Buôn Ea M’Dróh, xã Ea M’Dróh, huyện Cư M'Gar là nơi còn nhiều khó khăn, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều em học sinh vì nhà quá nghèo không mua nổi cuốn sách để đọc. Rất nhiều em học sinh ao ước thôn, buôn mình có một thư viện nhỏ để đọc thỏa thích, khỏi phải đi mượn.
Nắm bắt được tâm tư, ước mơ của các em nhỏ, Huyện đoàn Cư M'Gar đã huy động từ nhiều nguồn khác nhau mở một thư viện với khoảng 500 đầu sách với khắp các lĩnh vực để phục vụ các em nhỏ trong vùng.
Em Ma Thị Ánh Phương (Trường THCS Ngô Mây, xã Ea M'Droh, huyện Cư M'Gar) cho biết: "Chúng em ở đây rất ít khi được đọc sách, chủ yếu lên thư viện trường để đọc nhưng cũng ít sách. Nhiều bạn còn khó khăn cũng ít có điều kiện được mua sách.
Nay may nhờ có thư viện về buôn làng nên chúng em rất vui, được đọc thỏa thích, bao nhiêu là đầu sách hay, bổ ích. Em sẽ cùng các bạn đọc sách và giữ gìn những cuốn sách ở đây được sạch sẽ, bền lâu để những người khác đều có thể đọc được".
Còn theo em H'Rê Mi Niê (lớp 6A, Trường THCS Ngô Mây, Xã Ea M'Dróh, Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk): "Nhà em diện khó khăn, bố mẹ không có tiền mua sách cho đọc. May nhờ có thư viện vừa mở ra nên chúng em cũng đỡ phải lên trường mượn từng cuốn sách. Sách trong thư viện rất đa dạng, nhiều lĩnh vực khác nhau nên đọc hoài không chán".
Anh Y Wal Mlô - Bí thư Huyện đoàn Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk - chia sẻ: Sự hứng thú, niềm vui của các em, nhất là các nội dung trải nghiệm về sách, thuyết trình về sách… là động lực rất lớn cho Huyện đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tiếp tục kêu gọi nguồn lực và tổ chức các chương trình tương tự.
Không chỉ ở huyện Cư M'Gar, thời gian qua, nhóm thiện nguyện "Kết nối yêu thương" đã tổ chức nhiều chuyến xe thư viện sách lưu động đã lăn bánh khắp vùng sâu, vùng xa địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Đến nay, khoảng 15.000 cuốn sách đã được trao tặng cho 50 điểm trường tại các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum… Hàng nghìn trẻ em nghèo được đọc những đầu sách mới.
Anh Phạm Thanh Tuấn - người sáng lập dự án “Thư viện mùa xuân” (tỉnh Đắk Lắk) - cho biết: "Chúng tôi quan niệm trẻ em nơi đâu cũng phải được hưởng các điều kiện phát triển tốt nhất, như nhau và không phân biệt, ở thành thị, nông thôn. Thư viện mùa xuân được lăn bánh đi với thông điệp: Hãy để trẻ em được sống với màu sắc mà trẻ muốn.
Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa khu vực Tây Nguyên, nhiều trẻ em suốt 12 năm học phổ thông chỉ được tiếp cận với sách giáo khoa nên được cầm trên tay cuốn sách mới là điều rất xa xỉ. Do vậy, việc mang sách về buôn đã mang đến cho các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ hội tiếp cận với tri thức mới, điều mà tưởng chừng đơn giản với các khu vực khác trong cả nước".