Năm 2002, Đơn Dương bị liệng đá đến chết khi tham gia bộ phim Mỹ We were soldiers (Chúng ta là người lính).
Đại ý, anh là diễn viên Việt, đóng vai bộ đội mà lại tuốt lưỡi lê đâm vào lưng địch tức là không được.
Đơn Dương (Nguyễn Hữu An trong phim) còn chỉ đạo “Giết sạch bọn chúng (Tù binh)”.
Anh mất tích giang hồ từ đó. Ngu thì chết chứ bệnh tật gì. Trong tư duy quản lý văn hóa cũng như thái độ xã hội, chuyện bắn giết tù binh chỉ có ở lính Mỹ, lính Hàn, lính Nhật, lính Tàu. Tức là lính gì thì lính trừ bộ đội.
Ta thắng địch thua. Ta nhân đạo, địch tàn ác. Ta chính nghĩa, địch bất nhân... Cái này triền miên trên báo, trong sử, vào văn học, và tất nhiên cả trên điện ảnh.
Ca ngợi chẳng có gì là xấu cho dù đằng sau cái lấp lánh hào quang là những sự thật mà chỉ mô tả bằng một chữ “xấu xí” là chưa đủ.
Các bạn đọc câu này có thể thấy ấu trĩ. Nhưng nó là sự thật. Thật như chính chuyện các bạn liệng đá “sửu nhi” chỉ vì chúng chụp ảnh selfie trong bộ đồ rằn ri lính Hàn theo mode “Hậu duệ mặt trời”.
Những định kiến đang khiến chúng ta nhìn, và “tặng” chúng, một cách không thương tiếc những từ ngữ chắc chỉ dành cho... quân địch.
Nào là liệng đá “hậu duệ mặt dày”. Nào là nhắc chuyện “tội ác lính Đại Hàn trong chiến tranh”. Nào là chê trách không não, thiếu hiểu biết. Nào là nỗi lo lu mờ những trang sử. Nào là cảnh báo quyền lực mềm và chuyện thôn tính văn hóa. Và thậm chí, có người viết nếu “Hậu duệ mặt trời” được chiếu trên truyền hình VN, PR cho hình ảnh quân đội Hàn thì đó là “sự ô nhục”.
Nhục thế có mà nhục lâu rồi.
Tôi không hiểu tại sao và bằng cách nào người ta lại có thể ném đá từ Việt Nam ném sang Hàn Quốc.
Đại úy Yoo Si Jin, hay bác sĩ Kang Mo Yeon có lỗi gì đâu! Khi mà họ chỉ đang mô tả kiểu “anh bộ đội” ở ta.
Nhưng bọn trẻ có tội gì đâu khi chúng say mê những câu chuyện tình đẹp đẽ, những người lính nhân đạo, can trường. Sự nhân đạo và cái đẹp nó là những sản phẩm, những giá trị chung của nhân loại hay là của riêng người Việt chúng ta?!
Hãy nhắc giùm tôi một nhân vật người lính Việt Nam còn “sống sót” sau khi người ta rời màn hình?
Còn “sửu nhi” ư? Sử sách nào, người lớn nào đã dạy chúng về những sự thật lịch sử?
Tôi nghĩ chính những viên đá hôm nay chỉ đang chứng tỏ sự thất bại của người lớn.
Thất bại của những định kiến đạo đức giành cái tốt, cái đẹp như một thứ độc quyền của mình.
Thất bại của một nền văn học, điện ảnh không có nổi một bộ phim mà người ta mò mẫm chờ đón đến mức chờ đến 11h đêm để xem trên Vietsub
Thất bại vì chẳng có người lính nào đủ để “sửu nhi” say mê, ngưỡng mộ đến mức đòi mặc quân phục selfi.
Nếu Yoo Si Jin biết tiếng Việt, chắc anh sẽ khóc ra tiếng Mán mất thôi!