Nhiều khu rừng ở Gia Lai bị phá, hình ảnh báo chí ghi lại những cuộc tàn sát rừng ở Mang Yang khiến dư luận phải sốt ruột. Xe máy "cải tiến" chở gỗ lậu ra khỏi rừng như chốn không người.
Mới đây, lực lượng chức năng mật phục để bắt những đối tượng dùng trâu để vận chuyển gỗ trái phép. Các đối tượng đã giao nộp 6 lóng gỗ (chủng loại SP5), 4 xe máy độ chế sử dụng vận chuyển gỗ, 1 máy cưa.
Thu được 6 lóng gỗ, nghe mà cay đắng, mà nát lòng khi so sánh với những cánh rừng bị tàn phá.
Bọn lâm tặc có nộp lại 6 lóng gỗ hay nhiều hơn thế cũng chẳng ăn thua gì so với lượng gỗ mà chúng khai thác. Và quan trọng hơn, cho dù có tịch thu lại toàn bộ số gỗ thì cũng không lấy lại được diện tích rừng đã mất. Nói điều này để khẳng định rằng, quản lý rừng, bảo vệ rừng, chống được nạn lâm tặc mới giữ được rừng, bắt vài lóng gỗ không thể cứu được rừng.
Ai cũng biết, để khai thác được vài lóng gỗ đó, bọn lâm tặc phá cả một vạt rừng. Cho nên, quét sạch không còn bóng dáng lâm tặc mới là giữ rừng.
Thế nhưng, thực tế thì khác xa lý thuyết, ông Trần Đình Hiệp - Bí thư Huyện ủy Mang Yang - truy trách nhiệm cán bộ xã và kiểm lâm để cây rừng bị triệt hạ trên địa bàn quản lý. Còn ông Trần Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Hra - lại nói với phóng viên Lao Động rằng xã không có quân để giữ rừng.
Nói qua nói lại, chính quyền xã, huyện và lực lượng kiểm lâm đổ cho nhau, vậy thì ai chịu trách nhiệm khi rừng bị phá?
Khởi tố vụ án, đúng rồi, đương nhiên là vậy. Nhưng liệu có khởi tố được bị can và bị can là ai. Bị can là những người đánh xe trâu, xe máy đi chở thuê, hay bị can là những ông trùm lâm tặc ở địa phương.
Không lôi cổ được những tên đầu nậu, những tên trùm lâm tặc, những kẻ đứng đầu đường dây phá rừng, những tên bảo kê lớn nhỏ ẩn nấp khắp nơi thì khởi tố vụ án cũng không ăn thua, ngày mai sẽ có nhóm người khác đi vào rừng khai thác gỗ lậu.
Đó là nguyên nhân vì sao rừng tiếp tục bị chảy máu.