Với hàng ngàn ý kiến tham gia vào các dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, Bộ Luật Hình sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Tố tụng dân sự, Luật an toàn - vệ sinh lao động năm 2015, chương trình giải quyết việc làm, LĐLĐ tỉnh đã cùng với UBND tỉnh tham gia các văn bản thực hiện chính sách trong các lĩnh vực như nhà ở, đất đai, đầu tư, thu hút, giáo dục, y tế, việc làm, lao động, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm... góp phần xây dựng cơ chế quản lý kinh tế, quản lý xã hội ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.
Hàng năm, LĐLĐ Điện Biên đã hướng dẫn các cấp công đoàn đánh giá chất lượng, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Kết quả, bình quân có 70,52% các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết thỏa ước lao động tập thể, trong đó một số bản thỏa ước đã có nhiều điểm có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật như: Chế độ tiền lương, thưởng, trợ cấp, ăn ca, thăm quan, nghỉ dưỡng, hiếu, hỷ và các chế độ phúc lợi khác...
Tuy nhiên, theo bà Lầu Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh cho biết, còn nhiều doanh nghiệp đã ký thỏa ước nhưng còn mang tính hình thức để đối phó với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, nội dung chủ yếu là sao chép một số điều khoản quy định của Bộ luật Lao động.
Các CĐCS trong các doanh nghiệp đã phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức Hội nghị người lao động hàng năm. Qua tổ chức hội nghị đã thực hiện việc công khai, dân chủ về kế hoạch sản xuất, kinh doanh, chế độ, chính sách có liên quan đến người lao động, nội quy, quy chế của doanh nghiệp, công khai tài chính, tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi xã hội... do đó đã khơi dậy tinh thần làm chủ của người lao động có ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống.
LĐLĐ tỉnh đã tích cực tham gia cùng Hội đồng sắp xếp đổi mới doanh nghiệp của tỉnh sắp xếp và tiến hành thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước. Sau khi cổ phần các lao động trong các doanh nghiệp được giải quyết hợp lý, đảm bảo được quyền lợi người lao động. Công đoàn các cấp thực hiện có hiệu quả vay vốn giải quyết việc làm, đã giải ngân cho 47 hộ gia đình đoàn viên và người lao động vay gần 1,3 tỉ đồng để thực hiện 47 dự án, giải quyết việc làm cho 70 lao động, với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Công đoàn cấp trên cơ sở đã tín chấp ngân hàng cho đoàn viên và người lao động được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, làm nhà, mua sắm tài sản, phương tiện, góp phần ổn định đời sống cho đoàn viên và người lao động.