Cô giáo 20 năm dạy miễn phí cho những học trò “bất trị”

Ngọc Hải |

8h sáng, khoảng sân nhỏ trước nhà văn hóa Khu dân cư số 2 (phường Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) rộn vang tiếng cười nói, nghịch đùa của đám trẻ. Trong số chúng, có đứa chỉ 7 - 8 tuổi, nhưng có đứa đã bước sang tuổi 22. Dù lớn hay bé, chúng đều tự giới thiệu là học sinh cô Côi - cô giáo 75 tuổi đã có hàng chục năm dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo.

“Được học cô là bước ngoặt cuộc đời tôi”

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đến tuổi đi học, Nguyễn Thị Thanh Thủy (thôn Giáp Nhị - phường Thịnh Liệt - Hoàng Mai - Hà Nội) chẳng có cả tờ giấy khai sinh để đến trường như bạn bè. May mắn, Thủy biết đến lớp học của cô Côi qua người chị họ. Cô nhận dạy miễn phí, cô giúp đỡ cả tiền mua sách vở. Cuối năm, bạn nào học khá, cô lại gửi danh sách lên quận đề nghị để bọn trẻ cũng có giấy khen và phần thưởng. Nay đã là sinh viên, nhìn lại những năm tháng ấy, Thủy bảo rằng: “Lớp học của cô, được học cô là bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời tôi”.

Khi được hỏi về cô giáo Nguyễn Thị Côi, bà Liên (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nói về cô giáo của cháu mình bằng lòng biết ơn vô hạn. Bà Liên có đứa cháu bị nhiễm chất độc màu da cam. Cho cháu học xong mẫu giáo, gia đình loay hoay không biết xin học tiếp ở đâu, phần vì học phí đắt đỏ, phần vì môi trường học không phù hợp. “Lương công nhân của mẹ cháu có 7 triệu đồng một tháng mà tiền học hết 2 triệu rưỡi rồi. Hoàn cảnh của gia đình tôi thì khó khăn, cháu nó như thế cũng không học được bình thường như các bạn” – bà Liên tâm sự.

Khoảng tháng 2.2016, bà được nghe kể về lớp học của cô giáo Côi: “Đưa cháu đến thì cô nhận ngay. Đến nay cháu biết đếm và học xong bảng chữ cái rồi. Cô tốt, nhiệt tình lắm”.

Cô giáo Nguyễn Thị Côi nguyên là Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Năm 1994, cô nhận nhiệm vụ đi vận động những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ ở Thanh Nhàn tham gia vào lớp học miễn phí ngay tại nhà trọ của chúng. Khu vực Thanh Nhàn ngày ấy vốn là tụ điểm buôn bán heroin có tiếng, tập hợp đủ đối tượng “rách trời rơi xuống”. Còn đám trẻ hoặc đi bụi, hoặc lang thang kiếm sống, phần đông từ ngoại tỉnh lên Hà Nội. Chúng làm đủ công việc từ đánh giày, bán báo, giúp việc, rửa bát chén, bưng bê... hòng kiếm đồng tiền sống qua ngày, và không cần biết đến con chữ.

Cô bảo: “Nếu không quản lý, dạy dỗ những em này, chúng vừa mất quyền học tập rồi sớm muộn cũng sẽ sa đà vào các tệ nạn xã hội”. 3 - 4 giáo viên được phân công, vào dạy cái lớp học “lang thang” ấy nhưng không dạy nổi, phải bỏ cuộc giữa chừng vì học sinh quá cá biệt, chẳng muốn học hành. Cô Côi chính là người đã duy trì lớp học cho đến gần mười năm sau, khi đời sống khu vực này đã có những cải thiện rõ rệt. “Ngày chúng nó đi kiếm sống, tối ăn cơm xong 7 giờ là tất cả vào lớp học. Lớp cô hồi đó đông nhất, cứ toàn 45 đến 50 em trở lên. Chúng nó bảo cứ thích cô Côi dạy, không thích học cô khác”, cô Côi nhớ lại.

Lứa học trò “đặc biệt” trước vừa rời lớp thì những lớp học mới lại mở ra. Lúc này, cô Côi đã nghỉ hưu được một thời gian dài nhưng vẫn tiếp tục công việc giảng dạy cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở Đê La Thành, Bạch Mai, Hai Bà Trưng..., thậm chí là khu vực bãi giữa sông Hồng.

