ trốn, 1 trong 2 đối tượng chém trọng thương Trưởng Công an xã Tân Hương, huyện Yên Bình đã bị bắt giữ.

Cựu công an bị cáo buộc gây cản trở điều tra vụ chuyến bay giải cứu

Việt Dũng |

Biết người quen liên quan đến vụ chuyến bay giải cứu, ông Nguyễn Xuân Thông vừa bày cách cho ông này khai báo gian dối, vừa che giấu hành vi phạm tội.

Gia Lai cho thuê khu đất công gần 25.000m2 không qua đấu giá

THANH TUẤN |

Gia Lai – Khu đất công cho thuê có diện tích gần 25.000m2 hiện đang là trường học tiêu chuẩn Quốc tế vừa được Thanh tra Chính phủ xác định có nhiều sai phạm.

Côn đồ đánh gãy xương sườn, tay, chân của ngư dân Hải Phòng

Đại An |

Hải Phòng – Trong lúc đang khai thác ngao ở khu vực ven biển ở Đồ Sơn (Hải Phòng), 2 bố con ông Ph. bị nhiều đối tượng hành hung, gây thương tích nghiêm trọng.

Phà Phong Châu hoạt động hết công suất

Tô Công |

Phú Thọ - Phà Phong Châu đang hoạt động hết công suất phục vụ nhu cầu đi lại của người dân huyện Tam Nông và Lâm Thao.

Jiyeon (T-ara) và chồng cầu thủ ly hôn sau 2 năm kết hôn

DƯƠNG HƯƠNG |

Ngày 5.10, truyền thông Hàn Quốc đưa tin, nữ ca sĩ kiêm diễn viên Jiyeon (T-ara) và cầu thủ bóng chày Hwang Jae Gyun đã nộp đơn ly hôn sau 2 năm kết hôn.

Trại lợn Rutech ở Lạng Sơn có biểu hiện coi thường pháp luật

An Trịnh - Khánh Linh |

Lạng Sơn - UBND huyện Đình Lập cho biết, dù đã nhắc nhở nhiều lần nhưng chủ trại lợn Rutech không hợp tác khắc phục, biểu hiện coi thường pháp luật.

Xe container lao vào nhà dân, tài xế chết tại chỗ

Minh Tâm |

TPHCM - Một xe container từ TPHCM về Bình Dương bất ngờ gây tai nạn rồi lao vào nhà dân (huyện Củ Chi), tài xế tử vong tại chỗ.