Những chuyện ghi từ dưới… “âm phủ”: Làm than như quân đội đánh giặc…

Hoàng Văn Minh |

Để được đặt chân mình xuống “âm phủ” - lò khai thác than dưới lòng đất, ai cũng phải tuân thủ một quy trình như nhau bao nhiêu năm nay, luôn là: thay quần áo bảo hộ, đi ủng, đội mũ bảo hiểm có gắn đèn chiếu ở đầu, bên hông lặc lè bình điện, bình tự cứu (bên trong chứa dưỡng khí phòng khi có sự cố); các vật dụng cá nhân, kể cả đồng hồ đeo tay đều phải gởi lại. Riêng máy ảnh thì nơi cấm, nơi không. Nói chung là nhiêu khê vô cùng, nhất là đối với những người ưa đơn giản và quen tuỳ tiện.

Đến chỗ nào, lãnh đạo các lò than cũng hỏi tôi: “Nhà báo có cần xuống dưới hầm lò không? Ảnh tư liệu thì chúng tôi có đầy…”. Biết họ “lười” đưa người lạ xuống những hầm lò sâu hun hút, nơi luôn đầy rẫy những thủ tục rườm rà nhằm bảo đảm an toàn, nhưng đời nào tôi nói không! Tôi xuống bằng được, háo hức đi hết hầm lò này qua hầm lò khác, vì tò mò, vì những chuyện hay ho dưới “âm phủ” ấy, tôi chỉ biết nhờ xem báo, nhưng bài gần nhất cũng đã khói sương lắm rồi.

Bò xuống “âm phủ”

Giờ thì đã thành quen, vì tôi đã xuống nhiều hầm lò ở các khai trường khai thác than thuộc Tổng Cty Đông Bắc quản lý. So với cách đây 20 năm, thậm chí 10 năm, việc khai thác than dưới hầm lò đã có những bước tiến vượt bậc về công nghệ, cũng như an toàn. Bây giờ vận chuyển người đều sử dụng xe goòng thiết kế như toa xe, có nơi còn dùng cả thang máy. Tuy nhiên, lần nào cũng phải cuốc bộ, do tới nơi thì công nhân xuống ca mất rồi. Chỉ mình tôi và một, hai cán bộ đi cùng, nên không thể huy động cả hệ thống xe goòng. Sướng nhất là cái lần đi bộ trên địa hình bằng, chỉ hơi bì bõm và lo lắng một chút vì thấy nước dưới chân cứ chảy ngược thành dòng từ trong ra. 

Lúc đó chưa hiểu mô tê gì về cơ chế hầm lò, nên vừa đi, tôi vừa lan man lo nghĩ đến những vụ bục nước chết người trước đó. Khổ nhất là hôm xuống hầm lò thuộc Cty TNHH MTV Thăng Long quản lý ở khu vực Hoành Bồ - từng là điểm nóng và điển hình của nạn khai thác than thổ phỉ ở Quảng Ninh. Đi vào thì dốc đứng, nên cứ như có ai đó đang xô mình từ sau, tưởng vừa đi vừa chạy nhưng không phải. Đi được 2km thì gặp một khoang rộng, vừa thở hắt ra tưởng đến nơi rồi, thì người dẫn đường bảo “còn đoạn nữa”. Tới đây phải leo dốc ngược mới đến được gương lò đang khai thác. Có vào đây, mới biết được cái giá của việc lười tập thể dục. Chỉ mấy trăm mét thôi mà chân cứ rung rinh, mồ hôi đầm đìa, ai nấy thở phì phò như trâu đạp nước.

Bây giờ thì tất cả các lò chợ đều được chống đỡ bằng giá XDY, cột thuỷ lực…; khí sạch được kiểm soát tự động, đường vào lò còn được phun bêtông… Tóm lại là tính an toàn rất cao so với thời hầm lò còn được chống đỡ bằng cột và giá gỗ cách đây mấy chục năm. Ấy vậy mà hôm đầu tiên xuống một lò chợ, bước chân tôi cứ rón rén, không khí trong mũi cứ thoang thoảng một mùi sợ hãi mơ hồ, vì không biết phía trước ánh đèn nhấp nhoá phát ra từ đầu mình, thực tại nào đang chờ đợi. Đã thế càng xuống sâu, chung quanh càng tối đen, ẩm ướt khiến da thịt lành lạnh. Nhớ mãi cái hôm bò trong lò chợ giá XDY thuộc công trường 1B của Cty TNHH MTV 86 của Tổng Cty Đông Bắc. Vừa đi được một đoạn thì anh Ngô Ngọc Thuyết - Trưởng phòng An toàn của công ty ra hiệu dừng lại, rẽ trái. 

 

  Xử lý bụi than trước khi đưa lên khai trường.