Một lớp học 5 trình độ giữa lòng Hà Nội

Trải qua một loạt những lớp học “đặc biệt”, những năm gần đây, cô Côi “dừng chân” tại Tân Mai, lập lớp ngay ở nhà văn hóa của phường. Lớp có tên “lớp học linh hoạt” vì hầu hết những đứa trẻ theo học ở đây đều gặp những vấn đề về sức khỏe hay chậm phát triển trí tuệ. Một lớp học mà có đến 5 trình độ khác nhau, từ lớp 1 đến lớp 5.

Một buổi học cô kiêm hết nhiệm vụ của nhiều giáo viên. Dạy chữ cho nhóm này xong, lại phải quay sang nhóm khác dạy toán, rồi lại gọi các em lên bảng chữa bài, dạy đọc. Chưa kể, vì dạy cho nhiều trình độ mà giáo án soạn mất cả tuần nhưng có khi, chỉ 3 ngày đã dạy xong.

Học sinh chậm hiểu, tiếp thu kém nên chuyện cô phải giảng đi giảng lại một bài đã trở thành quen. Đây có lẽ cũng là một trong số ít các lớp dạy toán trình độ tiểu học thôi nhưng vẫn cho các em sử dụng máy tính bỏ túi. “Nhiều đứa không nhẩm được, dạy thế nào cũng quên, cô phải hướng dẫn bấm máy tính. Như thế nó mới làm được bài”.

Với những em có khả năng học lên cao, cô viết giấy giới thiệu để chúng được nhận vào trung tâm giáo dục thường xuyên. Chẳng mong gì nhiều, cô chỉ muốn những lứa học sinh mình dạy dỗ có thể tự lao động để trở thành những người có ích.

Thương cả những buồn đau

“Khi đến trường, cô giáo như mẹ hiền...”, đúng như lời ca quen thuộc ấy, cô Côi suốt bao năm nay đã trở thành người mẹ, người bà chăm lo cho các em học sinh. Cô biết rõ bệnh tật, gia cảnh của từng đứa, biết cả cách sơ cứu khi chúng gặp những hôm trái gió trở trời: “Long hay lên cơn co giật, như hôm trước nó bị đúng 1 tiếng rưỡi, cứ 5 phút lại lên cơn một lần. Cô phải gọi cấp cứu đưa Long đi viện. Trẻ bình thường thì không sao, chứ trẻ ở đây khi cơn bệnh bùng phát thì lo lắm. Cô vừa dạy học, vừa làm y tá luôn. Xoa bóp, bấm huyệt cho chúng nó, đủ cả”.

Sự hiếu động của những đứa trẻ cũng không ít lần khiến cô phải phiền lòng: “Việt, Duy Anh, Vân Ly nghịch ngợm nhất lớp, ăn kẹo cao su xong bôi lên đầu bạn rồi đánh nhau. Hôm qua cô đuổi, nhưng rồi nghĩ lại thương, mình đuổi chúng nó thì chúng trở thành lang thang, biết bấu víu vào đâu để mà tìm con chữ? Vốn đã quá gian nan. Gia đình các cháu thì khó khăn chồng chất. Thế là lại gọi chúng quay về lớp”.

Mệt mỏi là vậy, nhưng cô Côi vẫn luôn tâm niệm: “Cô tự nguyện đi dạy cơ mà, nên chẳng bao giờ thấy ức chế chút nào cả”.

Cậu bé Việt có mà cô nhắc tới, nay đã 16 tuổi. Bố em đã mất trong một tai nạn giao thông, mẹ thì bệnh tật, đi làm bữa được bữa không. Có buổi, Việt đi ăn quà mà chẳng có tiền, cô bắt gặp, lại lấy tiền túi ra trả cho đứa học sinh nghịch ngợm. Rồi thương Việt đi học xa, cô lại cho em chiếc xe đạp của mình. Việt cũng được cô “quản” rất chặt. Cô biết rõ cả những người mà cậu bé này hay giao du, tiếp xúc. Tâm sự chân thật, cô bảo: “Sợ nhất là nó lêu lổng thế mà không ai bảo ban được, có ngày lại vào nhà đá thôi”.

