Ông Phạm Việt Dũng - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên cho biết, thực hiện Chương trình, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh phân bổ và giao chỉ tiêu, số lượng “sáng kiến” cho mỗi công đoàn trực thuộc là 10% (tính trên tổng số đoàn viên, công nhân viên chức, NLĐ) và chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ 1.9.2021 đến tháng 5.2022) với mục tiêu phấn đấu 5.000 sáng kiến. Giai đoạn 2 (từ tháng 6.2022 đến tháng 9.2023) với mục tiêu phấn đấu 11.000 sáng kiến đăng ký trên hệ thống phần mềm trực tuyến của Chương trình…
Theo LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên, đã có 100% CĐCS triển khai thực hiện Chương trình, thành lập “Tổ hỗ trợ sáng kiến” để nắm bắt, hỗ trợ, hướng dẫn người lao động có sáng kiến lập hồ sơ đề nghị công nhận sáng kiến và đưa sang kiến lên hệ thống.
LĐLĐ tỉnh đã giao trách nhiệm cho người đứng đầu các đơn vị trong việc triển khai Chương trình từ xây dựng kế hoạch, chủ động, sáng tạo trong cách thức thực hiện; đưa nội dung thực hiện Chương trình vào tiêu chí đánh giá thi đua năm 2022, 2023 tại các cấp công đoàn.
Công tác tuyên truyền được chú trọng và triển khai dưới nhiều hình thức, tận dụng tối đa hiệu quả của mạng xã hội, thiết kế truyền thông đa dạng, cuối hằng tuần tổng hợp kết quả và cập nhật lên nhóm chung công đoàn tỉnh.
“Xác định để triển khai tốt Chương trình thì cán bộ công đoàn chuyên trách phải tiên phong thực hiện: Từ đăng ký sáng kiến đầu năm đến đưa sáng kiến đã được công nhận lên hệ thống” - ông Phạm Việt Dũng cho hay.
Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh còn quyết liệt trong chỉ đạo và đôn đốc các công đoàn cơ sở thực hiện tuần cao điểm thực hiện Chương trình (từ ngày 31.3-8.4.2022 kết quả có 1.500 sáng kiến được đưa lên trên hệ thống).
Qua theo dõi, tính đến sáng ngày 21.4, cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động tỉnh Thái Nguyên đã nộp 3.782 sáng kiến lên Cổng trực tuyến của ban tổ chức Chương trình…
Trong quá trình triển khai Chương trình, LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên cũng đã nhận thấy một số khó khăn vướng mắc. Do đó, LĐLĐ tỉnh đã đề ra một số giải pháp như công đoàn các cấp cần có nhiều hình thức đẩy mạnh truyền thông công đoàn về ý nghĩa của chương trình; hướng dẫn, đánh giá, sơ tổng kết theo từng giai đoạn, tôn vinh khen thưởng các tấm gương điển hình có sáng kiến tốt trên các lĩnh vực công việc - tạo sức lan tỏa, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của CNVCLĐ tích cực tham gia Chương trình.
Công đoàn cơ sở phải phối hợp tốt với lãnh đạo đơn vị và người sử dụng lao động có nhiều hình thức khích lệ động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có nhiều sáng kiến, cũng như những sáng kiến mang tính đột phá, làm lợi…
Tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình đánh giá thi đua cuối năm. Bên cạnh việc quan tâm số lượng các sáng kiến là nâng cao chất lượng các sáng kiến.
Qua những khó khăn trong thực tế, Tổng LĐLĐVN tiếp tục cải tiến chất lượng phần mềm, giảm bớt thao tác khi tham gia vào hệ thống của chương trình, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn viên, NLĐ cập nhật lên hệ thống.