Rác thải y tế độc hại vẫn bị cố tình vất ra phố

Sơn Đô - Giang Linh |

Theo quy định của Sở Y tế Hà Nội, bất kỳ phòng khám tư nào có nguy cơ phát sinh rác thải y tế cần xử lý mà muốn được cấp phép hoạt động đều phải có hợp đồng xử lý chất thải nguy hại với đơn vị có chức năng. Như vậy, khi mới bắt đầu hoạt động, các phòng khám sẽ tìm những đơn vị có đủ điều kiện được cấp phép về xử lý rác thải y tế để ký hợp đồng. Tuy nhiên, sau một năm hợp đồng hết thời hạn, bên cạnh số khách hàng quay trở lại ký tiếp, quá nhiều “khách hàng” (phòng khám) không ký tiếp nữa, bởi tiết kiệm tiền. Ngoài ra, còn bởi công tác thanh, kiểm tra chưa chặt chẽ nên mạnh ai nấy cứ làm bừa!

“Tội gì chẳng làm bậy”!

Các đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ chuyên trách xử lý chất thải y tế độc hại cũng theo đó mà lao đao, “dở khóc dở cười”. “Bất kỳ doanh nghiệp nào đầu tư về phương tiện, thiết bị đều mong phương tiện thiết bị sẽ hoạt động hết công suất. Có như vậy mới đảm bảo được nguồn thu của doanh nghiệp, công ăn việc làm của cán bộ công nhân viên, đồng thời tái đầu tư để thực hiện công việc phục vụ cộng đồng tốt hơn. Tuy nhiên, với lượng rác thải y tế hiện nay chúng tôi thu gom được chưa đáp ứng được hết công suất máy móc”- ông Bùi Chí Bình - PGĐ Công ty cổ phần môi trường đô thị Urenco 10 cho biết.

Một vị đại diện Urenco 10 cho biết thêm: “Thực tế, lượng rác thải y tế chúng tôi thu gom từ các phòng khám không nhiều. Qua khảo sát, tổng lượng rác thải y tế phát sinh từ các phòng khám tại Hà Nội, trong một tháng khoảng 6 tấn, tập trung chủ yếu ở các phòng khám lớn. Những phòng khám thực sự quan tâm đến môi trường thì họ yêu cầu chúng tôi đến thu gom thường xuyên. Urenco 10, hiện có 5 ô tô chuyên dụng từ 1,25 tấn đến 3,5 tấn, xe máy thì có 4 chiếc, cũng được thiết kế chuyên dụng để vận chuyển rác thải y tế. Năng lực so với 7 tấn rác thải y tế kia thì quá thừa. Chắc chắn là không có chuyện chúng tôi không đi thu. Vì công suất xử lý của máy móc chúng tôi đầu tư rất lớn. Bản chất vấn đề nằm ở chỗ các phòng khám họ không hợp tác để cùng xử lý rác thải y tế”.

 

Rác thải y tế độc hại bị thải ra xe rác công cộng ngoài hè phố 

Để rác thải y tế lẫn với rác thải sinh hoạt là một hành động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng khuyến cáo, các “ổ dịch bệnh” dưới dạng túi rác từ phòng khám kia sẽ lây nhiễm chéo ra toàn xã hội. Những người chuyên thu gom rác thải sinh hoạt, khi gặp rác thải y tế, họ có trách nhiệm bỏ riêng ra một góc. Nhưng bỏ riêng rồi cũng không biết xử lý thế nào, bởi công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt không đủ “tầm” xử lý những cái độc hại nguy hiểm của rác thải y tế đặc biệt. Những bọc “kinh hoàng” từ phòng khám (trong đó có bơm kim tiêm và mẫu bệnh phẩm đầy máu người) trên vỉa hè - không ai nhận của mình. Nhân viên không xúc đi thì không hoàn thành công việc. Thứ nữa, bọc rác bị buộc kín, người thu gom cũng không biết là cái gì mà phân loại. Điều này tiềm tàng nhiều nguy hiểm cho những người dọn rác, và cả cộng đồng.

