Trung tâm quản lý giao thông công cộng thuộc Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản gửi Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP.HCM đề nghị hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự trên các tuyến xe buýt.
Điểm đ Khoản 5 Điều 7 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP, quy định xử lý hành chính đối với hành vi “sàm sỡ, quấy rối tình dục với mức “phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng”, mức phạt này không đủ sức răn đe những kẻ biến thái.
Nhưng chưa nói đến xử phạt, bắt được "tận tay" những kẻ có hành vi sàm sở, quấy rối tình dục trên xe buýt là điều không dễ.
Bởi vì, không phải xe buýt nào cũng trang bị camera, ngay cả có camera cũng khó có thể ghi hình đầy đủ. Khi đông hành khách, nhiều góc khuất, kẻ gian sử dụng áo, túi xách để che chắn. Nạn nhân bị quấy rối vì sợ hãi, vì xấu hổ thường không dám lên tiếng. Sau đó, viết lên Facebook, thì cũng không có chứng cứ gì để xử lý và cũng chẳng biết ai để "bắt".
Cũng có ý kiến cho rằng, hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục trên xe buýt đối với người dưới 16 tuối, nếu đủ căn cứ thì đây là dấu hiệu phạm tội “dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” theo Điều 146 Bộ luật Hình sự.
Có điều muốn đủ căn cứ thì trước hết, nạn nhân phải lên tiếng khi bị sàm sỡ. Nhân viên xe buýt, tài xế, hành khách cùng phối hợp bắt giữ, tố cáo, làm chứng.
Trong cuốn sách "Trò chuyện với môn sinh" của võ sư Nguyễn Văn Dũng, khi kể câu chuyện về một cô gái thấy tên trộm vào nhà, nhưng sợ quá cứng cả người, cứng cả họng. Võ sư Nguyễn Văn Dũng viết: "Cách tốt nhất là nên đi học võ, bởi võ dạy cho con người ta, trước hiểm nguy, chí ít phải biết la lên một tiếng".
Phụ nữ bị quấy rối tình dục trên xe buýt, cũng nên tham khảo "tư vấn" của võ sư Nguyễn Văn Dũng dù có học võ hay không, hãy la lên một tiếng. Làm như vậy, mới mong có được sự hỗ trợ tiếp theo để xử lý những kẻ biến thái.