Tận tụy với nghề như thế, vậy mà không ít lần, cô Côi bắt gặp những lời ác ý: “Nhiều khi họ bảo mình dở hơi, dạy mấy đứa này với người khác thì họ không làm được”. Thế nhưng vượt qua mọi đánh giá thiếu thiện chí, cô vẫn chẳng quản nắng mưa, ngày ngày có mặt ở lớp học để “chở chữ” cho những đứa trẻ chẳng mấy ai dạy nổi.

Những ngày lễ tết, ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 ở lớp học bé nhỏ này không bao giờ có gì đặc biệt, cũng chỉ bình dị trôi đi như bao ngày khác. Thế nhưng, những món quà mà cô Côi nhận được trong suốt những năm tháng dài làm cô giáo cho trẻ em nghèo, lại là những món quà mà khó ai có được.

Có em học sinh đã vào miền Nam sinh sống, vẫn mấy lượt trở về Hà Nội tìm cô, ôm cô khóc rồi bảo nếu không có cô, em không biết chữ, em chẳng trưởng thành như bây giờ. Ngày xưa, học trò đó cũng được cô tặng cho chiếc xe đạp để khuyến khích tinh thần học tập. Nay thành đạt rồi, em học sinh đó vẫn để chiếc xe đã cũ trong nhà, gìn giữ và trân quý nó như một món quà vô giá của tình cô trò.

Đặc biệt hơn, từ những lớp học miễn phí của cô, đã có 2 em học sinh vượt lên số phận, đỗ vào đại học như những kỳ tích. Có lẽ, con số 2 này có thể ít ỏi với bất kỳ bảng thành tích của một cơ sở giáo dục nào, trừ lớp học của cô Côi.

75 tuổi, người ta đã nghỉ ngơi mọi việc từ rất lâu rồi, riêng cô Côi - người giáo già mẫn cán vẫn miệt mài với nghiệp “đưa đò”. Mái tóc đen nhánh vương bụi phấn ngày nào nay đã bạc quá nửa. Nhưng cô vẫn rất say mê: “Khỏe ngày nào, cô còn dạy ngày đó”.

Ngọc Hải
TIN LIÊN QUAN

Phụ công Lê Thanh Thúy sẵn sàng xuất ngoại khi có cơ hội

NHÓM PV |

Góc nhìn thể thao số 183 có buổi trò chuyện với phụ công Lê Thanh Thúy của đội LPB Ninh Bình về hành trình với bóng chuyền Việt Nam trong năm 2024.

Nhiều dự án điện gió tại Quảng Trị bị yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu

Mai Dung |

Trong số 32 dự án điện mặt trời, điện gió mà Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan để phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án thì có 2/4 nhà máy điện gió ở Quảng Trị đã lộ sai phạm.

Bruno lại thẻ đỏ, Man United hòa kịch tính trước Porto

tam nguyên |

Harry Maguire đã cứu nguy cho Man United và huấn luyện viên Erik ten Hag ở trận đấu trên sân Porto.

Trở lại chợ Đồng Đăng - gần 10 năm sau lệnh di dời

An Khánh |

Lạng Sơn - Sau gần 10 năm được vận động di chuyển, đến nay, chợ Đồng Đăng - khu chợ sầm uất nhất vùng biên vẫn diễn ra hoạt động mua bán nhộn nhịp.

Cần thêm mức phạt với tài xế đưa đón học sinh sai quy định

Phương Anh - Hương Mơ |

Theo nhiều chuyên gia, việc áp dụng xử phạt với các tài xế chở xe đưa đón học sinh sai quy định sẽ có hiệu quả hơn nếu cân đối về các mức phạt phù hợp.

Giáo viên trẻ cần đủ thời gian tiếp cận tình huống thực tế

Vân Trang - Việt Anh |

Clip cô giáo thân mật với nam sinh ở Hà Nội đang khiến dư luận xôn xao và đặt ra câu hỏi về cách hành xử giữa giáo viên và học trò.

Ngó lơ biển cấm, dân vi phạm nhan nhản tại nút giao ở Hà Nội

Tô Thế - Thanh Huyền |

Nút giao Hồ Tùng Mậu - Nguyễn Cơ Thạch (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có biển cấm đi thẳng, rẽ trái nhưng nhiều người dân ngó lơ.

Doanh nghiệp ráo riết xử lý nợ trái phiếu

Lục Giang |

Các tổ chức ráo riết xử lý nợ trái phiếu bằng cách bán tài sản, chuyển nhượng vốn góp, gia hạn trái phiếu để giãn, hoãn áp lực trả nợ.