Ngày 22.4, bà Lầu Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh Điện Biên cho biết, trong năm qua, LĐLĐ tỉnh và BHXH tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như tổ chức 15 lớp tập huấn nghiệp vụ công đoàn, lồng ghép tuyên truyền về chế độ chính sách pháp luật Lao động, Luật BHXH sửa đổi, Luật BHYT, Bộ Luật lao động, Luật Công đoàn cho 1.383 lượt cán bộ công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ; in tờ rơi, tờ gấp; đã có 60 tin, bài đăng tải trên các phương tiên thông tin đại chúng; xây dựng 5 chuyên mục phản ánh kết quả tổ chức thực hiện công tác BHXH, BHYT của BHXH tỉnh Điện Biên...
Hoạt động kiểm tra được hai ngành xác định là công cụ hữu hiệu cho việc giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT; xác định ý nghĩa quan trọng đó, hai ngành đã chủ động phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Sở Y tế và các đơn vị có liên quan thống nhất nội dung xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ và thanh tra, kiểm tra chuyên đề.
Ngoài thực hiện chương trình kiểm tra của hai ngành thì trong năm qua Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, việc thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, người lao động tại 06 cơ quan, đơn vị theo Quyết định 217, 218 về giám sát và phản biện xã hội; BHXH các cấp tổ chức kiểm tra 95 cuộc tại 223 đơn vị. Sau giám sát, đã có hàng trăm lao động được đoàn giám sát kiến nghị và được người sử dụng lao động tham gia đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH và Bộ Luật Lao động.
Hai ngành cũng đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt các quy định của Bộ Luật lao động, Luật BHXH, BHYT cho người lao động.
Theo BHXH tỉnh Điện Biên, số người tham gia BHXH, BHYT là 590.354 người; tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) là 1.153.074 triệu đồng, tăng 112.170 triệu đồng (10,7%) so với cùng kỳ năm trước, đạt 104% Kế hoạch BHXH Việt Nam giao; tổng số nợ BHXH, BHYT là là 9,553 tỉ đồng, chiếm 0,86% so với tổng số phải thu, thấp hơn so với chỉ tiêu giảm nợ BHXH Việt Nam giao 0,16%.
Bà Lầu Thị Thanh Hương cho rằng, sự phối hợp giữa LĐLĐ tỉnh và BHXH tỉnh đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh, mang lại nhiều kết quả thiết thực cho NLĐ. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế có thể kể đến đó là công tác phối hợp tuyên truyền chưa được đẩy mạnh đến vùng sâu, vùng xa; Một số đơn vị sử dụng lao động chưa quán triệt đầy đủ và chưa thực hiện nghiêm túc Luật BHXH, BHYT; Số lao động tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia BHXH, BHYT, BHTN còn thấp so với thực tế. Thanh tra xử phạt vi phạm Luật Lao động đối với những đơn vị chưa đóng, đóng thiếu số lao động so với thực tế còn hạn chế; công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra liên ngành theo quy chế phối hợp được hai ngành thực hiện thường xuyên hàng năm, nhưng chưa nhiều…
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp liên ngành giữa hai cơ quan, thời gian tới LĐLĐ và BHXH tỉnh Điện Biên tiếp tục chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân về công tác BHXH, BHYT, BHTN để họ chủ động bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình theo quy định của pháp luật.
Tăng cường phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài và đơn vị doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.