Mới đây, Sở GDĐT Nghệ An ra văn bản nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường dưới mọi hình thức, trong thời gian học sinh nghỉ hè.
Văn bản này cũng ngoại trừ việc tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 và bồi dưỡng học sinh giỏi tham gia các đội tuyển dự thi quốc gia, khu vực và quốc tế. Đây là năm thứ hai liên tiếp Nghệ An ra văn bản về vấn đề này, năm nay, Sở GDĐT còn cung cấp cả đường dây nóng để người dân phản ánh về vấn đề dạy thêm, học thêm để thể hiện sự quyết tâm ngăn chặn "vấn nạn" này.
Cũng như Nghệ An, nhiều địa phương cũng đã ra văn bản cấm dạy thêm như Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng…
Vấn đề ở đây có phải là câu chuyện: Không quản được thì cấm? Và “cấm dạy thêm dưới mọi hình thức” có là quy định cứng nhắc?
Năm 2019, Bộ GDĐT công bố Quyết định 2499 điều chỉnh Thông tư 17/2012 và coi đây như một văn bản cấm dạy thêm, học thêm trái phép. Thế nhưng, thế nào là dạy thêm “được phép” lại là câu chuyện gây tranh cãi bởi ngay Thông tư này quy định còn thiếu rõ ràng, minh bạch.
Tại Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng 4.2023, ở lĩnh vực giáo dục, mức chi bình quân 1 năm cho 1 người đi học là 7 triệu đồng. Trong đó, đáng chú ý là chi học thêm chiếm một tỉ trọng khá lớn tới 16,6%.
Điều này cho thấy dạy thêm, học thêm vẫn đang là hoạt động “chạy ngầm”. Lý do: học thêm là một nhu cầu lớn trong xã hội và không ít giáo viên coi đây là nguồn thu nhập chính bổ sung vào đồng lương ít ỏi.
Ngay đầu hè này, báo Lao Động cũng đã ghi nhận câu chuyện phụ huynh ở thành phố chạy đôn chạy đáo để tìm chỗ học hè cho con vì không có người trông và “thà cho đi học thêm còn hơn là ngồi nhà bật máy lạnh xem Youtube, Tiktok cả ngày”.
Làm thế nào để dạy thêm và học thêm không bị “biến tướng”, “trục lợi”, đáp ứng quy luật cung cầu của thị trường và trở thành một hoạt động có ích là bài toán mà ngành giáo dục cần đưa ra lời giải.
Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn từng trả lời ngay tại diễn đàn Quốc hội rằng, một trong những vấn đề là dù Thông tư 17/2012 vẫn còn một số điều khoản còn hiệu lực thì dạy thêm cần phải được đưa trở lại danh mục là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư thì việc kiểm soát mới rõ ràng.
Cho đến nay, việc dạy thêm mới nhấn mạnh từ “cấm”, thay vì tìm cách “quản”.
Chỉ có đưa vào Luật thì việc dạy thêm, học thêm trong vai trò là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới tạo ra sự đồng bộ trong quản lý giữa các địa phương, đảm bảo công khai, minh bạch và đáp ứng một nhu cầu của cả học sinh, phụ huynh lẫn giáo viên.