Giá vàng cao ngất ngưởng là một chủ đề "nóng" trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng nhà nước trước Quốc hội.
Có hai câu hỏi, vừa là câu hỏi, vừa mô tả những câu chuyện “không thể chấp nhận được” đang tồn tại trong nền kinh tế.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đặt thẳng câu hỏi về những “diễn biến không bình thường của giá vàng SJC” và bà nhấn mạnh đến sự chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới- có lúc trên 20 triệu đồng/lượng.
Không chỉ trên lệch một trời một vực so với giá thế giới, mà ngay giữa các thương hiệu cũng có sự chênh lệch, dù cũng là vàng. Ngay vàng thương hiệu SJC nữa, cũng đang tồn tại “Chênh lệch quá khác biệt giữa vàng miếng SJC với giá vàng trang sức SJC cùng hàm lượng”.
Vậy là cũng là vàng, cùng một hàm lượng, đang xảy ra câu chuyện “vàng nọ vàng kia”. Cũng là vàng, nhưng người dân đang phải bỏ ra cao hơn từ 16-17, thậm chí có thời điểm tới 20 triệu cho một lượng.
ĐBQH Nguyễn Phương Thuỷ đã nói đúng: Sự chênh lệch quá lớn và quá vô lý này đang “gây tâm lý hoang mang, bất an cho người dân, làm giảm niềm tin vào giá trị đồng tiền Việt Nam, gia tăng lạm phát".
Và bà Thuỷ càng đúng hơn trước cách đặt vấn đề: Liệu có trường hợp bắt tay, thao túng giá vàng miếng SJC trên thị trường hay không? Và “Bao giờ ngân hàng nhà nước sửa đổi Nghị định 24”.
Nhớ trong phiên chất vấn tròn 10 năm trước, ngày 13.11.2012, chênh lệch giá vàng cũng là một chủ đề nóng. ĐBQH Trần Ngọc Vinh khi đó còn đặt câu hỏi “bóc mẽ”: Nếu trước đây, chi phí dập vàng SJC chỉ khoảng 7.000-8.000 đồng/lượng, nay khi chuyển đổi khoảng 50.000 đồng/lượng, với việc chuyển đổi mỗi ngày hàng tỉ đồng đi đâu? Sao có sự chênh lệch, mức chi phí này do ai đặt ra, được sử dụng ra sao?
Khi đó, giá vàng trong nước chênh với giá thế giới chỉ 1-3 triệu đồng/lượng.
Sau 10 năm, vẫn là chuyện giá vàng chênh lệch, giữa trong nước và thế giới, giữa “vàng độc quyền” và “vàng khác”. Và sự chênh lệch giờ đây đã lên tới 16-17, thậm chí 20 triệu đồng/lượng. Với một cách điều hành khiến “Việt Nam có lẽ là nước duy nhất có giá vàng lên xuống kiểu khi nào giá thế giới giảm thì ta lại tăng”. Tình trạng, nói như ĐBQH Trịnh Xuân An là “không thể chấp nhận được”.
Ai đã được hưởng lợi? Có sự bắt tay, thao túng không?
Hôm qua, trong câu trả lời của Thống đốc có một ý, rằng: Mua cao thì bán cao, mua thấp thì bán thấp…
Thật ra, không phải là một câu trả lời.