Theo ông Nguyễn Thiện Phú, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang, qua 5 năm thực hiện, công tác phối hợp thực hiện quy chế giữa UBND tỉnh với LĐLĐ tỉnh An Giang được triển khai thực hiện thường xuyên, đạt nhiều kết quả quan trọng và hiệu quả, tập trung vào những nội dung chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động. Nhiều vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động và hoạt động công đoàn đã được UBND tỉnh và các sở, ngành, chính quyền địa phương quan tâm, giải quyết kịp thời.
"Công tác phối hợp với các sở, ngành trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật đã thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định, chính sách, chế độ liên quan đến người lao động, tạo được niềm tin của người lao động đối với các cơ quan chức năng, và tổ chức Công đoàn, góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp và trật tự an toàn xã hội” - ông Phú nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, phần lớn các doanh nghiệp đã phối hợp khá tốt với tổ chức Công đoàn trong xây dựng quan hệ lao động, chăm lo đời sống, việc làm, thu nhập, các chế độ, phúc lợi cho người lao động, tạo sự an tâm, gắn bó, ổn định trong lao động, sản xuất. Từ đó, các cấp Công đoàn trong tỉnh ngày càng có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả, đảm bảo chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần tiếp tục xem xét, giải quyết trong thời gian tới, như: Chất lượng bữa ăn giữa ca chưa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho người lao động; việc ký kết hợp đồng lao động, đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm tai nạn, chính sách cho lao động nữ chưa đảm bảo theo quy định. Một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng lớn đến việc làm, đời sống của CNLĐ.
Tuy đã được động viên, nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp có khả năng nhưng cố tình né trách, không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; nợ đóng BHXH, BHYT và kinh phí công đoàn nhiều năm liền, vi phạm quyền lợi chính đáng của người lao động và hoạt động công đoàn; Cuối năm 2020 có 19 doanh nghiệp nợ trên 10,897 tỉ đồng). Kinh phí Công đoàn thất thu hàng năm khoảng 10 tỉ đồng. Đặc biệt, có 01 doanh nghiệp trên 6.000 lao động nợ đóng kinh phí công đoàn từ năm 2016 - 2020 số tiền 8,742 tỉ đồng.
Theo ông Phú, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạnh này, như: Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, quy định của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về hạn chế kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp nên công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại các doanh nghiệp giảm so với các năm trước, nhưng quan trọng hơn là việc tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền biện pháp xử lý đối với một số doanh nghiệp có điều kiện nhưng cố tình vi phạm cũng chưa quyết tâm, kiên trì thực hiện.