Anh Nguyễn Đức Tú, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức chia sẻ với phóng viên Lao Động: “Tài khoản tôi đã có nạp tiền rồi nhưng khi qua trạm báo không có tiền trong tài khoản. Tôi gọi tổng đài epass mấy chục lần nhưng nhân viên chăm sóc khách hàng nói chuyển sang bộ phận kỹ thuật rồi tắt máy. Giờ gặp nhân viên epass trên cao tốc thì bảo lỗi hệ thống, chỉ có chờ chứ không biết giải quyết thế nào rồi đi mất và tôi đã chờ cả tiếng đồng hồ rồi”.
Nhiều lái xe đã thực hiện xong dán thẻ, có đủ tiền trong tài khoản, nhưng vẫn bị báo lỗi, và được trả lời là lỗi hệ thống.
Anh Văn Đình Dũng, ngụ quận Bình Thạnh cũng gặp sự cố bởi thẻ ETC epass nói: "Tôi yêu cầu nhân viên epass dán thẻ lại cho tôi nhưng chỉ nhận được câu trả lời hệ thống bị lỗi. Không lẽ bây giờ tôi mắc võng nằm trên đây để chờ”.
Lỗi hệ thống là lỗi gì?
Việc chuẩn bị cho thu phí điện tử đã từ lâu, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ra "tối hậu thư" cho các đơn vị, nếu không thực hiện được thì xả trạm. Trong thời gian dài, không chuẩn bị được các chương trình để thu phí điện tử là lỗi của doanh nghiệp.
Nhiều xe bị kẹt làm ảnh hưởng đến toàn tuyến, nhiều người bị kẹt xe do "lỗi hệ thống" nhưng thiệt hại thì họ phải gánh chịu. Có những người bị ảnh hưởng nặng nề vì công việc bị xáo trộn, hàng hóa bị ùn ứ, hư hỏng, giao sai hợp đồng. Chỉ có nạn nhân mới biết được mình bị thiệt hại như thế nào do "lỗi hệ thống".
Trạm thu phí quy định, khi di chuyển qua trạm bằng làn ETC, xe ôtô yêu cầu phải dán thẻ và liên kết tài khoản giao thông.
Đã đăng ký ETC nhưng khi đi qua trạm, thanh chắn không mở, một phần nguyên nhân là do tài khoản không đủ tiền. Nếu vi phạm lỗi này có thể bị phạt đến 2 triệu đồng, nặng hơn còn bị thu giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Rõ ràng, người tham gia giao thông vi phạm, nếu có "lỗi cá nhân" thì bị phạt, còn doanh nghiệp có "lỗi hệ thống" gây thiệt hại cho người tham gia giao thông thì ai phạt và phạt như thế nào, có bồi thường thiệt hại không?