Nhựa dùng một lần rò rỉ ra môi trường khiến tắc sông và biển, giết chết các loài động vật trên cạn và dưới nước, nhiễm vào chuỗi thực phẩm, từ đó gây ra các vấn đề về sức khỏe con người. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều giải pháp thay thế thuận tiện cho việc mua các sản phẩm được đựng trong chai hoặc túi nhựa, dẫn đến việc sử dụng nhiều nhựa nguyên sinh hơn và rò rỉ chất thải nhựa ra môi trường.
Nhận thấy được những vấn đề cấp bách này, thầy Nguyễn Hữu Nhân (giảng viên Đại học RMIT) cùng các cộng sự đã nghĩ ra giải pháp hạn chế việc sử dụng nhựa nguyên sinh. “Chúng tôi cung cấp một giải pháp thay thế cho nhựa sử dụng một lần bằng cách đến tận nơi của khách hàng (tại nhà, văn phòng, nhà hàng hoặc khách sạn) để làm đầy lại các đồ chứa có thể tái sử dụng bằng các sản phẩm đáng tin cậy”, thầy Nhân nói.
Cụ thể, khi khách hàng đã dùng hết các sản phẩm mà mình mua ban đầu, “Refill Đây” sẽ có mặt để làm đầy các vỏ chai, lọ, hộp nhựa rỗng đó bằng các sản phẩm tương tự. Thầy Nhân cho biết, hiện tại ở Việt Nam đã có những cửa hàng làm đầy hoạt động rất tốt, tuy nhiên, những cửa hàng này chưa thể tiếp cận được nhiều người dân cũng như vẫn còn gặp nhiều trở ngại.
“Các cửa hàng làm đầy lại sản phẩm cũ thường gặp phải hai vấn đề là khả năng tiếp cận khách hàng và thương hiệu sản phẩm. Các cửa hàng này thường yêu cầu khách hàng phải mang các đồ chứa đến tận nơi để làm đầy. Điều này là trở ngại lớn đối với đối tượng khách hàng sống cách xa cửa hiệu, bởi họ sẽ nhận thấy việc đến thẳng chuỗi tạp hóa để mua đồ mới sẽ thuận tiện hơn nhiều. Thêm vào đó, các cửa hàng này có xu hướng bán các sản phẩm 100% đến từ tự nhiên và thuộc các thương hiệu đắt đỏ mà đa phần khách hàng đều chưa từng nghe tới.
Vì vậy, chúng tôi kết hợp hai ý tưởng sẵn có nhưng chưa ai từng thử nghiệm: Giao hàng bằng xe máy và các cửa hàng làm đầy lại sản phẩm đã hết đê giải quyết những nút thắt trên”, thầy Nhân chia sẻ.
“Refill Đây” mong muốn tạo ra một thế giới mà một người đi làm có thể để những đồ chứa rỗng trong tủ khóa vào buổi sáng và tìm thấy các đồ chứa đã được làm đầy bằng các sản phẩm đáng tin cậy vào buổi tối sau khi trở về nhà. Thầy Nhân và cộng sự cũng mong có thể tạo ra một ứng dụng di động mà khách hàng có thể dễ dàng đặt hàng tất cả các sản phẩm có thể được làm đầy sau khi dùng hết và theo dõi số lượng chai nhựa mà họ đã sử dụng lại để hạn chế việc chúng bị thải ra môi trường.
Mới đây, trong cuộc thi “Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa” trong khu vực ASEAN (EPPIC) 2020, “Refill Đây” là một trong 4 ý tưởng chiến thắng của cuộc thi. Refill Đây nhận được khoản tài trợ 18.000 USD để triển khai sáng kiến ở Vịnh Hạ Long qua chương trình thúc đẩy tác động kéo dài 9 tháng của Impact Aim thuộc UNDP.
“Giải thưởng sẽ tạo cơ hội để chúng tôi có thể kết nối với các nhà đầu tư tác động cũng như các tổ chức phát triển quan trọng khác ở khu vực ASEAN,” thầy Nhân tự hào nói.