Cấm xe máy ư! Quá đúng, nhưng đó là tư duy quản lý theo kiểu cai trị áp đặt đó thì quá dễ nhưng không thuận lòng dân. Không mua xe máy dân mừng quá đi chứ, vì không mất một khoản tiền, không đi xe máy an toàn hơn đi xe máy, nhưng đi bằng phương tiện gì là chuyện của chính quyền lo cho dân.
Nếu viết ra cấm xe máy hay ôtô thì quá dễ, nhưng trả lời câu hỏi thứ hai từ dân thì khó. Gần dân không phải là phải xuống phố ngồi uống ly cà phê với dân, cứ ngồi trong phòng máy lạnh, nhưng đặt mình vào vị trí là một người dân, và là dân nghèo.
Một buổi sáng phải chở con đến trường, tranh thủ đến cơ quan đúng giờ, đi làm sao đây?
Chiều về, đón con, tạt qua chợ, không xe máy, đi bằng cách nào đây? Đặt vào vị trí của người dân là vậy đó.
Từ đó, nhìn rộng ra, tất cả các quyết định của chính quyền không thể không đặt vào vị trí của người dân, bởi vì sẽ dễ phạm sai lầm. Thực tế cho thấy, có không ít quy định mà nhà thiết kế ngồi trên trời, xa rời cuộc sống, coi thường dân. Coi thường dân không phải mắng dân, mà đưa ra những chính sách, quy định bất chấp thân phận của con người.
Với quan điểm ai mất bằng lái đều phải thi lại là coi thường dân. Đâu phải người dân nào cũng gian lận, dối trá.
Cấm đi xe máy hay ôtô khi chưa có phương tiện thay thế là coi thường dân. Ngay cả khi có phương tiện, nhưng không thuận lợi, không an toàn, không vệ sinh, thì cũng không tôn trọng dân.
Sự hài lòng của dân chúng trước các quyết sách của chính quyền nói lên thực chất của các quyết sách, không phải từ các báo cáo đẹp trong hội nghị.
Dân chết vì tai nạn giao thông nhiều và chủ yếu là vì đi xe máy, điều này không sai. Nhưng hãy đặt vào vị trí của dân, đi trên quốc lộ, giao thông hỗn hợp từ xe bò đến container, tai nạn là điều không tránh khỏi. Dân bị kẹt xe, khổ sở hằng ngày, lãnh đạo có thấu hiểu, và còn nhiều việc tương tự.
Không đặt vào vị trí của dân, không thể thấu hiểu.