Giáo dục trước đây có khái niệm "lớp vỡ lòng" nghĩa là để các em làm quen, tạo hứng thú cho các em trong giai đoạn đầu tiếp thu kiến thức.
Bộ GĐ-ĐT nhiều năm nay cũng cấm việc dạy chữ trước khi học sinh bước vào lớp 1.
Thế nhưng với chương trình lớp 1 mới, nhiều phụ huynh cho rằng các em không được "vỡ lòng" mà vỡ ra một điều là việc học quá khó, quá khổ, nhất là môn Tiếng Việt.
"Con tôi ngày nào đi học về cũng mếu máo"; "Cô giáo nói con tôi chậm, không học nhanh bằng các bạn đã quen mặt chữ khi học mẫu giáo"; "Chúng tôi đi làm về đã mệt mỏi nhưng còn mệt mỏi hơn khi cùng con học đến 9-10 giờ tối"; "Chương trình mới kiểu gì mà khiến con tôi ngay từ lớp 1 đã sợ học"...
Quá nhiều phàn nàn từ các phụ huynh. Và một trong những điều đáng lo là chuyện "sợ học", "sợ bị so sánh" với các bạn ngay từ khi biết những chữ đầu tiên.
Có vẻ như các nhà giáo dục đang hướng tới việc đưa cho học sinh những thứ họ cần chứ không phải mang đến những điều các em muốn.
Thế nhưng, Bộ GĐ-ĐT vẫn cho rằng "chưa nhận được bất kỳ phản ánh chính thức nào từ giáo viên, cơ sở giáo dục, nhà khoa học về vấn đề này" và "khẳng định Bộ GDĐT sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến phản biện, vấn đề phát sinh. Khi có đầy đủ căn cứ khoa học, qua các giai đoạn, đánh giá nhiều mặt, chương trình sẽ được điều chỉnh kịp thời".
Như vậy có thể thấy ngay, với chương trình mới, lứa học sinh lớp 1 đang có nguy cơ đưa ra để thí nghiệm "đổi mới chương trình giáo dục".
Một đề án tốn kém lên tới hàng ngàn tỉ, được dư luận quan tâm mà cho đến nay vẫn "chưa đủ căn cứ khoa học", "chưa đánh giá nhiều mặt" thì còn đợi đến bao giờ?
Hệ luỵ của những cải tiến trong giáo dục vẫn còn đó, đơn cử như cả một thế hệ 7x trở thành nạn nhân của cải cách chữ viết và trở thành "thế hệ chữ xấu như gà bới" không cải thiện được.
Chỉ khi nào thoát được "giáo dục áp đặt" và thoát khỏi bệnh thành tích với việc nhồi nhét kiến thức ngay từ khi học lớp 1 thì mới hy vọng vào một cuộc đổi mới giáo dục thực chất.
Chương trình lớp 1 mới: dạy khổ, học khó, phụ huynh lo là một thực tế, Bộ GĐ-ĐT phải tiếp thu ngay chứ không thể "cứ để một vài năm rồi rút kinh nghiệm". Bởi có thể sẽ thêm một thế hệ học trò có nguy cơ bị ảnh hưởng lâu dài vì chờ người lớn rút sợi dây kinh nghiệm.