Niềm tin không cạn
Chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm, nữ chiến sĩ xinh đẹp Nguyễn Thị Ân ở thôn Hương Lam (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) vẫn bặt tăm với quê nhà. Trong khi đó, những người thân cùng ra chiến trường với bà Ân đều đã “trở về”, dẫu chỉ bằng mảnh giấy chứa hung tin: Liệt sĩ.
Trên tường nhà bà Ngô Thị Phán, 73 tuổi - chị dâu, là người thân duy nhất còn lại của bà Ân, treo trang trọng hàng loạt Huân chương kháng chiến của cha, anh trai, em gái bà Ân. Mẹ của bà Ân là bà Đinh Thị Nhiễu cũng đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Riêng bà Ân thì vẫn chưa có tin chính xác nào về sự hy sinh hay còn sống. Bởi vậy, gia đình luôn nuôi dưỡng niềm hy vọng…
Bà Phán kể: “Khi tôi về làm dâu, cả gia đình chồng đều ra chiến trận. Lúc tham gia cách mạng, cô Ân mới hơn 20 tuổi. Bạn bè rủ đi thanh niên xung phong, thế là cô ấy lặng lẽ giấu gia đình đi biệt, bỏ luôn người tình đã hỏi cưới. Ngày ấy cô Ân xinh lắm, tóc dài đến ngang lưng, gò má cao và đặc biệt là đôi môi luôn đỏ như bôi son. Tính tình lại thật thà, hiền hậu nên nhiều người quý mến.
Cô Ân thoát ly và tham gia cách mạng năm 1965, làm ở Ban lương thực K600 tỉnh Quảng Đà và đóng quân ở Đồng Xanh, Đồng Nghệ, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Sau đó, vì nhiệm vụ nên cô phải theo đơn vị di chuyển đến nơi khác, tới đầu năm 1967, thì gia đình mất liên lạc hẳn. Chiến trường ác liệt, hàng trăm thư từ viết cho nhau đều thất lạc…
Cũng đôi lần, gia đình nhận được thông tin từ người quen là có gặp cô Ân. Họ cho biết cô Ân bị thương, bị bom ép đến nguy kịch, đang điều trị ở ngoài Bắc xa xôi. Tôi cũng đã nhiều lần gửi thư ra Bắc theo địa chỉ đơn vị của cô Ân nhưng không có hồi âm. Dòng tin ngắn về cô Ân sau đó rồi cũng đứt đoạn… Cất công tìm kiếm cô Ân hàng chục năm tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng tại Đà Nẵng, Quảng Nam đều không tìm được…”.
Bặt tin cô em chồng, nhưng bà Phán lại liên tiếp nhận hung tin chồng, em trai chồng... thành liệt sĩ. Cuộc sống khó khăn khiến bà mệt nhoài với những lo toan, nhưng trong lòng vẫn không nguôi nỗi nhớ, hy vọng có một ngày sẽ tìm được cô em chồng. “Bám” vào niềm tin mơ hồ, bà Phán và con trai là anh Nguyễn Nhì (lúc anh này còn sống) đã nhiều lần đi tìm bà Ân ở khắp nơi, nhưng không có manh mối gì. Có lần gia đình nhận được thông tin bà Ân đã qua đời do bệnh nặng. Mọi hy vọng tìm thấy bà Ân dường như đã không còn.
Cho đến cuối năm 2006, gia đình bà nhận được bằng “Tổ quốc ghi công” ghi nhận liệt sĩ Nguyễn Thị Ân đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Trong Giấy chứng nhận do một đồng chí cùng đơn vị K600 làm có ghi: “Đồng chí Ân đi công tác, bị địch phục kích bắn bị thương ở đầu và đùi. Đồng chí đi điều trị và về đơn vị cho đi an dưỡng ở miền Bắc. Trong lúc đi an dưỡng, trên đường đi bị bom thả nên đã hy sinh”. Và ngày 27.7 được gia đình chọn làm ngày giỗ hàng năm cho liệt sỹ Ân.
Bà Phán bên tấm bằng Tổ quốc ghi công của "liệt sĩ" Ân. |
Sự trở về thần kỳ
Nhiều năm qua, Trung tâm Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) (TT ĐDTB và NCC) đã nhiều lần tìm kiếm người thân bà Nguyễn Thị Ân nhưng không được. Theo ông Nguyễn Cảnh Hòa - Giám đốc TT ĐDTB và NCC, trước năm 1982, bà Ân được đưa về một trung tâm ĐDTB tỉnh Phú Thọ. Đến năm 1983, trung tâm này đưa bà sang Trung tâm ĐDTB tâm thần ở Ninh Bình. Đến năm 2003, bà Ân được chuyển từ Ninh Bình về Trung tâm Long Đất.
Trung tâm dựa trên địa chỉ xã Hòa Lương, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Đà gửi văn bản về cho Hội Cựu chiến binh Quảng Nam nhờ giúp đỡ nhưng được trả lời không có trường hợp này… “Giá như Hội cựu chiến binh Quảng Nam nói giúp chúng tôi là tỉnh Quảng Đà cũ đã tách ra thành Quảng Nam và Đà Nẵng bây giờ để tiện trong công tác tìm kiếm nhưng họ lại không làm việc đó…” - ông Hòa nói.
