Trong bài báo ấy, Bác viết: “Cán bộ và đảng viên ta nói chung là tốt. Nhiều đồng chí đã luôn luôn nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, ý thức tổ chức và kỷ luật, giữ vững đạo đức cách mạng, sinh hoạt giản dị, tác phong dân chủ, rất xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và của nhân dân.
Nhưng Đảng ta ngày càng phát triển, số đảng viên ngày thêm đông, công việc ngày càng nhiều và phức tạp, cho nên không khỏi có một số cán bộ, đảng viên còn phạm những khuyết điểm, sai lầm cần phải nghiêm khắc phê bình và thật thà sửa chữa”.
Phân tích về khuyết điểm, sai lầm của một số cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân. Đó là: “Ít nghĩ đến lợi ích chung của cách mạng, của nhân dân, mà thường lo cho lợi ích riêng của mình. Tham danh lợi, hay suy tị. Có chút thành tích thì tự cao, tự đại, kiêu ngạo, công thần, gây lủng củng trong nội bộ”.
Do cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra các bệnh như tự do chủ nghĩa, quan liêu mệnh lệnh, lười biếng. Đặc biệt Bác nhấn mạnh về nạn tham ô, lãng phí: “Vì thiếu đạo đức cách mạng, thiếu tinh thần trách nhiệm mà đâm ra hư hỏng như ăn cắp của công, vung phí tiền bạc và vật liệu của Nhà nước và của tập thể, làm hại đến việc phát triển kinh tế và văn hóa để nâng cao đời sống của nhân dân”.
Bác viết tiếp: “Trên đây là tóm tắt mấy khuyết điểm chính mà toàn Đảng ta, từ cấp lãnh đạo đến cơ sở, cần kiên quyết khắc phục. Không ai hoàn toàn tránh khỏi sai lầm, quyết tâm sửa chữa sẽ thành người tốt”.
Quá trình đấu tranh, làm trong sạch Đảng là một quá trình lâu dài, xuyêt suốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó, như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Bác còn khẳng định: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. Đó là kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng việc của ta…”. Người gọi đó là “giặc nội xâm”.
60 năm sau bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hôm qua, ngày 2.2.2023, nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng, một tác phẩm được đánh giá là “cẩm nang” về phòng, chống tham nhũng đã được ra mắt, giới thiệu.
Đó là cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bản thân tiêu đề cuốn sách này cũng đã là một lời khẳng định: Việc phòng, chống tham nhũng đã trở thành nhiệm vụ, một xu thế không thể đảo ngược nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, “không thể chỉ làm một lần là xong; ngược lại, phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục.
Tại lễ ra mắt cuốn sách, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ, nội dung những bài viết, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư trong cuốn sách này được rút ra từ thực tiễn phong phú, thể hiện tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, đầy sức thuyết phục của Tổng Bí thư; góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Qua cuốn sách này, bạn đọc trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối và quyết tâm đấu tranh chống “giặc nội xâm”, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta - một cuộc chiến đấu không tiếng súng nhưng vô cùng quyết liệt, cam go.
Sự ra đời của cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” đúng dịp 93 năm Ngày thành lập Đảng có ý nghĩa lớn lao, tạo bước ngoặt mới về nhận thức chống tham nhũng trong bối cảnh hiện nay.
Cuộc chiến với “giặc nội xâm”, không dành cho những ai nhụt chí, mỏi gối, chùn chân. Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thể hiện qua cuốn sách của Tổng Bí thư thêm một lần khẳng định: Đảng ta là Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính. Chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ để bảo vệ Đảng mà còn hướng đến bảo vệ lợi ích và sự phát triển của đất nước, của nhân dân.