Trước mắt, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các hộ dân xây dựng nhà tạm vi phạm (15 công trình) tháo dỡ.
Trước đó, UBND huyện Phú Xuyên cũng đã tổ chức cưỡng chế 8/23 công trình nhà tạm (giai đoạn 1) vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp tại xứ đồng Láng, xã Tân Dân.
“Cưỡng chế theo quy định”, nói nghe thì nhẹ bẫng. Nhưng thực tế lại nhiêu khê vô cùng khi vừa tốn công sức, vừa gây lãng phí tiền của người dân do hầu hết công trình vi phạm ở xã Tân Dân đều có giá trị từ 100 - 300 triệu đồng - những con số không hề nhỏ với người dân thời điểm này.
Đó là chưa nói đến “cưỡng chế theo quy định” còn gây “xầm xì” đủ kiểu trong dư luận do “đồng tiền đi liền khúc ruột”. Có khi xử lý không khéo còn gây mâu thuẫn lớn, khó vãn hồi giữa chính quyền và người dân.
Điều đáng bàn nữa là đúng ra, ở Tân Dân sẽ không có vụ “cưỡng chế theo quy định” nào cả nếu ngay từ đầu, chính quyền địa phương thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật bằng cách ngăn chặn sai phạm từ trong trứng nước.
Đằng này, chuyện hàng loạt hộ dân ở xã Tân Dân ngang nhiên xây dựng công trình nhà ở trên đất nông nghiệp bắt đầu từ năm 2017.
Nhưng trong thời gian từ năm 2017 đến nay, chính quyền địa phương dù nhiều lần lập biên bản, xử phạt, yêu cầu người dân tự giác tháo dỡ... nhưng không hiểu sao các công trình xây dựng trái phép vẫn cứ ngang nhiên tồn tại.
Vậy nên, người dân cố tình vi phạm luật khi xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp là một chuyện. Nhưng để vi phạm kéo dài, “phình to” kiểu “cái sảy nảy cái ung” thì không thể không nhắc đến trách nhiệm của cán bộ, chính quyền địa phương các cấp.
Cũng không loại trừ cả khả năng có dấu hiệu tiêu cực. Bởi như ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - từng nói đại ý căn nhà thuê của ông ở Quy Nhơn vừa đổ đất sửa chữa, lập tức đã có người ở đội trật tự đến kiểm tra.
Do đó, việc người dân ngang nhiên xây dựng cả loạt công trình trái phép là nhà ở có giá trị lớn giữa bãi đất trống, nói cơ quan chức năng không biết hoặc biết nhưng chỉ xử lý “nhẹ nhàng” để rồi bây giờ phải “cưỡng chế theo quy định” là điều hết sức vô lý, khó chấp nhận.
Đáng lo ngại là thực trạng vi phạm cũng như hành trình từ lập biên bản xử phạt nhưng cho tồn tại đến “cưỡng chế theo quy định” như ở xã Tân Dân là một điển hình sống động, có thể nhìn, nghe thấy chuyện tương tự ở bất kỳ địa phương nào trên cả nước.
Ra tối hậu thư cưỡng chế để lập lại trật tự, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật là cần thiết, rất đáng hoan nghênh. Nhưng suy cho cùng, nếu chính quyền các địa phương không chịu nghiêm minh ngay từ đầu, thì “cưỡng chế theo quy định” cũng chỉ là sự “sửa sai” gây nhiều hệ lụy xấu!