Ký hợp đồng cốt “chữa cháy”

Giữa lúc khó khăn mọi bề trong “làm ăn” hiện nay, các phòng khám tư lại càng ít coi trọng vấn đề rác thải y tế. Đã có chuyện, khi đơn vị thu gom đến, có phòng khám còn từ chối với những lý do rất vô lý. Anh Nguyễn Văn Thủ, hiện đang công tác tại Tổ vận chuyển số 1 (Urenco 10) - buồn bã nói về một thực tế đáng ngạc nhiên: “Khó khăn hiện nay là có một số phòng khám làm việc ngoài giờ, mình đến, họ lại chưa về, nên bị chậm trễ về thời gian thu gom, không đúng như quy định. Có một số phòng khám còn duy tâm, “kiêng” ngày mùng 1, bảo chúng tôi tránh cái ngày mùng 1 ra. Nhiều khi chúng tôi ra về tay không. Nếu ai đó nói rằng, vì chúng tôi đến không đúng giờ hoặc đúng ngày họ không kiêng vứt rác, mà phòng khám vứt ra ngoài thì đó chỉ là cách nói ngụy biện. Chúng tôi có 3 xe máy, ôtô nữa, luôn sẵn sàng đi thu gom”.

Một nhân viên phòng tổng hợp của Urenco phân tích: “Năm 2013, có sự cố của Thẩm mỹ viện Cát Tường, sau đó, các phòng khám đổ đến đây ký hợp đồng rất đông, liên tục. Vì Sở Y tế sẽ tăng cường thanh, kiểm tra xem phòng khám có an toàn không, trang thiết bị, giấy tờ có đầy đủ không. Nếu 2013 là năm tăng đột biến về số lượng phòng khám ký hợp đồng với Urenco. Sau 2014, khi hết hạn hợp đồng “chữa cháy”, thì ngoài một số phòng khám vẫn duy trì, còn một số thì không ký tiếp nữa. Từ 1.400 phòng khám giảm xuống còn 800. Hiện số lượng mình đang duy trì thu gom rác thải y tế dao động khoảng hơn 1.000 phòng khám”.

Ông Bình - PGĐ Urenco 10 “bật mí”: “Theo tôi được biết, các phòng khám thường nhờ đơn vị thứ 3 (cò) đến ký kết hợp đồng xử lý rác thải với chúng tôi. Họ chỉ cần có hợp đồng để có đủ thủ tục mở phòng khám. Nhưng sau đó, họ không cần biết hợp đồng như thế nào, còn hạn hay không. Chính vì thế mới có tình trạng một số phòng khám có hợp đồng nhưng không gọi chúng tôi đến thu gom rác thải”.

Khi Sở Y tế Hà Nội đổ trách nhiệm...

Để làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này, chúng tôi trao đổi với đại diện của Sở Y tế Hà Nội. Ông Tô Tử Anh - Phó Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, cho biết: “Sở Y tế có trách nhiệm cấp phép cho các cơ sở hành nghề, để đảm bảo các cơ sở hành nghề có xử lý rác thải y tế. Trách nhiệm của Sở Y tế chỉ là quản lý các cơ sở hành nghề y tế tư nhân trên địa bàn thôi. Còn trách nhiệm chung, trách nhiệm đầu tiên phải là người hành nghề. Sau đó, các cơ quan giám sát, từ thành phố đến quận, huyện, thị xã theo thẩm quyền”.

Các cơ sở y tế trên địa bàn TP. Hà Nội có khoảng 2.900 cơ sở hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. Trong đó, khoảng hơn 100 phòng khám đa khoa, khoảng 2.700 phòng khám chuyên khoa và các cơ sở dịch vụ y tế. Trong đó có khoảng 2.400 cơ sở khám chữa bệnh có rác thải y tế. Phần lớn các phòng khám ký kết thu gom rác thải với Urenco 10. Ngoài ra còn một số công ty khác như Công ty môi trường Hồng Anh.

 