Trong khi đó, với gia đình bà Phán, niềm hy vọng bà Ân còn sống sót đã tắt, thay thế vào đó là nỗi đau đáu của chị dâu, các cháu đi tìm phần mộ của liệt sĩ Ân. Thế nhưng bỗng một ngày, tin bà Ân còn sống sót được đột ngột báo về làm bà gia đình bà Phán thêm một lần bàng hoàng…
Trên hành trình tìm gia đình anh trai (liệt sĩ Nguyễn Văn Tân, đã mất) lưu lạc vào Nam, ông Nguyễn Văn Ba (trú huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) và người bà con ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang phát hiện trong danh sách các thương binh đang được chăm sóc, phụng dưỡng tại TTĐDTB và NCC Long Đất (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) có bà Ân (quê quán thôn Gò Hà, xã Hòa Lương, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Đà cũ).
Cuối tháng 6.2015, tia thông tin vàng ngọc ấy được ông Ba báo về xã Hòa Khương. Ông Ba cũng mất nhiều ngày mới tìm được nhà bà Ân báo tin bà còn sống vì thôn Gò Hà, xã Hòa Lương nay đã đổi thành thôn Hương Lam, xã Hòa Khương. Nhận được tin “như mơ” này, bà Phán vui mừng khôn siết và bảo con trai tức tốc lên đường vào Nam. “Ông Ba điện về báo tin cô còn sống mà tui cứ tưởng mình đang nằm mơ. Mừng quá” - bà Phán nói. Sau đó, bà liền gọi điện ngay cho con trai là anh Nguyễn Nhứt đang làm việc ở Lào về Việt Nam để đưa cô Ân về quê nhà.
Giây phút gặp người cô ruột đối với anh Nhứt thật xúc động. “Tui chỉ mường tượng cô Ân qua lời kể của má. Cô ấy tham gia cách mạng khi chỉ mới đôi mươi. Má tui thương cô Ân lắm” - anh Nhứt nói. Anh bảo, dù chưa biết mặt cô nhưng linh cảm máu mủ khiến vừa gặp nhưng anh nghĩ ngay rằng đây chính là cô ruột của mình. Nhận được điện thoại con trai báo tin với những lo lắng về tình hình sức khỏe của cô, nhất là khi đường về khá xa, bà Phán quả quyết nói với con: “Mấy chục năm má đã đi tìm cô con. Giờ tìm được rồi thì không thể để cô ở đó được. Dù có khó khăn thế nào cũng phải đưa cô về bằng mọi cách. Có khổ thế nào má cũng chịu được, miễn là đưa cô về nhà”.
Trưa 11.7, chiếc xe chuyên dụng của Trung tâm ĐDTB và NCC Long Đất đưa bà Ân về đến nhà. Rất đông người thân, bà con xóm giềng vẫn đến nhà đón bà. Ai nấy vỡ òa hạnh phúc. Không ai tin bà Ân còn sống, nhưng đó là sự thật. Bà Nguyễn Thị Sum, 73 tuổi, bạn thủa nhỏ của bà Ân, cầm cánh tay gầy guộc của “liệt sĩ” Ân mà nói như reo: “Hắn đây chứ còn ai nữa, chỉ ốm đi thôi”.
Bây giờ, bà Ân không biết gì, nằm thiêm thiếp trên chiếc giường được người chị dâu cẩn thận lót bằng một tấm đệm cách nhiệt thoáng mát. Một lúc sau, bà mở mắt và cử động nhẹ. “Nó đói rồi đấy” - bà Phán hiểu ý người em chồng mà đã từ lâu bà coi như em gái ruột thịt của mình và đi lấy cháo để đút cho em ăn. Bà Ân nhai chầm chậm, vất vả và khá lâu nhưng bà Phán vẫn kiên nhẫn ngồi đút cho hết chén cháo. Bà Phán nghèn nghẹn: “Dù không nói được, không biết gì nhưng bạn bè tìm đến thăm, nước mắt chị ấy cứ trào ra. Ăn uống thì bón chừng nào ăn chừng nấy, không nói đói, cũng không nói no…”.
Ông Thái Đình Hoàng - Phó GĐ Sở LĐTBXH Đà Nẵng - cho biết, nhận được thông tin, Bí thư Thành ủy - ông Trần Thọ - đã đến thăm hỏi, động viên gia đình chiến sĩ Nguyễn Thị Ân và đồng ý hỗ trợ gia đình 60 triệu đồng để xây sửa, nâng cấp nhà ở, tạo điều kiện chăm sóc bà tốt hơn. “Chúng tôi đang làm việc với Cty lương thực Đà Nẵng (đơn vị đề nghị công nhận bà Ân là liệt sĩ) và xã Hòa Khương để rút lại danh hiệu này vì bà Ân là bệnh binh 1/3” - ông Hoàng nói.