Anh Nguyễn Công Phúc - đoàn viên Công đoàn xã Đức Giang, huyện Hoài Đức - là một trong rất nhiều trường hợp như vậy. Từ 20 triệu đồng vay của quỹ vào đầu năm 2018, đến nay, gia đình anh xây dựng được mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Với số vốn vay ban đầu, anh Phúc đầu tư vào mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi.
Hai năm sau, mô hình của anh dần đi vào ổn định và mang lại thu nhập. Sau khi tất toán khoản vay, muốn mở rộng thêm quy mô trồng trọt, chăn nuôi, anh Phúc tiếp tục vay 30 triệu đồng từ quỹ.
Từ số tiền vay mới cùng với tiền lãi những năm trước đó, anh Phúc xây thêm chuồng, thả thêm cá, nuôi hàng trăm con gà, ngan… Qua đó tạo việc làm thêm cho các thành viên trong gia đình.
Sau hơn 5 năm vay vốn mở rộng quy mô, đến nay, diện tích trồng trọt, chăn nuôi của gia đình anh Phúc rộng gần 3.000m2, chủ yếu nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá và trồng cây ăn quả. Bình quân thu nhập thêm của gia đình anh Phúc đạt từ 30 - 40 triệu đồng/năm, thậm chí có năm đạt 60 - 70 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí…
Theo Quỹ Trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô, từ năm 2018 - 2023, quỹ đã phối hợp với Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cơ sở thẩm định, giải ngân 313,7 tỉ đồng cho hơn 12.500 lượt đoàn viên, công nhân viên chức lao động vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Từ đó, tạo việc làm mới cho hơn 12.700 người. Đặc biệt đã có hơn 3.350 đoàn viên, công nhân viên chức lao động tại 198 Công đoàn cơ sở lần đầu được tiếp cận nguồn vốn, với số tiền giải ngân 87 tỉ 730 triệu đồng.