Cán bộ y tế này tự khắc phục... trước phòng khám 

Trước câu hỏi có hay không tình trạng khi đăng ký giấy phép hành nghề thì họ có hợp đồng xử lý rác thải, nhưng khi hết thời hạn hợp đồng thì họ không ký tiếp mà họ xả thẳng ra môi trường, ra vỉa hè lòng đường trên phố xá? Câu trả lời của ông Tô Tử Anh vẫn loanh quanh: “Sở Y tế cũng có những văn bản gửi cho công ty có chức năng xử lý rác thải y tế trên địa bàn cùng các cơ sở khám bệnh chữa bệnh tiến hành việc ký kết hợp đồng về xử lý tiêu hủy rác thải y tế. Đồng thời Sở Y tế cũng có văn bản chỉ đạo cho các cơ sở hành nghề kể cả trong công lập và ngoài công lập về việc thực hiện nghiêm túc những quy định về xử lý chất thải quy định (...). Tuy nhiên, vẫn có những cơ sở hết hiệu lực hợp đồng xử lý rác thải y tế (mà không ký tiếp), khi Sở Y tế phát hiện thì đều xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Những trường hợp như phóng sự (báo Lao Động) vừa nêu, là rác thải y tế mà để chung với rác thải sinh hoạt thì trước hết, trách nhiệm thuộc về các cơ sở khám chữa bệnh đó. Khi phát hiện và xác minh, nếu những vi phạm đó là đúng là sự thật thì sở sẽ có những xử lý nghiêm khắc”.

Với 2.400 cơ sở cần ký hợp đồng xử lý rác thải y tế, nhưng đến hiện tại, Sở Y tế vẫn chưa nắm được số lượng các phòng khám đang có hợp đồng xử lý rác thải y tế với các công ty có chức năng xử lý... là bao nhiêu! Khi được hỏi, câu trả lời của ông Tô Tử Anh là: “Cái đó chúng tôi phải tổng hợp”.

Thông tin từ cuộc làm việc với ông Tô Tử Anh: Từ trước đến nay, Sở Y tế chưa nhận được phản ánh của cá nhân, tổ chức nào về việc các phòng khám phân loại xử lý rác thải không đúng quy định. Sở Y tế chỉ có trách nhiệm quản lý, cấp phép cho các cơ sở hành nghề. Phải có đầy đủ hợp đồng xử lý rác thải thì chúng tôi mới cấp phép. Để quản lý quá trình hoạt động thì rất nhiều phòng ban, rất nhiều cơ quan ban ngành từ thành phố đến các quận huyện thị xã, từ sở TNMT đến các đơn vị hữu quan. Vả lại, phòng khám họ không làm đúng thì cá nhân họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

 

Sơn Đô - Giang Linh
TIN LIÊN QUAN

Nhật Bản thay lãnh đạo, mở thời mới

Ngạc Ngư |

Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) cầm quyền đã chọn lựa ông Shigeru Ishiba, 67 tuổi, làm chủ tịch mới của đảng, kế nhiệm ông Fumio Kishida.

Bão số 5 Krathon mạnh lên thành siêu bão, đi vào Biển Đông

Ngọc Vân |

Sáng sớm 1.10, bão Krathon (Julian ở Philippines) mạnh lên thành siêu bão, đi vào khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 5 trong năm 2024.

Bóng chuyền nữ Việt Nam và bài toán về sự đầu tư

HOÀI VIỆT |

Bóng chuyền nữ Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn tại đấu trường châu Á. Từ những giải đấu quốc tế, chúng ta mới hiểu sự cần thiết về đầu tư trong bóng chuyền.

Văn hóa, bối cảnh vùng cao mang đến làn gió mới cho phim Việt

Huyền Chi |

Bối cảnh bản địa, khai thác văn hóa vùng miền thổi một làn gió mới cho phim truyền hình Việt vốn quen thuộc với những câu chuyện hiện đại, gần gũi khán giả đại chúng.

Điện gió ngoài khơi vẫn cứ "xa bờ"

Cường Ngô |

Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phải đạt 6.000 MW. Nhưng đến nay các dự án vẫn "giậm chân tại chỗ".

Người dân xóm lưới ở Cần Thơ trông mong mùa nước nổi

MỸ LY - NGÂN TÂM |

Cần Thơ - "Năm nào, chúng tôi cũng mong mau đến mùa nước nổi để có việc làm nhiều, tăng thu nhập” -một nhân công tại làng nghề đan lưới Thơm Rơm bày tỏ.

Chủ tàu du lịch Hạ Long lao đao sau bão Yagi

Đoàn Hưng |

Quảng Ninh - Mặc dù hoạt động du lịch đã phục hồi sau bão Yagi, nhưng những chủ tàu du lịch TP Hạ Long bị chìm đắm vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Giao công an xác minh việc "hôi của" trên cao tốc ở Phú Thọ

Tô Công |

Phú Thọ - UBND huyện Cẩm Khê giao Công an và chính quyền xã Minh Tân xác minh, làm rõ thông tin "hôi của" trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.