Tất nhiên, màu huy chương để phân biệt cao thấp, nhưng đã đoạt huy chương tại các kỳ thi quốc tế, thì dù màu gì cũng là những hạt mầm ưu tú của đất nước, nếu biết cách chăm bón, sẽ cho hoa trái về sau.
Nhiều địa phương xây dựng các đề án đào tạo nhân tài, phát triển nguồn nhân lực. Mỗi nơi có một cách, có nơi cho con cái của cán bộ đi học, có nơi cho cán bộ đi học, tất nhiên là học nước ngoài, lấy các loại bằng cấp từ cử nhân, thạc sĩ đến tiến sĩ.
Cho đến nay, đã có địa phương cho rằng cần xem lại có nên tiếp tục triển khai đề án vì chi phí cao nhưng hiệu quả chưa rõ. Cũng có nhiều ý kiến phản đối vì lấy tiền nhà nước cho cán bộ đi học là không công bằng. Thực ra, nếu lấy tiền nhà nước chi cho cán bộ đi học, và cán bộ đó học tốt, về phục vụ hiệu quả, thì cũng xứng đáng. Nhưng tiếc rằng, không ít người được cử đi học không xứng với đồng tiền bỏ ra.
Thì đây, các kỳ thi Olympic quốc tế đã sát hạch giúp cho chúng ta, đã tuyển chọn một cách công khai, khách quan, công bằng những tài năng khoa học tương lai. Nhà nước bỏ tiền rất nhiều cho các đề án nguồn nhân lực, thì cũng nên bỏ tiền để đào tạo nguồn nhân lực này.
Đề án cho những tấm huy chương Olympic, em nào đoạt huy chương, bất kể màu nào, Nhà nước sẽ cấp học bổng cho các em học ở các trường đào tạo nổi tiếng về ngành mà các em theo đuổi. Chính các em sẽ là nguồn nhân lực khoa học trong nay mai. Muốn ba chấm hay bốn chấm thì cũng phải là có con người, muốn nói đến công nghệ sinh học hay vật lý na nô thì cũng phải có những bộ óc xuất sắc mới theo kịp.
Nhưng, điều đáng lo là các em có quay trở về hay không? Vấn đề không phải là tiền, vì gia đình các em có thể bồi thường tiền cho Nhà nước, vấn đề là chúng ta có xây dựng được môi trường để mời gọi và giữ chân nhân tài hay không?
Các bạn có đoạt huy chương các kỳ thi Olympic cũng nên hiểu rằng, đây chỉ là những thành tích ban đầu, việc học tập, thành công còn ở phía trước rất xa, cần phải nỗ lực thật nhiều mới đạt được các giá trị thật sự chứ không chỉ là những tấm huy chương kỷ niệm.