Trước mặt chúng tôi là hai cánh cửa gỗ mốc meo, xập xệ như thể đến từ thời nào đó xa lắc lơ trong phim chưởng. Anh Thuyết im lặng mở cửa. Cứ tưởng là sẽ có một bất ngờ nào đó đang chờ. Nhưng không, lại là một đường hầm tối om, chỉ khác là lần này nhỏ và thấp hơn, trên đầu gai nhọn cứ cắm ra tua tủa, nhiều đoạn chúng tôi phải bò mới tránh không bị đâm vào đầu. Mới bò được một đoạn thì gặp hai công nhân đang giải lao ngồi chắn ngang đường. Anh Thuyết bảo “anh dẫn nhà báo đi vào gương”. Một công nhân tên Dũng nói “các anh đợi đây, mìn sắp nổ”. Tôi giật thót mình tưởng có sự cố gì thì anh Thuyết kịp trấn an: “Không có chuyện gì đâu, anh em chuẩn bị nổ mìn phá vỉa than, mình ngồi đây mấy phút, chờ nổ xong đi tiếp”.

Lần đầu tiên trong đời được chứng kiến nổ mìn nên tôi rất háo hức. Hỏi “Dũng làm đến thợ bậc mấy rồi?”. Dũng nói “cả em và Thiên đang học trung cấp nghề, mới vào thực tập ở hầm lò này được hơn 2 tuần, chủ yếu là phụ việc cho những thợ chính”. Thiên quê ở Thanh Hoá, còn Dũng nhà ở Hải Phòng, đang là sinh viên nhưng cả hai đều vợ con đùm đề ở quê, “một - hai tháng mới về thăm được 1- 2 ngày”.

Trong lòng đất, không thể đoán được điều gì

Nín lặng chờ mãi vẫn chưa thấy mìn nổ, tôi quay sang anh Thuyết, nói bây giờ mọi thứ đã khác xưa, thợ lò được bảo đảm an toàn gần như tuyệt đối, nhưng không hiểu sao lâu lâu lại thấy báo đăng chỗ này chỗ kia sập lò chết người? Anh Thuyết trả lời tôi bằng một câu chuyện: “Đận trước, một lãnh đạo của LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh gặp tôi cũng hỏi như anh vậy. Tôi kể cho vị lãnh đạo ấy nghe một câu chuyện. Đại ý có lần tôi ở nhà, vợ bắt giữ thằng con hơn một tuổi. Tôi theo nó suốt từ sáng đến gần tối. Mệt quá, tôi rời nó một phút để đi rót nước uống thì nó ngã từ trên giường xuống sứt đầu mẻ trán”. Kể xong anh cười lớn rồi giải thích: “Tôi nói với vị lãnh đạo LĐLĐ Quảng Ninh rằng, cha con tôi một kèm một còn bị như vậy, huống chi một cán bộ an toàn nhưng giám sát đến 250 thợ lò một ca?”. Anh Thuyết bảo có câu “làm than như quân đội đánh giặc, tai nạn chết người là chuyện không thể nào tránh khỏi anh ạ”.

Anh Thuyết kể “ở trong lò than có những cái chết vô duyên lắm. Ví như có ông đang đi trượt chân bị cái cuốc đang vác trên vai bổ ngược vào đầu, chết. Có ông đang làm mệt quá trốn vào một góc hầm đánh một giấc rồi bị tảng đá từ trên nóc lò bất ngờ rơi xuống, chết. Đó là những cái chết do tai nạn và khá vô duyên, một phần liên quan đến ý thức của thợ lò. Còn chết do sập hầm, bục nước, cháy khí… nói thiệt là chúng tôi đã áp dụng tất cả những công nghệ tối tân nhất hiện nay để đảm bảo an toàn, nhưng…”. Anh Thuyết ngừng nói, đưa tay chỉ vào thành lò đen kịt. “Anh thấy đó, trong lòng đất thì không thể nào đoán trước được điều gì…”. Anh Thuyết bảo ở nhiều nước có một quy định thành văn, cho phép tỷ lệ tai nạn chết người của thợ lò là 1,5 người/1 triệu tấn than. 

 Khoan nổ mìn khai thác than tại đường lò dọc vỉa + 45, công trường 1B thuộc Công ty TNHH MTV 86.

Ở Việt Nam chẳng ai quy định việc này, chỉ biết rằng riêng trong năm 2013, cả Tập đoàn Than - Khoáng sản khai thác được 45 triệu tấn và chết 36 người do tai nạn. Bỗng giọng anh Thuyết trở nên bức xúc: “Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Đâu phải mỗi làm nghề thợ lò mới có tai nạn chết người, khai thác đá, đào vàng, rồi tai nạn giao thông… mỗi năm chết không biết bao nhiêu người nhưng tỷ lệ được nhắc trên truyền thông rất ít, trong khi thợ lò thì ngược lại, một vụ tai nạn nhỏ hay lớn đều được báo chí “quan tâm” hết ngày này sang ngày khác. Chúng tôi không hiểu vì sao, chỉ biết như vậy là không được công bằng về mặt thông tin, khiến người dân cứ nghĩ làm thợ lò là luôn bị cái chết rình rập, trong khi thực tế không phải như vậy…”.

