Trong bối cảnh hiện nay, tính đến ngày 25.11, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 114.591.610 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 68.490.909 liều, tiêm mũi 2 là 46.100.701 liều thì vaccine cần vẫn thiếu rất nhiều. Bộ Y tế cũng đã có đề nghị các địa phương rà soát, thống kê trường hợp tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19 để xây dựng kế hoạch tiêm mũi 3. Nguy cơ thiếu vaccine đang hiển hiện.
Nhu cầu về vaccine vẫn rất khẩn cấp và đã đến lúc người ta quay lại với câu hỏi: “Bao giờ có vaccine nội?”.
Một loại vaccine được cấp phép lưu hành khi hội tụ đủ các yếu tố trên lâm sàng và thực tế: Tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ. Tuy nhiên, để có đủ các yếu tố này thì quá trình nghiên cứu một loại vaccine kéo dài hàng năm, thậm chí hàng chục năm.
Dịch COVID-19 không cho phép thời gian dài như vậy. Ngay cả những quốc gia rất mạnh về sản xuất vaccine như: Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ, Anh… cũng phải rút bớt quy trình để kịp thời cung cấp vaccine ra thị trường theo hướng vừa sản xuất, vừa nghiên cứu để phù hợp với các biến chủng.
Vaccine Nanocovax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen từng được kỳ vọng là tiên phong, mở lối cho “vaccine made in Vietnam”. Ở cuộc họp gần nhất hồi giữa tháng 9.2021, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đánh giá vaccine Nanocovax an toàn, có tính sinh miễn dịch và chỉ còn một điểm là “chưa có kết quả về hiệu lực bảo vệ”.
Vấn đề là nếu đúng quy trình, thì cần thêm rất nhiều thời gian, phải thử nghiệm trên số lượng lớn trong khi việc tìm tình nguyện viên hiện nay rất khó khăn khi nhiều nơi đã hoàn thành tiêm mũi 1, thậm chí đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên.
Với những số liệu và kết quả đã công bố Nanocovax đã sẵn sàng được cấp phép đáp ứng nhu cầu vaccine của người dân. Vì vậy, việc yêu cầu nhóm nghiên cứu vaccine này tiếp tục phải nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh thì cơ hội cho vaccine nội sẽ hẹp dần, thậm chí lỡ nhịp không theo kịp kế hoạch tiêm chủng quốc gia về COVID-19.
Cần một quyết định dứt khoát và dũng cảm về vaccine nội. 60 năm trước, nếu bác sĩ Hoàng Thuỷ Nguyên cũng chần chừ, do dự, không dũng cảm uống cạn lo vaccine phòng bại liệt thì có lẽ hàng trăm, hàng nghìn trẻ em Việt Nam đã bị di chứng suốt đời vì bại liệt.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất rõ: Trong khi trên thế giới và trong khu vực tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và vaccine đang rất khan hiếm thì việc sản xuất vaccine trong nước “phải bàn và làm bằng được”, bối cảnh hiện nay là cơ hội để phát triển ngành dược Việt Nam, trong đó có việc nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng COVID-19.
Quan điểm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” phải được thể hiện ngay trong quá trình xét duyệt cấp phép cho vaccine nội địa. Thận trọng, chặt chẽ trong khoa học là cần thiết nhưng trong bối cảnh khẩn cấp thì cần linh hoạt, khẩn trương, rút gọn tối đa quy trình, thủ tục hành chính.
Đừng để vaccine nội lỡ nhịp thậm chí vỡ kế hoạch, tiến độ trong khi đây mới chính là nguồn vaccine vừa cấp bách, vừa có tính chủ động, lâu dài để đối phó với dịch COVID-19.