Đành phải thú thật là ngay cả với tôi, hai chữ “thợ lò” không hiểu sao lại gây những ám ảnh buồn về phận người ngay từ khi còn chưa biết đến khai thác than là như thế nào. Cho đến khi được lang thang dưới các “âm phủ”, tận mắt chứng kiến công việc đặc trưng của thợ lò, những ám ảnh đó mới vơi bớt đi chút ít. Nhớ lần sau bữa cơm trưa, trong khi tôi gợi chủ đề tai nạn hầm lò với lãnh đạo một đơn vị khai thác than thì có người góp chuyện: “Chỉ một công nhân bị tai nạn trong hầm lò, có khi chúng tôi phải mất cả tháng trời, đình chỉ tất cả mọi hoạt động sản xuất, tiêu tốn hàng tỉ đồng để phục vụ việc cứu hộ, đưa người ra”. Người khác bảo tính đoàn kết và tương trợ của các doanh nghiệp khai thác than rất cao, khó ngành nào sánh được. Mỗi khi có công nhân của một đơn vị khai thác than bất kỳ bị nạn, không ai bảo ai, các đơn vị trong ngành lần lượt đến thăm hỏi phúng viếng; tiền hỗ trợ, động viên có khi đến 3 - 4 trăm triệu đồng...”.

Đang chuyện đến hồi gay cấn thì bỗng “ùmmm”, mìn nổ. Tôi giật bắn người, dáo dác, chưa kịp định thần đã nghe đất đá chung quanh chuyển động răng rắc, khói bụi mịt mù như bức tường mềm mại lượn ngang làn đèn pha trên đầu từng người. Tôi nhắm nghiền mắt, mùi bụi, mùi thuốc súng quyện lại trong phổi nghe vừa nôn nao, vừa kích thích như thể đang rít hơi thuốc lá đầu tiên sau một tuần cai nghiện. Chờ dứt cơn khói bụi, tôi nhìn quanh và không khỏi phì cười khi ai nấy mặt mày lem luốc như nghệ sĩ tuồng tẩy trang vội vã. Tôi cứ tưởng nổ mìn là cái gì đó ghê gớm lắm, hóa ra cũng… bình thường!

Thứ ba, 21.10.2014

Hoàng Văn Minh
TIN LIÊN QUAN

Về đâu chợ nổi miền Tây?

NHÓM PV |

Từng là nơi giao thương sầm uất trên bến dưới thuyền nhưng các chợ nổi ở miền Tây đang đứng trước nguy cơ chìm dần do vắng bóng thương hồ.

2 phút cướp ôtô rồi gây ra 6 vụ tai nạn khiến 7 người thương vong ở Cần Thơ

Tạ Quang - Yến Phương |

Cần Thơ - Sự việc xảy ra quá nhanh, quá trình cướp xe của đối tượng dương tính với ma túy chỉ diễn ra trong vòng 2 phút.

Tiền phạt quá tiền công, tài xế nói "quyết không chở nữa"

Tô Thế |

Nhận chuyển hàng cồng kềnh với hơn 100 nghìn đồng tiền cước. Tuy nhiên, nhiều tài xế bị CSGT Hà Nội phát hiện xử lý, tiền phạt gấp nhiều lần tiền công.

Còn 9 nạn nhân mất tích trong vụ lở núi ở Làng Nủ

Đinh Đại |

Lào Cai - Lực lượng chức năng huyện Bảo Yên đã tìm thấy thi thể một nạn nhân mất tích trong vụ lở núi xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh.

Phường lên tiếng vụ nước ngập nhà dân do thi công âu thuyền

YẾN PHƯƠNG - TẠ QUANG |

Cần Thơ - Sau phản ánh của Lao Động, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi và tìm hướng khắc phục cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi âu thuyền Cái Khế.

Phá cửa xếp, dập tắt đám cháy nhà dân ở Hải Phòng

Hoàng Khôi |

Hải Phòng - Chiều 27.9, Công an TP Hải Phòng thông tin vụ cháy nhà dân ở phường Đông Hải 2 (quận Hải An).

Giao nhân sự làm Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính

PHẠM ĐÔNG |

Ông Vũ Nhữ Thăng được giao tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Kẻ dương tính ma túy gây tai nạn, bé 8 tháng tuổi mồ côi cha

TẠ QUANG - YẾN PHƯƠNG |

Cần Thơ - Vụ đối tượng dương tính ma túy lái xe ô tô tải gây tai nạn liên hoàn vào trưa 26.9 đã để lại hậu quả nặng nề cho gia đình các nạn nhân.